Mùa mưa, quá nhiều rủi ro rình rập sức khỏe
- Thứ sáu - 14/10/2016 09:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những đợt mưa kéo dài gần đây tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe. Nếu ở vùng nông thôn, vùng cao đối mặt hiểm họa sạt lở, lũ quét... thì thách thức tại các khu vực đô thị là tình trạng triều cường, nước ngập, môi trường ô nhiễm.
Nhiều bệnh về da xuất hiện
Một buổi sáng, tranh thủ trời chưa mưa, nước rút bớt, ông Đ.V.C (ngụ phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM) lại dùng bao cát ngăn nước trước nhà sau nhiều ngày khổ sở chống chọi với nước cống tràn vào. Vợ ông đi chợ cũng không quên mua về gần chục chai thuốc tẩy để lau rửa nhà cửa. Trước đó, đường dẫn chính vào khu phố 6 qua nhà ông C. (nơi có nhiều nhà trọ công nhân) lênh láng nước đọng dù trời không còn mưa. “Khổ quá, khu này giờ công trình đang xây lên nhiều, ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Ráng chịu cho qua mùa này rồi kiếm tiền nâng cái nền nhà chứ kiểu này thì chết” - ông C. than thở. Khó khăn của ông C. cũng là nỗi niềm của không ít gia đình bị ngập nước.
Bệnh nhân bị bệnh về hô hấp đang được điều trị
Theo BS Hoàng Văn Minh, phụ trách Phòng khám Da liễu Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM, vào mùa mưa, bệnh về da thường xuất hiện do sự tiếp xúc với nước mưa. Phổ biến là bệnh mề đay và viêm da tiếp xúc. Ngoài ra, thói quen sử dụng quần áo mưa cũng sẽ gây bệnh do tình trạng nóng ẩm. Nếu dầm mưa quá lâu, cơ thể sẽ tiết mồ hôi làm cho vùng da tại đó bị ẩm ướt. Những người có sẵn bệnh lý nấm, ghẻ… thì tình trạng sẽ nặng hơn, ngứa ngáy nhiều và thậm chí lan ra những vùng khác. Đối với những người béo phì thì dễ bị viêm hoặc hăm ở dưới vú, nách, bẹn. Hơn nữa, trong trường hợp phải dầm mưa lâu, vùng da ở bàn chân sẽ bị ảnh hưởng nhiều mà dễ gặp nhất là nấm kẽ ở bàn chân; hoặc bị nhiễm trùng bội nhiễm ở những người có sẵn các bệnh lý như chàm ở bàn chân, bàn chân đái tháo đường, viêm mạch hoại tử ở chân…
Nguyên nhân gây ra các bệnh lý kể trên là do trong nước ngập có cả nước cống, nước thải của người và súc vật.
Cơ hội cho nhiều loại bệnh
Theo các chuyên gia y tế, trong mùa mưa, ngoài các bệnh thường gặp như nhiễm trùng hô hấp trên, cảm cúm, cúm mùa, cúm A, sốt xuất huyết, nhiễm virus Zika thì những người có bệnh lý nền như hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) sẽ dễ dàng vào đợt cấp hơn. ThS-BS Võ Kim Tuyến - Khoa Hô hấp BV Đại học Y Dược TP HCM - cho biết khi bị cảm cúm, người bệnh thường có các triệu chứng như ớn lạnh, sốt, ho, sổ mũi, chảy nước mũi, nhức đầu. Đối với người bệnh bị hen, COPD dễ vào đợt cấp, nếu không cắt được cơn khó thở phải nhập viện điều trị. Với những người bệnh bị sốt xuất huyết thì có hội chứng viêm long, thường biểu hiện sốt cao liên tục.
Ngoài ra, nước đọng là điều kiện lý tưởng cho ruồi, lăng quăng… phát triển. Đây là thủ phạm làm lây lan các bệnh đường ruột như tiêu chảy, lỵ, tả… và nếu điều kiện vệ sinh thực phẩm không an toàn, nguy cơ bệnh bùng phát thành dịch là không nhỏ. Mặt khác, ký sinh trùng gây bệnh lỵ amíp và các loại giun sán cũng được dịp sinh sôi trong môi trường nước bẩn.
Đề phòng sét đánh
Giới chuyên môn cảnh báo ngoài yếu tố gây bệnh, mùa mưa còn tiềm ẩn nguy cơ sét đánh chết người hoặc chấn thương nghiêm trọng. Thời gian qua, cả nước đã có hàng chục người tử vong do bị sét đánh và nhiều trường hợp trọng thương. Nên nhớ rằng, thời gian từ khi bị sét đánh đến lúc được cấp cứu nếu không quá 7 phút thì 90% trường hợp ngưng thở, ngưng tim, cơ thể cháy sém có thể được cứu sống.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam, lưu ý người dân cần biết những kiến thức quan trọng để đề phòng sét đánh. Khi trời giông và bắt đầu có sét, hãy nhớ những điều sau: Không lại gần những cây cao để tránh mưa hay ẩn nấp ở những chỗ gần hàng rào sắt, cột điện hoặc đường dây tải điện. Không nên đeo đồ trang sức bằng kim loại. Không nghe điện thoại khi trời giông, có sét. Không trú mưa ở những chỗ cao như đống rơm, cây cao… và tránh xa những vật dụng bằng kim loại. Không đứng thành nhóm người vì sẽ tạo thành khối dẫn điện, dễ bị sét đánh hơn. Nếu đang dưới nước, thấy trời có dấu hiệu mưa giông thì nên lên bờ ngay và tránh xa những nơi mặt nước rộng. Ngoài ra, cần ngắt các thiết bị điện, tivi, không nghe điện thoại khi không thật sự cần thiết, không dùng máy tính khi đang sạc điện và kết nối internet.
Tình trạng nước ứ đọng gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt và sự sinh sôi của các loại côn trùng như muỗi, gián… đặc biệt là ký sinh trùng, khiến các tổn thương về da, hô hấp, tiêu hóa, mắt… gia tăng. |
Cần giữ ấm thân nhiệt TS-BS Lâm Vĩnh Niên, BV Đại học Y Dược TP HCM, cho biết nhiều người có thói quen đi mưa về liền tắm nước nóng ngay. Điều này không nên vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ làm cơ thể dễ mắc bệnh hơn. Khi về đến nhà, cần lau khô người, nghỉ ngơi, giữ thân nhiệt ổn định, khi thấy người không còn lạnh mới nên đi tắm. Có thể sử dụng thực phẩm được làm ấm, trà gừng, thức ăn giàu vitamin C như cam, nước chanh… để giúp tăng sức đề kháng và làm ấm cơ thể. |