Tuấn Anh kết thúc sớm chuyến "du học" tại Nhật: Giải cứu một tài năng?
- Thứ bảy - 10/09/2016 14:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Việc Tuấn Anh sang Nhật đầu quân cho Yokohama FC tại J-League 2 thật ra giải quyết khá nhiều vấn đề, không chỉ trong chuyên môn của riêng Tuấn Anh, mà còn liên quan đến mối quan hệ giữa đội bóng chủ quản, công ty chủ quản với phía đối tác Nhật Bản.
Tuấn Anh sang Nhật cũng mang theo rất nhiều kỳ vọng vào sự thăng tiến trong sự nghiệp của một trong những cầu thủ triển vọng nhất của bóng đá Việt Nam.
Thực tế là chắc chắn tiền vệ xuất thân từ lò HA Gia Lai cũng đã học được nhiều điều về bóng đá chuyên nghiệp, về cách hành xử chuyên nghiệp và tác phong tập luyện cũng như sinh hoạt trong môi trường chuyên nghiệp ở Nhật Bản. Tuy nhiên, vấn đề của Tuấn Anh lại nằm ở chỗ anh hầu như không được thi đấu như một cầu thủ chuyên nghiệp đúng nghĩa tại Nhật.
Gần một mùa đá bóng ở giải J-League 2 là gần một mùa giải mà Tuấn Anh hầu như chỉ tập “chay”. Anh hiếm khi được ra sân, thậm chí còn không thường xuyên được đăng ký trong danh sách dự các trận đấu của CLB Yokohama FC.
Điều đó với một cầu thủ là rất nguy hiểm. Bởi, việc không được thi đấu sẽ khiến cho cảm giác sân cỏ, cảm giác của các trận cầu giảm đi. Đấy là chưa tính đến chuyện cầu thủ ít được thi đấu sẽ dễ mang trạng thái ức chế về mặt tâm lý. Đấy cũng là điều mà HLV đội tuyển quốc gia Nguyễn Hữu Thắng từng lo ngại cho trường hợp của những Tuấn Anh, hay Công Phượng và Xuân Trường.
Thành ra, thông tin Tuấn Anh sẽ về nước và trở lại với V-League ở mùa tới cho dù là thông tin được đón nhận nhiều chiều, khen có, chê có, nhưng xét về mặt chuyên môn đơn thuần, đấy là điều tốt cho bản thân Tuấn Anh.
Chí ít, ở V-League, trong màu áo HA Gia Lai, Tuấn Anh sẽ được thi đấu thường xuyên. Khi đó, những phẩm chất của Tuấn Anh mới được phát huy. Nói cho cùng, mọi kỹ năng chỉ được phát triển đến mức tối đa thông qua thi đấu, thông qua thực tế sân cỏ ở các trận cầu thực, chứ không phải thông qua tập luyện và... ngồi trên băng ghế dự bị, hoặc ngồi trên khán đài xem đồng đội thi đấu.
Đấy cũng là trường hợp của Công Phượng. Ngoài Tuấn Anh, Công Phượng cũng có thể sẽ hiện diện tại V-League 2017, sau khi trở về từ Mito Hollyhock.
Những tài năng giàu triển vọng đấy xem như hoàn thành xong xứ mệnh quảng bá thương hiệu cho nơi họ đã trưởng thành, hoàn thành xong giai đoạn thử sức ở môi trường bóng đá chuyên nghiệp và cũng đã có câu trả lời trình độ thực của họ nằm ở đâu, so với mặt bằng bóng đá bên ngoài Việt Nam.
Giờ là lúc họ nên chú trọng vào việc phát triển về mặt chuyên môn, giờ là lúc họ cần được thi đấu thường xuyên, để giới chuyên môn và người hâm mộ thực sự được kiểm chứng tài năng của họ ở mức nào sau tuổi 19 – đôi mươi đầy triển vọng của họ, thay cho những lời quảng cáo và thay cho việc chỉ được xem vài clip ngắn về họ nhiều tuần/lần.
Chắc chắn sẽ có nhiều đánh giá khác nhau về mức độ thành công hay không thành công của Tuấn Anh, của Công Phượng và của cả Xuân Trường nữa, sau những chuyến “du học” của họ tại Đông Á. Đánh giá đấy tuỳ thuộc vào người ta đang nhìn những chuyến đi của các cầu thủ vừa nêu theo góc độ nào: Kinh doanh, quảng bá, hoặc chuyên môn?
Chỉ nói riêng về mặt chuyên môn, về với giải quốc nội lúc này là giải pháp tốt cho Tuấn Anh và cả Công Phượng, nếu so với những ngày dài ròng rả ít được ra sân tại Nhật Bản.
Trọng Vũ