Ngân hàng Nhà nước nói gì khi được trả chốt công an?
- Thứ ba - 28/02/2017 21:29
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Các chốt công an đã được quận 1 trả lại
Hàng rào xây dựng trước năm 1975
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM cho biết, hàng rào xích xung quanh trụ sở ngân hàng có từ trước giải phóng. Sau này phía ngân hàng có trách nhiệm sửa sang và xin ý kiến quận 1 để một phần vỉa hè để xe cho cán bộ ngân hàng, phần hàng rào cũng được dời vào một khoảng ở hai đường Tôn Thất Đạm, Pasteur.
Thời điểm đó là năm 2014, quận 1 có văn bản chấp thuận đồng ý. Còn về các chốt, ông Minh cho biết trụ sở ngân hàng nằm trong danh mục được canh gác theo điều 6 của Nghị định 37/2009/NĐ-CP. Đồng thời tại Thông tư 20/2010/TT-BCA quy định Tổng cục Cảnh sát chịu trách nhiệm bảo vệ trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể tại điều 8 của thông tư này công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm canh gác, bảo vệ.
Về các chốt, ông Minh cũng viện dẫn thêm tại điều 10 của thông tư này quy định, đối với các mục tiêu có bố trí cán bộ, chiến sĩ cảnh sát làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ mục tiêu, Cục Cảnh sát bảo vệ hoặc công an tỉnh thành phố trực thuộc trung ương xem xét, xác định cụ thể để bố trí đủ chốt gác thích hợp đối với từng mục tiêu và thống nhất với thủ trưởng cơ quan có mục tiêu về địa điểm đặt chốt gác, đảm bảo phù hợp với cảnh quan và thuận tiện cho việc quan sát mục tiêu cần bảo vệ.
Sẵn sàng hợp tác
Trao đổi với Tiền Phong chiều 28/2, bà Nguyễn Thị Lành, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại TPHCM cho biết, phía ngân hàng đang tập trung lại những văn bản, hồ sơ để cùng bên chỗ quận 1, với lại phường Nguyễn Thái Bình cũng có công văn gửi phía ngân hàng cung cấp hồ sơ để thực hiện đúng quy định Nhà nước.
“Phía ngân hàng cũng đang tập trung văn bản, hồ sơ. Nghị định 37 thì phía ngân hàng có rồi, còn về yêu cầu thủ tục lắp các chốt thì phía ngân hàng đang tập hợp hồ sơ. Có nhiều văn bản giao cho nhiệm vụ cho Bộ Công an, đơn vị bố trí mục tiêu chính là Bộ Công an”, bà Lành cho biết.
Về sự việc hôm qua đoàn kiểm tra quận 1 xuống tháo dỡ, bà Lành cho biết đoàn yêu cầu gấp quá, cách làm chưa phối hợp nên hôm qua gây ra dư luận không đáng có. Sau khi hai bên làm việc đàng hoàng thì phía quận 1 cho 1 tháng. Hai bên rất thiện chí, hợp tác và trao đổi đầy đủ.
Vỉa hè trước trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM đã thông thoáng
“Mình là những đơn vị nhà nước nên sẵn sàng hợp tác là mọi việc rõ ràng. Chúng tôi làm đúng quy định Nhà nước nhưng mà có vấn đề cách làm, mình phải cùng với nhau thực hiện quy định lập lại trật tự vỉa hè”, bà Lành nói.
Qua sự việc vừa rồi, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM cũng đã có thông báo gửi các tổ chức tín dụng, yêu cầu chấp hành đúng các chủ trương, quy định của thành phố về vấn đề lập lại trật tự lòng lề đường.
Đồng thời đề nghị các tổ chức tín dụng có trụ sở trên địa bàn TPHCM rà soát lại các công trình, các trụ ATM,…nếu có lấn chiếm vỉa hè thì phải tháo dỡ, thực hiện đúng quy định. Các tổ chức tín dụng hạn chế để sự việc xảy ra như đoàn kiểm tra, xử lý sẽ dẫn đến tụ tập đông người, mất an ninh trật tự và ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng.
Trước đó, trưa 28/2, trao đổi với Tiền Phong, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 khẳng định làm không sai, sự việc cũng đã báo cáo với lãnh đạo thành phố. Trước câu hỏi vì sao ông cho trả lại chốt, ông Hải cho biết đây là việc làm linh động sau khi trao đổi với đại diện phía ngân hàng. Việc trả chốt để cho các anh em cảnh sát làm việc bảo vệ nơi trọng yếu.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng các quy định, văn bản mà phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TPHCM chưa đầy đủ và chính xác. Quận 1 đã hướng dẫn ngân hàng làm giấy phép chính xác hơn, phía ngân hàng có thời gian 1 tháng để hoàn thành các thủ tục, giấy phép đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND quận 1 khẳng định, cuối tháng 3 này phải xử lý xong các công trình nhà dân lấn chiếm vỉa hè. Đồng thời cuối năm 2017 phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Sau đợt làm mạnh này thì quận 1 sẽ có những giải pháp khác tiếp theo để lập lại trật tự lòng lề đường. Trước mắt quận 1 sẽ làm gương cho cấp dưới trong việc thực hiện này.
“Mình đã nói ngay từ đầu rồi, mình đâu có ngại đụng chạm, trong quá trình xử lý phải cố gắng làm sao cho hai bên cùng đồng thuận giải quyết. Mặc dù hơi mệt nhưng vẫn phải làm quyết liệt, vẫn liên tục đến khi nào có hiệu quả, người dân thỏa mãn thì thôi”, ông Hải cho biết.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, đây là việc làm đáng hoan nghênh và cần nhân rộng. Cần có sự “chia lửa” của chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền người dân tự nguyện chấp hành cũng như trong việc xử lý hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cán bộ, công chức chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép. Nên trong việc xử lý vi phạm về giao thông, về xây dựng phải đúng cả về nội dung lẫn hình thức. Luật sư Chánh phân tích, đó là việc xử lý vi phạm phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn. |
Bấm đây để xem Ph ó chủ tịch quận 1 chỉ đạo cẩu xe sang của hoa hậu về phường