Mỗi năm Việt Nam có thêm 200.000 ca ung thư mới
- Thứ năm - 22/09/2016 13:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện nay trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm 200.000 ca ung thư mới. Ảnh minh họa
“Theo thống kê, hiện nay trung bình mỗi năm Việt Nam có thêm 200.000 ca ung thư mới và số người chết vì căn bệnh này là 70.000. Nguyên nhân từ thực phẩm bẩn chiếm đến 35% trong số các bệnh nhân ung thư. Do vậy, loại trừ thực phẩm bẩn đã đến lúc được xem là vấn đề cấp bách” - GS Nguyễn Lân Dũng (nguyên đại biểu Quốc hội) chia sẻ thông tin trên tại diễn đàn chính sách “An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp” được Văn phòng Quốc hội tổ chức tại TP.HCM ngày 21-9.
“Nói về các chất có hại cho cơ thể đối với rau thì trước hết phải nhắc tới thuốc trừ sâu, diệt cỏ… Ít người biết rằng mỗi năm Việt Nam bỏ ra 774 triệu USD để nhập về khoảng 100.000 tấn thuốc trừ sâu, bao gồm 4.100 loại. Trong đó 90% là nhập từ Trung Quốc. Điều lạ là Trung Quốc với 1,4 tỉ dân nhưng nước này chỉ cho phép sử dụng 630 loại thuốc trừ sâu mà thôi” - vị giáo sư này nói.
Vì lợi nhuận, nhiều người trồng rau sử dụng thuốc trừ sâu vô tội vạ. “Những người chuyên trồng rau ngoài trồng để bán, họ còn mảnh đất trồng riêng rau để dùng. Trong khi rau để bán, họ đánh lừa người mua bằng cách để sâu cắn lỗ chỗ một ít rồi mới phun thuốc trừ sâu. Có nơi sau một đêm sâu phá nát ruộng rau nên người trồng phun thuốc đến tận ngày gần thu hoạch. Không chỉ vậy, có người “khôn ngoan” rải vài con sâu lên mặt rau để người mua tin tưởng không có thuốc trừ sâu. Thế nhưng khi bán, họ cố tình nhặt lại mấy con sâu “làm cảnh” để dùng cho lần sau. Thật quá nguy hiểm” - GS Lân Dũng lắc đầu.
Vị giáo sư này nói tiếp: “Rau thì vậy, còn thịt thì sao? Gần đây, người ta lạm dụng salbutamol và clenbuterol làm chất kích thích tăng trọng và tạo nạc cho heo. Dùng thịt heo có chất tạo nạc đồng nghĩa đã ăn trực tiếp tồn dư các chất đó. Chất tăng trọng đưa vào heo bao nhiêu hầu như chuyển hết sang cho người bấy nhiêu. Liều lượng salbutamol, clenbuterol tích lũy trong người đủ lớn sẽ gây ngộ độc cấp, tăng huyết áp, đau tim, thậm chí gây ung thư dẫn đến tử vong. Quả là đáng sợ”.
GS Lân Dũng đặt câu hỏi: “Vậy giải pháp tình thế là gì?”. Đưa mắt nhìn quanh các đại biểu, vị giáo sư đáng kính trả lời luôn: “Tự trồng rau là biện pháp có hiệu quả, mà điều này lại không quá khó”.
“Tôi có dịp đến thăm nhà nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khi ông ở Hà Nội. Tôi thấy ông trồng rau an toàn rất đơn giản, chỉ rải lớp mỏng đất phù sa trên nền xi măng rồi gieo thật nhiều hạt cải. Vị nguyên Chủ tịch nước chỉ tưới bằng nước lã và ăn sống hoặc xào nấu khi cải còn non, mới có hai lớp lá. Nhà ai có sân lớn, nhỏ đều áp dụng được biện pháp này. Ngoài ra, có thể tận dụng sân thượng, đất trống ven đường, ven bờ ao để tự túc trồng rau” - GS Lân Dũng đưa lời khuyên.
• Nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 150 toàn thế giới, trong khi lại là nước đứng thứ hai thế giới về tỉ lệ mắc bệnh ung thư. Mất an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam hiện nay. Thực trạng sử dụng thức ăn chứa chất tăng trọng trong chăn nuôi, thuốc kích thích tăng trưởng rau, hóa chất cấm trong chế biến nông thủy sản… ngày càng phổ biến. Thực phẩm bẩn đã, đang và sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, giống nòi… Các thông tin tại diễn đàn chính sách “An toàn thực phẩm ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp” sẽ được tổng hợp và xây dựng thành báo cáo nhằm cung cấp thông tin tham khảo cho các đại biểu Quốc hội vào kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14. Ông ĐỖ MẠNH HÙNG, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội • Khảo sát quận Hai Bà Trưng và quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho thấy gần 99% cải xanh nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, trong đó 30% vượt ngưỡng cho phép. Đậu côve, rau muống, dưa chuột, cải bắp nhiễm thuốc lần lượt hơn 97%, trên 94%, gần 89% và gần 93%; vượt ngưỡng cho phép lần lượt gần 6%, hơn 14%, 10% và trên 1%. Nếu Việt Nam không có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn thực phẩm bẩn thì xây bao nhiêu bệnh viện cũng không đủ đáp ứng phục vụ người bệnh. Bộ Y tế cũng sẽ xin lỗi dài dài vì thực trạng quá tải bệnh viện, 2-3 bệnh nhân nằm ghép một giường. GS-TS PHẠM DUY TƯỜNG, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm Trường ĐH Y Hà Nội |