Đăng ảnh nghi phạm ấu dâm lên mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
- Thứ năm - 16/03/2017 00:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em khiến dư luận bức xúc. (Ảnh minh họa)
Thời gian gần đây, vấn đề xâm hại tình dục với trẻ em khiến bức xúc dư luận khi liên tục xuất hiện các vụ việc trẻ em bị xâm hại. Trong đó có vụ, mẹ cháu bé 8 tuổi ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội tố cáo hàng xóm có hành vi xâm hại tình dục con gái mình.
Trên mạng xã hội sau đó lan truyền hình ảnh một thanh niên kèm theo “cáo buộc” thực hiện hành vi dâm ô với bé gái.
Sau sự việc trên, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề, có nên chia sẻ lên mạng tên tuổi, hình ảnh người bị tố cáo có hành vi ấu dâm và việc chia sẻ có vi phạm pháp luật.
Hậu quả đăng ảnh "kết tội” người chưa có tội khó lường
Trao đổi với PV, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch) cho rằng: Tội phạm xâm hại tình dục rất đáng bị lên án và cần phải bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, để khởi tố, kết tội một người cần phải thông qua điều tra, xét xử.
“Không ai bị coi là tội phạm nếu chưa có bản án có hiệu lực của Tòa án”, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Trần Tuấn Anh.
Theo luật sư Tuấn Anh, theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành, một người khi chưa bị tòa án kết tội thì họ vẫn có đầy đủ các quyền công dân. Tức là có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
“Luật dân sự quy định nhiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Việc chia sẻ tới cộng đồng mạng hình ảnh người chỉ đang bị nghi ngờ có hành vi ấu dâm kèm theo thông tin cho rằng, người này phạm tội ấu dâm nhằm tạo sức ép dư luận là trái pháp luật, điều này làm ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của cá nhân bị đăng ảnh – người vẫn chưa bị kết tội và vẫn còn đầy đủ các quyền công dân”, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Tuấn Anh cho rằng, hậu quả đối với một con người bị ảnh hưởng bởi tin đồn, bị xúc phạm nhân phẩm trên mạng là rất khó lường.
“Nếu người bị đăng ảnh không phạm tội thì sao? Một người không phạm tội mà bị dư luận coi là phạm tội, đăng tải hình ảnh thông tin cá nhân rộng khắp gắn liền với tội danh mình không phạm phải có thể bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề dẫn đến những suy nghĩ không tích cực, sang chấn tinh thần, thậm chí tìm cách tự tử….
Những người thân, gia đình của họ cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng về danh dự, cuộc sống…”, luật sư Tuấn Anh nhìn nhận.
“Cáo buộc” sai có thể bị xử lý
Theo luật sư Tuấn Anh, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, việc đăng tải hoặc chia thông tin, hình ảnh công khai của ai đó và ấn định họ với một tội danh nào đó là phải hết sức thận trọng. Việc chia sẻ những thông tin thiếu căn cứ, chưa được kiểm chứng có thể khiến bản thân người chia sẻ “gặp rắc rối”.
“Trong trường hợp người bị đăng ảnh kèm theo thông tin thực hiện hành vi dâm ô nhưng sau đó được cơ quan tố tụng xác định vô tội thì những người trước đó đăng tải hoặc chia sẻ thông tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “vu khống” hoặc “làm nhục người khác””, luật sư Tuấn Anh nói.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) nêu ý kiến: Việc sử dụng mạng xã hội như Facebook hay trang web để bày tỏ ý kiến cá nhân hoặc bình luận trên mạng xã hội là quyền của mỗi con người.
Tuy nhiên, khi quyết định chia sẻ tới cộng đồng thông tin gì đó, đặc biệt là những thông tin có thể gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của người khác như“cáo buộc” người khác phạm tội thì người dân cần xem xét kỹ thông tin có đủ tin cậy hay không. Bởi thực tế rất nhiều trường hợp lợi dụng mạng xã hội để trục lợi hoặc thực hiện ý đồ xấu.
“Ví dụ, trên mạng xã hội Facebook, có người chia sẻ một đoạn clip ghi lại cảnh một phụ nữ cầm 1 chiếc điện thoại rời khỏi cửa hàng điện thoại kèm theo thông tin, người này trộm cắp điện thoại.
Một người chỉ xem đoạn clip trên không thể xác định người phụ nữ đó có trộm cắp hay không.
Tôi đặt giả thiết, người phụ nữ chỉ lấy lại chiếc điện thoại của cô ấy nhưng bị người chia sẻ clip cố tình đưa thông tin trộm cắp để bôi nhọ danh dự hoặc câu like.
Nếu đoạn clip trên được cơ quan điều tra công bố hoặc xác nhận là 1 vụ trộm, như vậy mới đáng tin cậy để chia sẻ”, luật sư Thơm nêu ví dụ.
Theo luật sư Thơm, mạng xã hội hiện rất phát triển, chỉ một chia sẻ hoặc một bình luận công khai có thể thu hút hàng triệu người xem và chia sẻ thêm.Việc chia sẻ thông tin sai sự thật đồng nghĩa với việc tiếp tay cho hành vi sai trái.
“Bộ luật Dân sự quy định người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến danh dự, uy tín của cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường… Những trường hợp nghiêm trọng, tùy vào từng trường hợp cụ thể, người tung tin đồn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, luật sư Thơm nói.
Luật sư Thơm cũng cho rằng, việc cộng đồng mạng chia sẻ thông tin, hình ảnh người bị tố cáo phạm tội xâm hại tình dục nhằm tạo sức ép buộc cơ quan bảo vệ pháp luật phải điều tra là hành động xâm phạm quyền công dân được hiến pháp bảo vệ.Việc làm này không phải là nguyên nhân thúc đẩy vụ án được giải quyết nhanh hơn bởi để kết tội một người, cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải tuân thủ đầy đủ trình tự tố tụng đã được pháp luật quy định từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử... nhằm tránh bỏ lọt tội, tránh oan sai.
| >>XEM THÊM Hãy ngưng vuốt ve, hôn hít con nhà người khác vì lí do này |