Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Scandal Big Sam: Tuyển Anh vừa mất HLV tốt nhất

Scandal Big Sam: Tuyển Anh vừa mất HLV tốt nhất
Allardyce đã ứng xử không đẹp và đáng bị đuổi nhưng nhìn ở góc độ chuyên môn, ông xứng đáng nhận được sự tôn trọng từ FA và người hâm mộ.

Cư dân mạng bảo rằng Sam Allardyce là HLV thành công nhất tuyển Anh với tỷ lệ thắng 100%, một kiểu châm biếm đầy thâm thúy. Allardyce đã ứng xử không đẹp và đáng bị đuổi nhưng nhìn ở góc độ chuyên môn, thật đáng tiếc cho FA khi mất đi lựa chọn tốt nhất của mình, dù ông không được đánh giá cao bởi bộ dạng lù đù xấu xí cùng bản CV khiếm khuyết danh hiệu.

Người khiến Ferguson phải kính nể

Lựa chọn Sam Allardyce của FA từ đầu đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng tại sao “Big Sam” lại không được xem trọng?

Ngoài bộ dạng to béo, cục mịch, Allardyce còn bị chê bởi bản lý lịch không có danh hiệu lớn. Nhà cầm quân 61 tuổi mới chỉ đoạt chức VĐQG ở Ireland và ở giải hạng 4 Anh. Nhưng với một vị HLV chỉ cầm quân ở những đội nhỏ bé như Notts County, Blackpool hay Bolton thì danh hiệu không thể là căn cứ để phán xét tài năng của vị HLV ấy.

Trên thực tế, “Big Sam” được giới chuyên môn và các đồng nghiệp đánh giá cao bởi khả năng xoay sở với một ngân sách hết sức eo hẹp và những sáng kiến trong nghề nghiệp. Một nhà cầm quân vĩ đại như Alex Ferguson cũng phải dành sự ngưỡng mộ.

Sir Alex Ferguson từng nhấn mạnh Big Sam là sự lựa chọn tối ưu cho chiếc ghế dẫn dắt tuyển Anh.

Năm ngoái, Allardyce cho xuất bản cuốn tự truyện mà người viết lời tựa chính là Sir Alex. Trong lời tựa ấy, Sir Alex đã ca ngợi sự dũng cảm của Allardyce khi dám nhận lời dẫn dắt những đội bóng như Blackpool hay Notts County. “Những đội như thế có thể hủy hoại sự nghiệp của bạn”, ngài Ferguson viết. Sir Alex còn cho rằng khi Bolton của Allardyce chạm trán MU của ông, đó chẳng khác nào David bé nhỏ đấu với Goliath. HLV huyền thoại nói: “Đã hơn một lần David gây rắc rối cho chúng tôi”.

Về mặt chiến thuật, sẽ là sai lầm nếu nói rằng “Big Sam” chỉ biết chơi thứ bóng đá đơn điệu kiểu Anh truyền thống với bài phất bóng dài và câu bổng. Trên thực tế, Allardyce rất linh hoạt với các sơ đồ chiến thuật. Ông thường sử dụng 4-3-3 nhưng khi cần có thể chuyển qua 4-5-1, rồi 4-4-2 với hàng tiền vệ kim cương, hoặc thỉnh thoảng là 4-4-1-1. Ở West Ham, Allardyce còn bố trí sơ đồ 4-6-0 để đánh bại Tottenham 3-0.

Không thiếu cá tính

Cũng sẽ là một sai lầm nếu nhìn vào ngoại hình để đánh giá rằng Allardyce thiếu cá tính hay nhu nhược. Đó là con người khiến chúng ta nhận ra rằng không phải chỉ Jose Mourinho mới dám chê bai Arsene Wenger.

“Wenger rất hiếm khi thay đổi chiến thuật. Dĩ nhiên Arsenal kiểm soát bóng rất tốt nhưng trong một ngày xấu trời, họ có thể bị giáng thẳng vào mặt. Họ không chịu tiếp cận trận đấu với tư tưởng “phải chơi thế nào với đối thủ này”, họ luôn tiếp cận theo kiểu “đây, cách tôi chơi đây”. Họ không mấy khi khiến bạn bất ngờ”, Allardyce viết trong cuốn tự truyện của mình.

Về cơ bản thì Bolton của Allardyce là một đội chơi phòng ngự nhưng vẫn có những miếng tấn công rất chất lượng từ Okocha hay Kevin Davies. Allardyce rất tự hào khi có một trận đấu, chỉ riêng Davies đã có 36 đường chuyền vượt qua hàng phòng ngự của Arsenal. “Nếu tận dụng tốt hơn, chúng tôi phải ghi tới 5 bàn”, ông viết.

Người hâm mộ gọi Allardyce là "Big Sam" bởi ông có biệt tài cứu vớt những đội bóng nhỏ.

Đó cũng là người không ngại tự tiến cử mình cho chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Anh. Truyện xảy ra 10 năm trước khi FA đi tìm người thay Sven-Goran Eriksson. Có 4 người được xem xét là Alan Curbishley, Steve McClaren, Martin O'Neill và Allardyce, sau đó danh sách gút lại còn Allardyce và McClaren. McClaren đã được chọn bởi FA quá đỗi ấn tượng với việc ông này vừa đưa Middlesbrough tới trận chung kết UEFA Cup 2006 và vội vã ký hợp đồng. Đến khi Middlesbrough thua Sevilla 0-4 ở chung kết thì McClaren đã ấm chỗ.

Một người đi tiên phong

Ngoại hình có phần già cỗi của Allardyce hoàn toàn đối nghịch với tư duy tân tiến của người đàn ông này. Ít người biết rằng “Big Sam” là người đi đầu trong việc dùng các chỉ số thống kê (data) để phân tích cầu thủ.

Ý tưởng xuất phát từ môn bóng rổ, khi năm 2003 tác giả Michael Lewis xuất bản cuốn “Moneyball” nói về việc CEO Billy Beane của CLB bé nhỏ Oakland A ứng dụng khoa học thống kê vào phân tích cầu thủ và gặt hái thành công vang dội. Allardyce đã nắm bắt ngay ý tưởng ấy. Không có tiền mua những ngôi sao hàng đầu thì thuê những chuyên gia phân tích dữ liệu giỏi nhất. Trong số đó có Mike Forde, người sau này là Giám đốc phân tích của Chelsea.

Nhờ những người như Forde mà “Big Sam” biến Bolton thành một phiên bản của AC Milan với rất nhiều cựu binh ngoài 30 tuổi vẫn chơi ổn định: Djorkaeff, Okocha, Hierro, Campo..., đặc biệt là Gary Speed.

Big Sam xứng đáng có một danh hiệu sau những cống hiến của mình.

Allardyce mua Speed năm 2004 khi anh này đã 34 tuổi bởi ông nhận thấy các chỉ số về thể lực, tranh chấp... của Speed ngang ngửa Gerrard hay Lampard, những người trẻ hơn cả chục tuổi. Speed chơi cho Bolton đến năm 38 tuổi và tầm ảnh hưởng của anh cũng tương đương ảnh hưởng của Claude Makelele với Chelsea (Makelele cũng đến Chelsea ở tuổi xế chiều).

Allardyce biến Bolton thành một cỗ máy hoạt động rất khoa học. Bolton có cả một kho bàn thắng “rẻ tiền” (“cheap goal” - theo lối nói của Van Gaal): ghi bàn từ phạt góc, ném biên, đá phạt. 45-50% số bàn thắng của Bolton đến từ bóng chết nhưng nó hoàn toàn không ngẫu nhiên. Các dữ liệu thu lượm được đã cho Allardyce biết rằng khi một hậu vệ phá quả ném biên hay phạt góc ra, bóng sẽ đi đến chỗ nào với xác suất cao nhất. Ông cài sẵn người ở vị trí đó.

Một cái đầu tân tiến như “Big Sam” hoàn toàn phù hợp cho ghế HLV trưởng ĐT Anh. Nhưng thật đáng tiếc, scandal nổ ra quá sớm khi Allardyce còn chưa thiết lập được ảnh hưởng của mình và mất ghế. Nếu scandal đến muộn một vài năm, tình thế có thể sẽ khác!

 




Nguồn tin: news.zing.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây