Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Bệnh viện xin... xuống hạng

Nghịch lý này đang diễn ra ở nhiều địa phương khi một số bệnh viện phấn đấu được lên hạng để nhận ưu đãi về cơ chế thì ngay sau đó lại xin xuống hạng

Sau hơn nửa năm từ bệnh viện (BV) hạng 3 (tương đương tuyến huyện) lên hạng 2 (tương đương tuyến tỉnh), BV Da liễu và BV Y dược cổ truyền tỉnh Đồng Nai đang khốn khổ vì lượng bệnh nhân đến khám BHYT sụt giảm đến 90%.

Lo phải đóng cửa

BV Da liễu Đồng Nai (đóng tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa) được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị khá khang trang nhưng mấy tháng nay chỉ lèo tèo vài chục người đến khám. Theo bác sĩ Lê Thị Thái Hà, Giám đốc BV Da liễu Đồng Nai, hiện số bệnh nhân khám BHYT tại đây giảm đến 90%. Trước đây, mỗi tuần BV tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân thì nay chỉ còn 50 người/tuần. “Nếu không điều chỉnh các quy định mới, BV tôi với một số chuyên khoa đang lo sợ phải đóng cửa” - bác sĩ Hà nói.

 

Tại Bệnh viện quận Thủ Đức (TP HCM), lượng bệnh nhân khám BHYT đang tăng đột biến Ảnh: NGUYỄN THẠNH

Chị Trần Thị V., ngụ TP Biên Hòa, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại BV Đa khoa Biên Hòa nhưng do mắc bệnh nhiễm sắc tố da từ trước nên chị muốn khám và điều trị tại BV Da liễu hơn. Tuy nhiên, hiện nay, BHYT không chi trả cho khám trái tuyến tại đây nên phải tự trả tiền điều trị. “Thường thì người ta đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở BV đa khoa nhưng khi có bệnh, bệnh nhân muốn điều trị ở BV chuyên khoa hơn” - chị V. nhận xét.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại BV Y dược cổ truyền Đồng Nai (số 9 Đồng Khởi, TP Biên Hòa). Một lãnh đạo BV này cho biết sau khi lên hạng, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh giảm 50%.

Lý do “vắng khách”, theo lãnh đạo các BV, sau khi thực hiện Thông tư 40 ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế “về quy định đăng ký khám chữa bệnh BHYTban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016”, các BV này không còn được tiếp nhận khám chữa bệnh bảo hiểm ban đầu, mà chỉ được nhận các trường hợp chuyển từ tuyến huyện lên.

Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho rằng các cơ sở đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu rất ít khi chuyển bệnh nhân mà giữ lại điều trị. Vì vậy, quyền lợi của người tham gia BHYT bị ảnh hưởng khi không được khám chữa bệnh ở các BV chuyên khoa tuyến tỉnh.

“Các BV chuyên khoa công lập hạng 3 thì được xếp vào tuyến tỉnh và tương đương, trong khi các BV chuyên khoa, y học cổ truyền tư nhân hạng 3 lại xếp vào tuyến huyện. Đây là điều chưa hợp lý trong thông tư này. Có vẻ như việc thực hiện thông tư chỉ dựa theo cảm tính chứ chưa có cơ sở khoa học, phần nào dẫn đến những bất hợp lý khiến một số BV và cả bệnh nhân gặp khó khăn” - ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, nhìn nhận.

Trục lợi quỹ bảo hiểm?

Theo số liệu thống kê trong tháng 5-2015 của BHXH Việt Nam, 10 BV lớn của tỉnh Nghệ An có cơ sở vật chất hiện đại, đủ tiêu chuẩn xếp hạng 2 nhưng từ năm 2016, lại được thanh toán như BV hạng 3 tuyến huyện. Đó là BV Đa khoa Cửa Đông, BV Quốc tế Vinh, BV 115 Nghệ An, BV Mắt Sài Gòn - Vinh, BV Đa khoa Thái An, BV Đa khoa Phủ Diễn, BV Đa khoa Thành An - Sài Gòn...

Ông Hoàng Văn Hảo, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, cho biết Bộ Y tế chưa có văn bản chính thức phân hạng các BV ngoài công lập. Tại Nghệ An, theo các văn bản trước đây, những BV ngoài công lập là BV hạng 2 nhưng từ ngày 1-1-2016, các BV xin xuống hạng 3 để được khám chữa bệnh BHYT ban đầu. Việc tạm phân hạng này do Bộ Y tế hướng dẫn.

Cũng theo ông Hảo, việc các BV tư nhân được tạm xếp hạng 3 sẽ mở ra cho người dân sử dụng BHYT có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh ban đầu. Nơi nào dịch vụ tốt, người dân sẽ lựa chọn đăng ký khám chữa bệnh.

Trong khi ngành y tế lạc quan như vậy thì BHXH lại lo xảy ra tình trạng trục lợi bởi các BV đua nhau xin xuống hạng để được khám BHYT.

Một lãnh đạo BHXH tỉnh Nghệ An phân tích về nguyên tắc, BV hạng 2 có lợi hơn BV hạng 3. Thế nhưng, đang xảy ra tình trạng ngược đời là nhiều BV xin xuống hạng 3 để được thông tuyến. Trước đó, có những BV xin được công văn với nội dung “đồng ý chủ trương xin xuống hạng của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế”.

“Với tấm giấy này, chúng tôi đành chấp thuận cho BV xuống hạng. Nguyên nhân xin xuống hạng, các BV đưa ra rất khác với thực tế. Thường thì các BV nại lý do rất chính đáng như thiết bị hiện đại nhưng sử dụng chưa hết công suất, gây lãng phí nên xin xuống hạng để thu hút bệnh nhân” - đại diện cơ quan bảo hiểm này chia sẻ.

Cắt hợp đồng các BV cố tình xuống hạng

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, khẳng định trước tình trạng nhiều BV xin xuống hạng để được khám chữa bệnh thông tuyến, BHXH Việt Nam đã ra văn bản hướng dẫn bổ sung về giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT.

Tại văn bản này, cơ quan bảo hiểm yêu cầu BHXH các địa phương phối hợp với sở Y tế và các BV tư nhân trong năm 2016 điều chỉnh phân hạng từ tương đương BV hạng 1, hạng 2 xuống tương đương BV hạng 3, hạng 4 hoặc không xếp hạng nhằm mục đích đón đầu chính sách thông tuyến, thu hút nhiều bệnh nhân khám theo diện BHYT. Đồng thời, rà soát lại khả năng cung ứng dịch vụ y tế, đề xuất ý kiến về việc có tiếp tục hay không tổ chức hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nếu vì lý do khách quan, đơn vị khám chữa bệnh đó phải chuyển từ hạng 2 xuống hạng 3 thì các bên cần làm rõ nguyên nhân. Nếu nguyên nhân xuống hạng do không đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, giám đốc BHXH địa phương đó quyết định việc có ký hợp đồng khám chữa bệnh ủy quyền tiếp với đơn vị khám chữa bệnh đó hay không.

Trước đó, năm 2015 đã xảy ra tình trạng một số BV tư nhân phấn đấu lên hạng 2 để có thể nhận một số ưu đãi về cơ chế giá liên quan tới phân tuyến BV. Sang năm 2016, khi có những thông tin về thông tuyến cấp huyện trong toàn quốc về khám chữa bệnh BHYT, một số BV tư nhân lại xin từ hạng 2 xuống hạng 3 để thuộc diện BV được thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tuyến huyện trong cả nước.

“Thời gian qua, sau khi rà soát, cơ quan bảo hiểm đã cắt hợp đồng khám chữa bệnh BHYT đối với các cơ sở y tế xin xuống hạng không bảo đảm các điều kiện về khám chữa bệnh. Chúng tôi đang tiếp tục rà soát nguyên nhân việc xin xuống hạng của các cơ sở y tế nói chung và cơ sở y tế tư nhân nói riêng, nếu phát hiện BV nào cố tình xin xuống hạng để trục lợi quỹ BHYT sẽ cắt hợp đồng khám chữa bệnh BHYT” - ông Thảo nhấn mạnh.

Lãnh đạo cơ quan bảo hiểm cho rằng việc thông tuyến khám chữa bệnh nhằm cải cách hành chính và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân nhưng nếu không quản lý chặt sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng và nguy cơ phá vỡ chính sách.

Xem lại cách đối xử với bệnh nhân BHYT

Tại TP HCM, nơi có đông người tham gia thẻ BHYT, một số BV công lập hạng 2 trước đây rất đông bệnh nhân khám BHYT thì nay, số lượng này giảm mạnh. Trong khi đó, một số BV tuyến quận như quận 2, quận Thủ Đức, số người bệnh khám BHYT tăng đột biến. Tại BV quận Thủ Đức, trước đây mỗi ngày tiếp nhận 3.600 bệnh nhân thì nay tăng lên 4.400 lượt bệnh nhân.

Theo TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, sau khi có quyết định thông tuyến BHYT, trên địa bàn TP xảy ra tình trạng dịch chuyển đáng kể lượng người khám chữa bệnh BHYT từ BV này sang BV khác, từ các trạm y tế về BV quận - huyện. Thống kê gần đây của Sở Y tế cũng cho thấy tổng lượt khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế sau thời gian thông tuyến đã giảm hơn 46% so với tháng 12-2015, hàng chục BV tuyến huyện có mức giảm lượt khám chữa bệnh hơn 10%.

“Các BV tư sẽ là đối trọng của các BV công, cạnh tranh về nguồn bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân BHYT, vì không còn khoản mức trả chênh lệch. Đây cũng là lúc các BV công nhìn lại cung cách phục vụ đối với người bệnh BHYT” - một cán bộ BHXH TP HCM nhấn mạnh.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây