Đi ngoài ra máu, dè chừng với bệnh ung thư đại trực tràng
- Thứ bảy - 22/04/2017 03:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
PGS.TS. Hoàng Công Đắc, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện E cảnh báo, những người hay bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài hay rặn, thường xuyên táo bón hoặc phân lỏng, có khi kèm theo máu nhầy, uống thuốc kháng sinh kéo dài không khỏi…. là dấu hiệu nhận biết sớm ung thư trực tràng.
Đi vệ sinh, phân không ổn định
Bệnh ung thư đại trực tràng biểu hiện ở tất cả những gì có rối loạn về đường tiêu hóa từ trên miệng xuống hậu môn.
Đại tràng là nơi chứa phân, bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa nên ở giai đoạn sớm, người bị ung thư đại tràng thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như: đi táo, đi lỏng thất thường, hôm thì táo hôm thì lỏng hoặc có thời gian đi lỏng kéo dài, có thời gian táo bón kéo dài.
Theo PGS Hoàng Công Đắc, bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, đi ngoài hay rặn, hôm táo, hôm lỏng, có khi kèm theo máu nhầy, uống thuốc kháng sinh kéo dài không khỏi…
Đi ngoài hay rặn
Đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài, đi ngoài ra máu mũi, phân lầy nhày mũi máu, phân nát, phân hình lá lúa (bởi phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp.
Uống kháng sinh không khỏi
Người bị ung thư đại trực tràng bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày rất giống với triệu chứng bệnh lị. Tuy nhiên, triệu chứng này khác bệnh lị ở chỗ: khi bị lị, người bệnh uống thuốc kháng sinh đặc trị sẽ khỏi nhưng khi bị ung thư đại trực tràng, uống kháng sinh cũng không khỏi tình trạng đi ngoài.
Đi ngoài ra máu
Đáng chú ý với những người hay đi ngoài ra máu. Có 2 loại đi ngoài ra máu cần phân biệt. Đi ngoài ra máu do trĩ: đi ngoài ra máu tươi ngay sau khi đi ngoài. Máu này như máu gà cắt tiết phủ lên trên phân.
Còn khi đi ngoài ra máu lẫn với nhầy trong phân thì nghĩ tới ung thư đại tràng. Vì máu chảy ở niêm mạc vùng ung thư có thể bị viêm nên tiết nhầy.
Đau quặn bụng, gầy sút cân
Các dấu hiệu muộn như: đau quặn bụng từng cơn, gầy sút khi ung thư phát triển. Khi ung thư muộn thì có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng. Vàng da, bụng to dần…
Theo PGS.TS. Hoàng Công Đắc, để phát hiện ung thư đại trực tràng khi thăm khám không khó khăn, bác sĩ chỉ cần thăm khám bằng tay, chưa cần đến các biện pháp thụt hay soi đã có thể có kết luận bệnh.
Khi nghĩ tới ung thư đại trực tràng, bác sĩ cần đi găng để thọc vào hậu môn thăm khám. Nếu là ung thư trực tràng thấp sẽ thấy máu theo tay.
Ung thư đại trực tràng nếu phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u, kèm theo hóa, xạ trị theo phác đồ của bác sĩ.