Bí mật về bốn "cụ cây", đại gia trả 8 tỉ nhưng cả làng không bán
- Thứ tư - 10/05/2017 13:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bốn cây lộc vừng cổ thụ có tuổi đời khoảng 700 năm ở đình thôn Hoành.
Cây “báu vật”, trả giá nào cũng không bán
Đình thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) thờ 2 vị Cao Sơn Đại Vương và Quý Minh Đại Vương. Đây là 2 vị thần có công dạy dân trồng lúa, nuôi tằm, làm thuỷ lợi trong buổi đầu Hùng Vương dựng nước.
Hiện trong khuôn viên của đình đang giữ một “báu vật” mà không phải ở đâu cũng có, đó là 4 cây lộc vừng cổ thụ. Nhìn từ bên ngoài vào, 4 cây lộc vừng lá xanh mướt, xum xuê, tỏa bóng mát cho cả sân đình.
Ông Nguyễn Văn Lan (86 tuổi) – Trưởng ban di tích đình thôn Hoành cho hay, không một ai trong làng biết những cây lộc vừng này có từ khi nào. Bởi những cụ cao niên nhất kể lại, từ những đời trước sinh ra cũng đã thấy những cây lộc vừng này tồn tại ở đây.
Những cây lộc vừng tán rộng, lá xanh mướt tỏa bóng mát cả sân đình.
Theo ông Lan, có thể cây được trồng từ khi người dân lập miếu thờ hai vị công thần. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ai tìm hiểu được hai vị công thần này mất từ năm nào. Chỉ biết, họ là công thần từ đời vua Hùng Vương.
Ông Lan cho biết thêm, đình thôn Hoành được tu bổ lại nhiều lần. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình đã bị phá bỏ để làm trường học và trụ sở cho cách mạng hoạt động. Hiện đình mới dựng lại có tuổi đời hơn 100 năm.
“Từ ngày chuyển đình về đây, chúng tôi đã thấy những cây lộc vừng này. Vì thế, theo đánh giá của các cụ cao niên, những cây này có tuổi đời khoảng 600-700 năm tuổi”, ông Lan chia sẻ.
Cũng theo ông Lan, khoảng năm 2009, khi đó lộc vừng đang “sốt” và được giới cây cảnh săn đón như “báu vật”. Nhiều người về làng hỏi mua 4 cây lộc vừng nhưng trả với giá nào dân làng Hoành cũng không đồng ý bán.
“Có một doanh nghiệp về trả giá mỗi cây lộc vừng 2 tỉ, 4 cây là 8 tỉ. Tuy nhiên, dân làng không đồng ý bán vì coi cây là vật linh thiêng gắn với đình. Dân làng Hoành chúng tôi coi 4 cây lộc vừng là vô giá, có trả nghìn tỉ chúng tôi cũng không bán”, ông Lan nói.
Ông Lan đứng giữa 2 cây lộc vừng Huynh Đệ.
Bốn cây lộc vừng được dân làng đặt cho 4 cái tên khác nhau. Hai cây đứng gần nhau, cạnh miếu thờ Mẫu (mẹ của hai vị Thành hoàng làng) gọi là cây Huynh Đệ; cây nằm đối diện với cửa miếu là cây Dương Liễu; cây đứng cách xa nhất, chuyên đón "đầu sóng ngọn gió" có tên Phong Ba.
"Nằm dưới gốc lộc vừng dễ chịu hơn nằm điều hòa"
Có tận mắt chứng kiến mới thấy người dân gọi 4 cây lộc vừng là "báu vật vô giá' là chính xác. Dưới mỗi gốc cây, người dân kê sẵn những chiếc ghế đá để có nơi ngồi nghỉ mát. Mỗi trưa hè nóng bức, người dân thôn Hoành lại lũ lượt kéo nhau ra nằm nghỉ dưới gốc cây.
Những cây lộc vừng có đường kính khá lớn, 1 người ôm sẽ không xuể.
Ông Lê Đình Linh - người dân làng Hoành cho biết: "Những ngày hè nóng bức, quanh khu vực này không có chỗ đứng. Nằm dưới gốc cây lộc vừng còn dễ chịu, khoan khoái hơn nằm điều hòa".
Cũng theo ông Linh, dù đã đi rất nhiều nơi nhưng ông chưa thấy ở đâu có cây lộc vừng to và lâu đời như ở đình làng Hoành. Ông nói: “Bà tôi sống hơn 100 tuổi kể lại, từ ngày bà sinh ra cũng đã thấy những cây lộc vừng to như bây giờ”.
Ông Nguyễn Văn Lan cho biết thêm, khoảng tháng 7- 8 hằng năm, 4 cây lộc vừng vẫn nở hoa, thơm phức. Nhưng cứ năm nào, lộc vừng nở đỏ rực cả một góc trời đồng nghĩa có một trận mưa bão rất lớn ập đến. Bão gió là thế nhưng qua bao nhiêu năm, 4 cây lộc vừng vẫn đứng sừng sững trước sân đình.
"Cả làng chúng tôi không ai dám bán cây, cũng chẳng ai dám trộm cây bởi, thần Thành hoàng làng rất thiêng. Ngày trước có mấy người trộm đồ trong đình bán lấy tiền, sau đó đều chết bất ngờ. Hay nếu còn sống cũng làm ăn thất bát hoặc gia đình không ra gì", ông Lan cho hay.
Không chỉ có 4 cây lộc vừng cổ thụ, trong khuôn viên của đình làng Hoành còn lưu giữ được một chiếc giếng cổ bằng đá ong. Miệng giếng rộng chừng 4 mét nhưng do đường mới mở chạy qua đã bị lấp một phần miếng giếng. Để đảm bảo cho trẻ nhỏ chơi ở đình nên miệng giếng cũng đã được quây tôn kín.
“Giếng cũng được đào từ ngày dựng đình, tuổi đời vài trăm năm. Nước giếng rất mát và ngọt. Nhiều gia đình trong làng có giếng khoan nhưng khi có việc vẫn sử dụng nước giếng đình làng để làm cỗ hoặc sinh hoạt”, ông Lan chia sẻ.