Khách lạ mắc kẹt ở thiên đường Premier League
- Thứ tư - 31/08/2016 08:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một ngày của tháng 7, Jurgen Klopp gọi Mario Balotelli vào văn phòng trước thềm tour du đấu hè của Liverpool. Klopp giải thích, Balotelli không nằm trong danh sách thi đấu những trận giao hữu của CLB, và hiển nhiên không thể lên máy bay cùng các đồng đội tới Mỹ du đấu.
Hai tuần sau, Jose Mourinho làm điều tương tự với Bastian Schweinsteiger. Mới 1 năm trước, Louis van Gaal, người tiền nhiệm của Mourinho, lôi kéo cựu thủ quân tuyển Đức rời Bayern để tới MU bằng mức lương 245.000 bảng/tuần. Van Gaal nhìn thấy Schweinsteiger như người cứu rỗi hàng tiền vệ mỏng manh.
Balotelli không còn cơ hội trụ lại sân Anfield.
|
Nhưng Mourinho có góc nhìn khác Van Gaal. Tiền vệ 32 tuổi không còn cần cho MU nữa. Sau Euro 2016, ngôi sao người Đức phải thu dọn đồ đạc trong phòng thay đồ và dọn xuống đội dự bị. Schweinsteiger từ đó dành thời gian chơi golf nhiều hơn tập luyện.
"Siêu cò" Mino Raiola của Balotelli sau đó đạt thỏa thuận với Nice (Pháp), còn Schweinsteiger bị đóng băng. Trong hai con người này dường như vẫn xuất hiện một ánh mắt kiên nhẫn. Schweinsteiger kiên quyết không rời "Quỷ đỏ", còn Balotelli chưa chịu tới Pháp. Họ níu kéo hy vọng nhỏ nhoi tại nơi đã vượt hơn 1 tỷ bảng tiền chuyển nhượng trong hè 2016.
"Còn nhiều CLB có rất nhiều tiền và chưa mua sắm cầu thủ. Tất cả mọi người đều đang chờ đợi. Mọi thứ thật điên rồ. Ai cũng muốn ngồi trên những đồng bảng hấp dẫn. Mọi người đều biết những CLB của Anh phải mua sắm", HLV Arsene Wenger của Arsenal nói.
Klopp và Wenger là những người chỉ trích cách mua sắm của các CLB tại Premier League. Thế nhưng, họ đâu hề ngoại lệ. Arsenal tốn 96 triệu bảng cho các tân binh, còn Liverpool chi ra 67,9 triệu bảng suốt 3 tháng hè.
Schweinsteiger đang mắc kẹt tại MU.
|
Như một truyền thống, các đội bóng Anh khao khát thị uy sức mạnh bằng cách ném tiền vào TTCN. Họ mua sắm vì kế hoạch xây dựng đội bóng. Giới chủ nước Anh coi bóng đá như công cụ đầu tư. Và theo quy luật kinh tế, một món hàng khi được mang về phải bằng cách nào đó sinh lời.
"Các CLB tại Premier League chịu rất nhiều áp lực trong mua sắm cầu thủ. Do đã tốn rất nhiều tiền, họ cần một sự sinh lời ngay lập tức. Màn trình diễn của các cầu thủ nói thay điều đó", Giám đốc điều hành José María Cruz của Sevilla nói.
Và khi món hàng không đáp ứng được kỳ vọng, nó sẽ bị thay thế trong 3 hoặc 6 tháng.
Mua một cầu thủ đã khó, tới lúc bán đi càng phức tạp hơn. Lý do vì mức lương của họ bị bơm phồng quá cao. Vậy ra, chính những đại diện nước Anh tự tạo ra thiên đường, nơi có những đồng bảng hấp dẫn để chiêu dụ cầu thủ, rồi lại mắc kẹt trong sản phẩm của mình.
Schweinsteiger đang lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan".
|
Những ngày này, không CLB nào đáp ứng được mức lương 245.000 bảng của Schweinsteiger. Cùng với việc tiền vệ người Đức bị đày ải trên ghế dự bị, MU từng giờ trôi qua đang lãng phí rất nhiều tiền. Ngay cả Balotelli được nhận mức lương 90.000 bảng/tuần cũng khiến Liverpool gặp khó khăn trong việc "tống" chân sút này khỏi Anfield.
Bóng đá Anh rất giàu. Điều này không cần phải bàn cãi. Như câu nói của HLV Arsene Wenger, "Chỉ có hai thị trường trên thế giới, một của các CLB Anh và phần còn lại thuộc về châu Âu". Song, tấm mề đay nào cũng có hai mặt.
Cái giá cho việc chi tiêu điên cuồng và trả những mức lương khổng lồ đôi lúc khiến người Anh mắc kẹt giữa hang động đầy kho báu.
"Họ sẽ gặp khó khăn khi bán bớt những cầu thủ thừa trong tương lai. Người Anh mua quá nhiều cầu thủ, và đội hình cũng dần bự lên. Tới lúc nào đó, họ sẽ nghẹt thở”, Giám đốc thể thao Christian Heidel của Schalke, nói.