“Không nên phủ nhận những gì VFF làm được với bóng đá Việt Nam”
- Thứ bảy - 03/09/2016 01:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
PV: Trở lại với câu hỏi khiến nhiều người quan tâm hiện nay, bóng đá Việt Nam có phải đang xuống đáy hay không?
Chuyên gia Trần Duy Long: Chắc chắn là không! Chúng ta không phủ nhận những hạn chế, không chối bỏ những sai lầm, đấy là học phí mà chúng ta phải trả trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, bảo bóng đá Việt Nam xuống đáy theo tôi là không chuẩn. Tôi không nói về thành tích của đội tuyển quốc gia nữa, cho dù chúng ta cũng bắt đầu có thành tích trở lại. Ở đây tôi quan tâm đến hệ thống các đội tuyển trẻ, vì đó là tương lai.
Các đội tuyển trẻ của chúng ta đang thi đấu tốt đấy chứ. Đây là một trong những giai đoạn mà các đội trẻ của chúng ta chơi tốt nhất ở các giải quốc tế. Bóng đá nữ cũng dần tìm lại vị thế trong khoảng 2 năm qua, dưới thời HLV Mai Đức Chung.
Nhân tiện đề cập đến bóng đá trẻ, ông đánh giá định hướng cho việc này tại VFF như thế nào?
Chúng ta có giám đốc kỹ thuật người nước ngoài, có sự định hướng và kế hoạch xuyên suốt cho các đội tuyển đang tập trung. Nếu để ý kỹ, hệ thống đào tạo trẻ hiện nay không chỉ tập trung ở 2 đô thị lớn nhất là TPHCM và Hà Nội, mà còn trải rộng ra nhiều địa phương, nhiều học viện. Đó là tiềm lực của bóng đá nội đấy, và về mặt tiềm lực này thì chúng ta nên ghi nhận, cho thấy VFF cũng đã có định hướng.
Và để làm tốt hơn, theo ông thì VFF cần thực hiện những việc gì?
Xây dựng tốt nền tảng phong trào, hoàn thiện việc tổ chức các giải trẻ, đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo trẻ, và đầu ra của hệ thống đào tạo trẻ chính là các giải đấu ở từng lứa tuổi. Đấy cũng là nơi kiểm định chất lượng của hệ thống.
Dĩ nhiên, hiện tại bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề, đặc biệt là tính chuyên nghiệp chưa cao. Nhưng đây không phải là vấn đề và là trách nhiệm riêng của VFF, mà còn là trách nhiệm của từng CLB. Các CLB cũng nên ý thức rằng họ là cơ quan chủ quản của hệ thống đào tạo trẻ và là nền tảng của bóng đá chuyên nghiệp. Tự thân từng đội bóng phải chuyên nghiệp hơn, dưới sự định hướng của VFF.
Vậy thì để cải thiện bộ mặt của CLB, dẫn đến cải thiện bộ mặt của giải quốc nội, chúng ta cần làm những gì, thưa ông?
Về mặt tổ chức, phải theo sát diễn biến của từng vòng đấu, cụ thể là chúng ta phải có giám sát tốt hơn, trọng tài tốt hơn. Về mặt này thì phải thừa nhận hệ thống tổ chức giải chuyên nghiệp, hệ thống tổ chức CLB chuyên nghiệp của chúng ta chưa có chất lượng, dẫn đến kiện tụng nhau giữa cầu thủ và CLB, dẫn đến tư cách pháp nhân của các CLB chưa chặt chẽ. Thế nên, mới xảy ra các hiện tượng du di trong tổ chức giải đấu.
Số lượng đội bóng hiện cũng không tương xứng với chất lượng. Chúng ta sai lầm trong việc phát triển giải quốc nội theo kiểu lộn ngược, tức là hạng trên lại nhiều đội hơn hạng dưới. Tôi từng xem giải nhà nghề Hàn Quốc hồi những năm 1990, khi họ mới làm bóng đá chuyên nghiệp. Hồi đấy họ có 6 đội thôi, để đảm bảo chất lượng. Bóng đá Việt Nam chắc không hơn Hàn Quốc, nên siết chặt chất lượng, giảm số lượng các đội là phương án nên tính đến. Khi số lượng giảm, chất lượng tăng, thì tính sàn lọc cao hơn, cầu thủ tinh hơn và bản thân các CLB cũng tinh hơn.
"Futsal có vé dự VCK World Cup là một cột mốc lịch sử”
Chúng ta không thể nhận định rằng bóng đá Việt Nam xuống đáy khi mà lần đầu tiên trong lịch sử các môn bóng nói chung, chúng ta có đại diện dự một VCK giải thế giới bằng vé chính thức.
Theo tôi, đấy là một trong những cột mốc lớn nhất không chỉ của bóng đá Việt Nam, mà còn của thể thao Việt Nam nói chung. Điều đó càng khẳng định chúng ta cũng có những mặt tích cực đấy chứ.
Trọng Vũ (thực hiện)