Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Bóng đá nữ đang bị "bỏ rơi"

Bóng đá nữ đang bị "bỏ rơi"
Trong khi V-League nhận được nhiều sự quan tâm của báo chí, người hâm mộ thì sân chơi nữ lại gần như bị bỏ mặc hoàn toàn.

V-League 2016 chỉ còn 2 vòng đấu nữa là khép lại và cuộc đua vô địch vẫn chưa ngã ngũ. Sau vòng 24, có tới 4 đội sở hữu cơ hội vô địch. Đoạn kết gay cấn này phần nào khiến V-League 2016 lấy lại chút niềm tin của người hâm mộ sau những lùm xùm thời gian trước đó. Cùng lúc, giải VĐQG nữ cũng sắp khép lại và trùng hợp thay, 3/8 đội đang chạy đua tới ngôi Hậu. Thế nhưng, trong khi V-League nhận được nhiều sự quan tâm của báo chí, người hâm mộ thì sân chơi nữ lại gần như bị bỏ mặc hoàn toàn.

Bóng đá nữ ít nhận được sự quan tâm hơn các nam đồng nghiệp

Một đồng nghiệp của tôi, người không bỏ sót bất kỳ trận đấu nào ở giải VĐQG nữ cho hay, không trận nào khán đài sân Thống Nhất có nổi 100 CĐV. Càng buồn hơn khi đa phần những người có mặt đều là nhân viên an ninh sân, cầu thủ đội bạn… Nếu nói khán giả là gia vị của bóng đá thì giải VĐQG nữ 2016 rõ ràng… nhạt thếch. Khi thầy trò HLV Mai Đức Chung thi đấu tưng bừng tại AFF Cup nữ 2016, nhiều ý kiến hy vọng giai đoạn lượt về giải VĐQG sẽ bớt hiu quạnh nhưng đâu vẫn hoàn đó.

Nhân sự đối nghịch này lại ngẫm về sự yêu bóng đá của người hâm mộ Việt Nam. V-League đầu giai đoạn lượt về đầy rẫy những nghi vấn từ bán tỉ số đến còi méo của trọng tài nhưng vẫn như cục nam châm hút dư luận. Ngược lại, giải VĐQG nữ, các cầu thủ luôn thi đấu hết mình, trong sáng thì bị bỏ rơi, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ở một nền bóng đá mà cái xấu lên ngôi, lấn át cái đẹp, thật khó để tin rằng, nó đang phát triển đúng hướng.

Chợt nhớ, không ít người từng lên tiếng phê phán VFF “thiên vị” đối xử giữa bóng đá nam và nữ. Nhưng thiết nghĩ, bản thân mỗi chúng ta liệu đã thực sự hiểu và yêu bóng đá nữ đúng cách hay chỉ “khi vui thì vỗ tay vào”? 4 khán đài vắng ngắt là một nhẽ, thời tiết ở TP HCM cũng mưa nắng thất thường khiến các cô gái thêm tủi. Lắm hôm đang đá, trời đổ mưa như trút nước làm những bộ quần áo vốn rộng lại càng thùng thình.

Khi thi đấu là vậy, cuộc sống thường nhật của các nữ cầu thủ còn ảm đạm hơn. Mức lương bèo bọt buộc nhiều cô gái, kể cả tuyển thủ quốc gia phải chạy vạy mưu sinh. Nhìn các cầu thủ Hà Nội II gặm bánh mỳ chờ tới ngày thi đấu mới thấy được thực trạng của bóng đá nữ Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là tại sao VFF vẫn ôm giải VĐQG nữ dù năm nào cũng phải chật vật mới tìm được nhà tài trợ. Trong khi đó, chúng ta có hẳn một công ty tổ chức những giải chuyên nghiệp. Muốn bóng đá nữ đi lên, tạo thêm sức hút thì điều đầu tiên cần làm là chuyên nghiệp hóa một cách triệt để. Còn việc thực hiện ra sao, khi nào xin nhường phần trả lời cho VFF.

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây