V-League càng nhiều đội càng dễ phát sinh tiêu cực
- Thứ năm - 08/09/2016 06:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ví dụ như trường hợp của Sài Gòn FC đã 3 trận liên tiếp gần đây đều thất bại, trước SHB Đà Nẵng, Hà Nội T&T và B.Bình Dương – toàn những đội đang khát chiến thắng trong thời điểm họ vượt qua đội bóng thành phố.
Nếu tính luôn 4 trận ngay trước đó, bao gồm 1 trận thua và 3 trận hoà trước đó nữa, thì 7 vòng đấu liên tiếp, Sài Gòn FC chưa biết thắng là gì. Có nghĩa là tính từ thời điểm đạt đến mốc an toàn, không còn phải lo với chuyện rớt hạng, Sài Gòn FC không còn chơi tốt như chính họ hồi nửa đầu mùa giải (có lúc leo lên top 3).
Đấy cũng chính là lý do giải thích cho hiện tượng lượng người xem Sài Gòn FC đá trên sân nhà mỗi ngày một vắng. Cùng mang thân phận đội bóng xứ khác đến lập nghiệp tại TPHCM, nhưng nếu như ngày trước lượng người xem XM Xuân Thành Sài Gòn rất đông, thì Sài Gòn FC ngược lại, vì đơn giản là XM Xuân Thành Sài Gòn hồi đấy đá cuốn hút hơn.
Thời đấy, XM Xuân Thành Sài Gòn cũng là đội hiếm hoi tại V-League có nguồn thu từ vé, dù phải đá ở sân Thống Nhất nổi tiếng “kén” khán giả. Còn hiện tại, lượng người xem của Sài Gòn FC được xếp vào nhóm kém nhất bóng đá nội.
Một hiện tượng khác khiến người ta phải lo đấy chính là quy định về ngoại binh của VPF lại vô tình làm giảm sức hấp dẫn ở các vòng đấu cuối. Theo quy định này thì trận play-off chuyển hạng của mùa giải giữa đội đứng áp chót V-League (đã xác định là Long An) và Viettel (thuộc giải hạng Nhất) sẽ không sử dụng ngoại binh.
Vận dụng quy định vừa nêu, Long An không đăng ký 2 ngoại binh Henry và Marko Simic cho 3 vòng đấu cuối của V-League. Một là để làm quen với việc thi đấu không phải dựa vào 2 cầu thủ nọ, hai là để... đỡ tốn tiền lương.
Tương tự như thế là trường hợp của HA Gia Lai và Đồng Tháp, vì đằng nào một bên cũng đã trụ hạng, còn bên kia chính thức rớt hạng.
Thành ra, các trận đấu với sự hiện diện của các đội kể trên, thay vì sẽ là cuộc cạnh tranh vị trí trên bảng xếp hạng ở những vòng đấu cuối cùng, có nguy cơ trở thành các trận... đá chơi, đá để thử nghiệm cho trận play-off, hoặc cho mùa sau.
Đấy là bất cập hiện nay tại V-League, giải đấu này có quá đông đội, trong khi chất lượng không tương xứng. Kết cục của giải, nhất là kết cục ở cuộc đua giành quyền trụ hạng lại an bài quá nhanh, khiến cho nhiều trận đấu ở cuối mùa trở thành những trận đấu thủ tục.
Rồi ngay ở nhóm trên, cũng chưa chắc đội nào trong nhóm đầu cũng thực sự muốn ngôi vô địch. Ví như trận đấu lạ lùng mới đây của Than Quảng Ninh, đặc biệt là sai lầm của thủ môn Tuấn Linh biếu không cho đối thủ bàn gỡ hoà khiến người ta càng mất niềm tin vào quyết tâm vô địch của đội bóng vùng mỏ.
Ở trên không nhiều đội quyết chiếm ngôi đầu, ở dưới lại quá đông các đội không lo rớt hạng (chỉ 1/14 suất rớt thẳng, tỷ lệ rớt xuống hạng dưới chỉ khoảng 7,1%), V-League vì thế càng ngày càng mang cảm giác dài lê thê, với số lượng các đội tham dự không tương xứng với chất lượng lẽ ra phải có của giải đấu.
Kim Điền