Derby Manchester: Pep cũng nổi loạn, như Mourinho
- Thứ sáu - 09/09/2016 06:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một cá tính lớn
Ngày 16 tháng Tư năm 1986, Barcelona chơi trận bán kết lượt về Cúp C1 châu Âu gặp Gothenburg ở Nou Camp. Barca thua 0-3 ở lượt đi nhưng cú hat-trick kỳ ảo của tiền đạo Pichi Alonso đã giúp họ trở lại. Các cule sung sướng phát điên.
Thuở còn trẻ, Pep rất “ngầu”
Và khi hai đội đang thi đấu thì một cậu bé nhặt bóng gầy nhẳng chạy vào sân ôm lấy Alonso khiến trận đấu gián đoạn. Đội bóng Catalunya sau đó chiến thắng trong loạt sút luân lưu và tiến vào trận chung kết thứ hai trong lịch sử.
Câu chuyện trên được kể bởi Jimmy Burns qua cuốn sách “Barca: Đam mê của mọi người” (Barça: A People’s Passion) và cậu bé nhặt bóng khiến đội bóng bị phạt chính là Josep Guardiola, năm ấy 15 tuổi.
Barca thua Steaua Bucharest ở chung kết năm ấy nhưng 6 năm sau thì họ đã được chạm tay vào chiếc Cúp danh giá. Họ đánh bại Sampdoria trong trận chung kết ở Wembley và Pep lúc này là một thành viên quan trọng trong “Dream Team” của Johan Cruyff.
Bây giờ hình ảnh của Pep trong mắt các cule đã khác, một cầu thủ vẫn gầy gò nhưng chững chạc đứng trên ban công tòa nhà Generalitat - thủ phủ khu tự trị Catalunya, giơ chiếc Cúp lên và hô vang bằng tiếng Catalan “Ja la teniu aquí” (Của mọi người đây).
Nó gợi nhớ đến câu nói nổi tiếng “Ja soc aquí” (Tôi ở đây) của Josep Tarradellas - lãnh tụ phong trào ly khai từng bị chính quyền độc tài Franco trục xuất, khi trở lại Barcelona năm 1977. Tuyên ngôn của hai Josep ở cách nhau 15 năm.
Pep cũng giống hàng triệu công dân Catalunya khác luôn mang trong mình ý chí chiến đấu mạnh mẽ. Thời niên thiếu anh thuộc lòng hàng chục bài thơ kêu gọi độc lập bằng tiếng Catalan cùng hàng chục bài hát phản kháng chế độ độc tài Franco của nhạc sĩ Lluis Llach. Trong suốt quá trình huấn luyện sau này, Pep cũng luôn ủng hộ quyền độc lập cho xứ Catalunya.
Pep từng đổ lệ trước camera truyền hình. Ông thừa nhận mình sống nội tâm và dễ bị tổn thương. Nhưng đó cũng là một con người luôn chực chờ nổi loạn. Ít người biết rằng trước mỗi quyết định lớn, Pep thường phóng xe bạt mạng với tốc độ hàng trăm dặm trên giờ vào đêm khuya, đối diện với chính bản thân mình.
Trong công việc, Pep cũng xây dựng một thứ quyền lực tuyệt đối, dù nhìn từ bên ngoài không có vẻ như thế. Các cầu thủ tuân phục Pep bởi họ hiểu rằng không gì có thể khiến ông lay chuyển.
Trước khi mùa giải bắt đầu, Pep đưa cho mỗi cầu thủ một bộ quy tắc ứng xử dài 3 trang giấy và yêu cầu họ tuân theo. Khi Samuel Eto’o phản ứng lại, ngay lập tức anh bị mời khỏi sân tập. Cũng không có nhiều người nghĩ một Guardiola mới 37 tuổi dám tống khứ hai ngôi sao Deco và Ronaldinho khỏi Nou Camp.
Không chịu lép vế Mourinho
Nếu Guardiola là băng thì Mourinho là lửa. Chúng ta có cảm giác như thế khi thoạt nhìn từ bên ngoài nhưng thực tế cả hai con người ấy đều sở hữu những cá tính lớn. Khác biệt chỉ là Pep biết tiết chế cảm xúc hơn, ít để lộ ra ngoài và quan trọng hơn cả là ông không lấy cảm xúc làm vũ khí.
Pep và Mourinho từng là đôi bạn tâm giao ở Barca
Để thấy rằng Pep không hề lép vế trước Jose, chúng ta phải quay về với buổi họp báo nổi tiếng vào tháng 4/2011, trước trận bán kết lượt về Champions League.
Sôi máu vì những lời châm chọc của đối thủ, Pep đã có bài phát biểu dài 2 phút rưỡi, nơi ông gọi Mourinho là “một tay trùm chết tiệt, một tên cầm đầu chết tiệt”, và rằng “nếu ông ấy muốn một chiếc cúp ở ngoài đường piste, hãy để ông ấy mang về nhà và tận hưởng một mình”. Mourinho không phản hồi ngược lại Pep nhưng có lẽ “Người đặc biệt” đã một phen ngỡ ngàng.
Mourinho có vẻ như đã quên tình bạn 4 năm và lý do ông gặp Pep. Mourinho là trợ lý cho HLV Bobby Robson ở Barca và Sir Robson giao cho ông đối thoại với “gang of 4” - nhóm 4 cựu binh luôn ý kiến gay gắt với HLV về chiến thuật chơi bóng để bảo vệ bản sắc CLB. Pep là thủ lĩnh của bộ tứ cứng đầu ấy (một trong 3 người kia là Luis Enrique, HLV Barca bây giờ). Tính cách bộc trực và quyết đoán của Pep đã bộc lộ từ ngày ấy.
Pep và Mourinho khiến derby Manchester “nóng” hơn bao giờ hết
Cách xử trí của Mourinho với Bastian Schweinsteiger và cách xử trí của Pep với Joe Hart một lần nữa cho thấy họ giống nhau. Họ rất quyết liệt nhưng không phải những người không khoan nhượng. Ở Man City , Sterling vẫn được trao cơ hội sau khi chấp nhận thuần phục và thay đổi theo yêu cầu của HLV, cũng giống như Mata và Fellaini ở Man United.
Bởi Jose Mourinho và Pep Guardiola đều giỏi, cá tính và tiềm ẩn sự nổi loạn mà derby Manchester mùa này càng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.