Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Lo tuyển bóng đá Việt Nam mỗi đội chơi một phong cách

Lo tuyển bóng đá Việt Nam mỗi đội chơi một phong cách
Các đội tuyển bóng đá Việt Nam hiện nay chơi theo kiểu mỗi người một phách.

Các đội tuyển bóng đá Việt Nam hiện nay chơi theo kiểu mỗi người một phách. Thực trạng này xuất phát từ đâu và có ảnh hưởng ra sao tới ĐTVN?

Cầu thủ U19 Việt Nam Phạm Trọng Hóa

Mỗi đội một phong cách

U16 và U19 Việt Nam đang ráo riết chuẩn bị cho những giải đấu lớn trước mắt. Với U16 là VCK U16 châu Á 2016 còn U19 là giải vô địch U19 Đông Nam Á cũng như VCK U19 châu Á 2016. Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý, hai đội tuyển trẻ này không sử dụng lối chơi theo định hướng HLV Hữu Thắng đề ra cho U23 Việt Nam và ĐTVN, đó là chơi bóng ngắn và phối hợp nhóm. Cả U16 và U19 Việt Nam đều thiên về sử dụng bóng dài, dựa vào thể lực.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại cho thực trạng trên bởi U16 và U19 là hai lứa nòng cốt đóng góp nhân sự cho ĐTVN trong tương lai. Tất nhiên, không phải cứ đá cho U19 là có suất lên tuyển nhưng đứng ở góc độ chuyên môn, thành phần các đội tuyển lứa tuổi dưới là nguồn lực lượng kế cận nòng cốt ở U23 Việt Nam và ĐTVN. Chiếu theo nhận định này, việc mỗi đội tuyển chơi theo một phong cách sẽ tác động không nhỏ tới việc hòa nhập khi cầu thủ tuyến dưới lên tuyển.

Về vấn đề này, chuyên gia Trịnh Minh Huế cho rằng, chiến thuật phòng ngự, tấn công hay phòng ngự phản công có thể tùy theo từng phong cách của HLV hoặc tùy thuộc vào đối thủ. Tuy nhiên, cơ bản cách chơi nên có sự thống nhất và định hướng rõ ràng. “Có ai bắt cứ chơi bóng nhỏ, phối hợp nhóm là tấn công đâu. Ngược lại, cũng không ai nói chơi bóng dài, đua sức là chỉ phòng ngự. Chiến thuật là yếu tố động, có thể biến đổi nhưng cầu thủ cần phải tĩnh. Tôi lấy ví dụ như HLV Hữu Thắng huấn luyện ĐTQG và U23, anh chọn những con người phù hợp với cách chơi bóng nhỏ, phối hợp nhóm. Nhưng lứa U19 lại chỉ đá bóng dài thì đương nhiên khó thích nghi khi được gọi vào đội tuyển. Bóng đá Việt Nam đâu có nhiều nhân tài để anh không chọn người này sẵn sàng chọn người khác”, chuyên gia Trịnh Minh Huế nói.

Đi sâu hơn một chút, BLV kỳ cựu Đình Khải phân tích, các đội tuyển với những ông thầy khác nhau có thể chơi khác nhau nhưng vẫn phải dựa trên nền tảng chung của một nền bóng đá. “Thể lực chúng ta không tốt, gần đây có cải thiện nhưng chưa thể so với nhiều nước ngay trong khu vực nên không thể nào đá quá thiên về sức mạnh. Hay như người Việt Nam thấp bé mà cứ chạy cánh rồi tạt vào đánh đầu sẽ không hiệu quả. Theo tôi các đội tuyển Việt Nam cần tận dụng sự khéo léo, nhanh nhẹn của cầu thủ để tạo ra lối chơi riêng. HLV Hữu Thắng bước đầu đã đi đúng hướng và có được thành quả nhất định nhưng các đội tuyển trẻ lại không bắt nhịp với ĐTQG”.

Thiếu định hướng

Để xảy ra tình trạng trên, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) với tư cách tổ chức, điều hành bóng đá Việt Nam ít nhiều phải chịu trách nhiệm. Nhìn một lượt từ các lãnh đạo tới các ban nghiệp vụ, số người có chuyên môn bóng đá chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hay như Hội đồng HLV Quốc gia, nơi được coi như đầu não của công tác huấn luyện, thi đấu lại thể hiện vai trò cực kỳ mờ nhạt.

Tán thành quan điểm này, chuyên gia Trịnh Minh Huế cho rằng, các đội tuyển bóng đá Việt Nam gần như phó mặc cho HLV nên mới xảy ra tình trạng thiếu sự thống nhất trong cách chơi. “Khi giao đội tuyển cho một HLV nào đó, VFF phải tôn trọng, lắng nghe họ trình bày hướng đi, quan điểm, đồng thời cần phát huy vai trò phản biện để cùng xây dựng lối chơi phù hợp, nhất quán. Ở đây, VFF thiếu hẳn vế sau. Như thời HLV Miura, ông ấy xây dựng lối chơi quá thiên về thể lực, thiếu bản sắc nhưng suốt một thời gian dài VFF không hề nhắc nhở. Tới khi sức ép của dư luận đẩy lên cao trào thì lại sa thải ông ấy để làm dịu tình hình”.

Phải chăng vì nhìn ra hạn chế của mình nên VFF đã bổ nhiệm GĐKT người Đức Jurgen Gede. Thế nhưng, ông Jurgen Gede chưa có dấu ấn nào đáng kể trong công tác định hướng cho cả nền bóng đá. Ông Jurgen Gede làm việc khá tích cực để trợ giúp cho U16 Việt Nam và U19 Việt Nam. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần công việc của GĐKT. Với cương vị đó, ông Jurgen Gede cần vạch ra sách lược đào tạo trẻ, sách lược nâng cao kỹ chiến thuật cho cả hệ thống bóng đá Việt Nam. Có như vậy, các đội tuyển mới vận hành dễ dàng, có sự thống nhất.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây