ĐT Anh tiến bộ, nhưng còn lâu mới vô địch World Cup
- Chủ nhật - 25/03/2018 10:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước thềm World Cup 2010, đội tuyển Anh là một trong 3 ứng viên lớn nhất cho chức vô địch. Thế nhưng trái với đa số, huyền thoại người Đức Franz Beckenbauer lạnh lùng tuyên bố, bất chấp "Tam sư" đã có sự tiến bộ, đồng thời sở hữu những cá nhân xuất sắc, họ vẫn không thể nào đăng quang.
Anh đánh bại Hà Lan nhờ bàn duy nhất của Lingard. Ảnh: Daily Mail. |
Lý do là bản chất của đội bóng này vẫn thế, vẫn chơi thứ bóng đá “kick & rush”, tức sút và chạy hối hả, thiếu tính toán. Trong thời gian dài, các huấn luyện viên tuyển Anh đánh giá cầu thủ dựa trên sức mạnh, tốc độ và dứt điểm. Cách tiếp cận này khá tương đồng với các đội bóng châu Phi.
Đó là lý do "Tam sư" thường xuyên thất bại ở các giải đấu lớn. Ví như World Cup 2010, họ bị loại ở vòng 1/8. Bốn năm sau thậm chí còn tệ hơn, khi ra về ngay sau vòng bảng. Ngoài vấn đề tâm lý, người Anh gặp vấn đề trong tổ chức và hiếm khi đưa ra quyết định chính xác. Vào những thời điểm quan trọng, thay vì giữ bóng và chờ đợi, họ tạt hoặc dứt điểm vô tội vạ.
Đến lúc này, tuyển Anh vẫn không khác gì. Như trong chiến thắng trước Hà Lan, các học trò của Gareth Southgate tung ra 11 pha dứt điểm, nhưng chỉ có 3 trúng đích và thu về 1 bàn thắng. 2 trận trước đó hòa không bàn thắng với Đức và Brazil, 13 cú sút đã được họ thực hiện.
Khi Jesse Lingard ghi bàn phút 59 tại Amsterdam ArenA, đó chỉ là bàn thứ 3 của tuyển Anh sau 419 phút thi đấu quốc tế. Bình quân họ phải đợi 140 phút mới có 1 bàn. Để nhấn mạnh sự yếu kém, một trong 2 bàn trước đó là trên chấm phạt đền.
Khi xem các màn trình diễn của Tam sư, không nghi ngờ gì về sự quyết tâm và hăng hái. Đàn sư tử chạy rất nhiều và đưa bóng về phía trước mỗi khi có thể. Điều này giúp họ nhận những lời khen ngợi từ phía các nhà phân tích, hoặc người hâm mộ, vốn hay đánh giá cầu thủ dựa trên sự phấn khích mà họ mang lại.
Trong 11 cú dứt điểm của tuyển Anh, chỉ có 3 trúng đích, 6 từ ngoài vòng cấm. |
Xứ sương mù luôn có khuynh hướng đề cao sự cuồng nhiệt và đam mê. Trớ trêu là sau các thất bại - xuất phát vì tính hiệu quả không cao, hệ lụy của các quyết định vội vàng - họ lại quay ra chỉ trích và đổ lỗi.
Nhìn sang các đội bóng ưu tú ở châu Âu hoặc Nam Mỹ sẽ thấy một trời khác biệt. Mỗi khi tiến lên, họ luôn biết chính xác sẽ làm gì. Có thể vì được đào tạo tốt hơn, hoặc cũng có thể do ý thức chiến thuật cao hơn, nhưng tất cả hình thành trong họ sự điềm tĩnh để kết liễu đối phương.
Thất bại mới đây ở Champions League của Tottenham trước Juventus là một ví dụ. Đội quân của Mauricio Pochettino với nhiều nhân tố nòng cốt của tuyển Anh cứ lao lên như sóng vỗ bờ. Còn Juventus bình tĩnh đón nhận và hóa giải áp lực, nhẫn nại chờ cơ hội. Rồi chỉ với 2 nhát kiếm, họ đã hạ gục Spurs. Tất cả diễn ra nhanh gọn, và đôi chút khó hiểu, đến không ngờ.
Đàn sư tử trẻ mang theo hy vọng, nhưng luôn tiềm ẩn nỗi thất vọng. Ảnh: Getty Images. |
"Tam sư" hiện có một dàn cầu thủ trẻ đầy tài năng và tinh thần chiến đấu mãnh liệt. Tuy nhiên, đây cũng là hạn chế của họ, bởi sự thiếu thốn về mặt kinh nghiệm. Cộng thêm tập quán xốc nổi hầu như không thể sửa chữa, khả năng thành công tại World Cup là không cao. Thậm chí, tiến xa quá vòng 1/8 cũng là một nghi ngờ.
Một vòng quay cũ lại chuẩn bị bắt đầu, từ những lời hứa hẹn đến thất bại, sau đó đương nhiên là cơn bão chỉ trích và mổ xẻ nguyên nhân.
Đã 52 năm, kể từ lần vô địch World Cup 1966, tuyển Anh không giành bất cứ danh hiệu lớn nào. Tại World Cup, lần họ tiến xa nhất là năm 1990, vào đến bán kết. Ở hai kỳ gần nhất, "Tam sư" bị loại ở vòng 1/8 (2010) và ngay vòng bảng (2014).