Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Người đàn ông nhập viện tâm thần vì rượu

Người đàn ông nhập viện tâm thần vì rượu
Không chỉ ảnh hưởng tới gan và gây ra các bệnh tim mạch,rượu còn tạo nên những rối loạn về tâm thần, đặc biệt là sự thay đổi nhân cách.

Ảnh minh hoạ.

Hoang tưởng ghen tuông vì rượu

Thạc sĩ La Đức Cương – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết, số bệnh nhân nhập viện điều trị cai nghiện rượu ngày càng tăng, trong số đó không ít bệnh nhân bị chứng hoang tưởng, rối loạn nhân cách mà không biết đó là do rượu.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Ba trú tại Phú Xuyên, Hà Nội là điển hình. Mỗi ngày ông uống 1 lít rượu thay nước trà. Cứ rảnh là ông lại uống rượu.

Vợ con ông Ba chán không muốn khuyên răn gì ông vì mỗi lần khuyên là ông chửi. Ông chửi cả con nên các con đi học về là lang thang bên ngoài không muốn về nhà. Nhà có cái gì ông cũng ném ra sân. Vợ ông cho biết tình trạng nghiện rượu chỉ vài năm gần đây. 

Ngày xưa, ông Ba vốn không uống được rượu nhưng cứ tập dần, tập dần rồi thành nghiện. Đến giờ nghiện nặng. Không chỉ hoang tưởng rối loạn nhân cách mà cái khiến cho vợ con ông mệt mỏi nhất là ông ghen vợ với bất cứ người đàn ông nào.

Vợ ông đi ăn đám cưới hay đi đám hiếu về nhà ông cũng chửi. Vợ cười với ai ông cũng nghi vợ có quan hệ tình cảm với người đó. Mọi hoạt động của vợ ông đều nghi ngờ. Vì thế, vợ ông cũng khổ vì không thể làm được gì. 

Ông vốn hiền lành, chăm chỉ, không phải kiểu người hay ghen. Vợ ông Ba cho rằng rượu đã biến con người ông thành “Chí Phèo” nên quyết tâm cai nghiện cho chồng. Ba mẹ con đã tìm cách đưa chồng đến bệnh viện tâm thần để khám. Khi đến khám, ông Ba chửi ầm lên cho rằng mình không bị bệnh tâm thần, không muốn vào viện. Chỉ đến khi bác sĩ giải thích kỹ về bệnh lý sức khoẻ do rượu ông mới ngồi im nghe.

Ông Ba được điều trị tâm lý, cách ly rượu bia hoàn toàn trong vòng 1 tháng. Với nỗ lực của vợ con cộng với những lời tư vấn của các bác sĩ, cộng với thuốc ức chế cơn nghiện, ông Ba đã không còn muốn uống rượu và có lúc ông cảm giác sợ rượu. Tuy nhiên, trong quá trình cai rượu, bác sĩ nhận thấy ông Ba có triệu chứng lo âu, thấp thỏm nên ông được chuyển sang điều trị các triệu chứng lo âu trầm cảm.

Đến nay sau hơn 3 tháng điều trị, sức khoẻ của ông Ba đã tốt hơn. Những hoang tưởng và rối loạn về nhân cách chửi vợ, chửi con đã không còn. Dù sức khoẻ không được tốt như trước nhưng với vợ con ông Ba, đó là kỳ tích.

Quên, lú lẫn do rượu

Ông Nguyễn Văn Vừng trú tại Định Hoá, Thái Nguyên phải nhập viện vì chứng hay quên, lú lẫn. Dù mới 43 tuổi nhưng ông Vừng rơi vào trạng thái hay quên. Khi đi khám, bác sĩ không bất ngờ vì ông là “tiên tửu”. Cách đây vài năm ông đã phải điều trị viêm gan do rượu nhưng nghiện rượu vẫn không giảm. Ông giấu vợ, con để uống rượu.

Ông Vừng nói, ông không có rượu thì không thể làm được việc gì, cảm giác cơ thể mệt mỏi, không sung mãn, nên lúc nào ông cũng lệ thuộc vào rượu.

Theo thạc sĩ Cương, rượu có tác dụng ức chế hệ thần kinh tương tự như barbiturate và benzodiazepine. Với nồng độ 0.05% trong máu, quá trình suy nghĩ và phán đoán trở nên lỏng lẻo và đôi khi bị ngưng trệ. Ở nồng độ 0.1%, các cử động tự ý trở nên vụng về. Nồng độ ngộ độc từ 0.1% - 0.2%, chức năng toàn bộ vùng vận động của não bị ức chế. Ở 0.3%, người bệnh trở nên lú lẫn và hôn mê. Từ 0.4 - 0.5%, bệnh nhân rơi vào hôn mê.

Sử dụng lâu dài có thể đưa đến teo não, thoái hóa tiểu não, động kinh, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh cơ tim, bệnh về cơ, viêm gan do rượu, xơ gan, viêm dạ dày, viêm tụy, loét dạ dày và các rối loạn tiêu hóa khác.

Khi đến khám, phần lớn bệnh nhân khi được hỏi thường giảm thiểu lượng rượu mình uống. Chính vì thế các bác sĩ rất khó để xác định tổn thương do rượu mang đến cho não nếu người bác sĩ đó không có kinh nghiệm trong tư vấn cai rượu. 

Ngày nay, rượu được xem là 1 trong các nghiện chất có quy trình cai nhưng để cai được, thạc sĩ Cương cho biết người bệnh phải có quyết tâm. Không ít người cai xong lại tái nghiện.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây