Những bệnh ‘kinh khủng’ bạn sẽ chỉ gặp 1 lần trong đời
- Thứ ba - 16/08/2016 08:07
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu thường gặp nhất ở trẻ em
- 1
Bệnh thủy đậu là gì?
Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền: Khi 1 người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi nhảy mũi) hoặc ho... thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay. Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này. Thông thường, từ lúc nhiễm phải siêu vi, đến lúc phát ra bệnh - được gọi là thời gian nung bệnh hoặc ủ bệnh - là khoảng 2-3 tuần.
- 2
Dấu hiệu của bệnh
Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, khởi phát bệnh thường đột ngột với triệu chứng nổi mụn nước, mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân. Mụn nước có kích thước từ l - 3 mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 - 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.
Ban ngứa có thể là dấu hiệu đầu tiên của cơn bệnh.Sốt nhẹ, nhức đầu và mệt mỏi là điều thông thường.
Người bị nhiễm bệnh có thể bị từ chỉ vài mụn trái rạ cho đến hơn 500 mụn trên thân thể.
- 3
Biến chứng của bệnh
Biến chứng của bệnh thủy đậu rất là nhiều, mặc dù đây là một bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những hồng ban mụn nước lan tràn. Tuy nhiên, bệnh có thể có những biến chứng rất quan trọng.
Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiêm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, vieêm não, viêm tiểu não... là các biến chứng có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.
Đặc biệt, thậm chí sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, siêu vi thuỷ đậu vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (ngủ đông). Nhiều năm sau đó, có thể là 10, 20, hay 30 năm sau, khi có điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể kém hay có yếu tố gì khác, thì siêu vi này sẽ tái hoạt động trở lại và gây ra san thương của bệnh Zona, có người còn gọi là giời leo.
Phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm vì sẽ dễ bị biến chứng nặng, đặc biệt là viêm phổi. Khi phụ nữ mang thai bị thủy đậu ở 3 tháng đầu của thai kỳ, virus sẽ gây sẩy thai, hay khi sinh ra trẻ sẽ bị thủy đậu bẩm sinh với nhiều dị tật như đầu nhỏ, co gồng tay chân, bại não, sẹo bẩm sinh... Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh sẽ bệnh rất nặng với mụn nước nổi rất nhiều và dễ bị biến chứng viêm phổi.
- 4
Cách điều trị bệnh
Điều trị bệnh thuỷ đậu chủ yếu là điều trị triệu chứng như chống ngứa chẳng hạn. Có thể dùng Acetaminophen (Tylenol) để giảm sốt và đau nhức thường đi kèm các bệnh nhiễm siêu vi trong giai đoạn đầu. Không bao giờ được dùng aspirin hoặc những thuốc cảm có chứa aspirin cho trẻ em do nguy cơ xảy ra hội chứng Reye (một bệnh chuyển hoá nặng gồm tổn thương não và gan dẫn đến tử vong).
Tắm thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng trung tính sẽ bớt ngứa. Ngoài ra, có thể bôi lên da các dung dịch làm dịu và làm ẩm như dung dịch calamine.
Chlorpheniramine, fexofenadine … hoặc các loại thuốc kháng histamine khác có tác dụng giảm ngứa. Hãy bàn luận với bác sĩ về các chọn lựa trong điều trị.
Ngoài thuốc men, cần áp dụng một số biện pháp dự phòng khác. Với trẻ nhỏ, nên cắt sát móng tay để tránh tổn thương da do gãi và đề phòng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát.
Sau cùng, đối với một số trường hợp thuỷ đậu có thể dùng Acyclovir. Acyclovir là một thuốc kháng virus được sử dụng để rút ngắn thời gian của bệnh. Thuốc chỉ hiệu quả nếu được dùng sớm, trong thời gian từ 1 đến 2 ngày khi bắt đầu phát ban thuỷ đậu. Acyclovir thường được chỉ định cho những bệnh nhân có bệnh kèm theo nguy hiểm (ví dụ lupus, đái tháo đường, người cao tuổi, bệnh nhân suy giảm miễn dịch).
- 5
Cách phòng bệnh thủy đậu
Vaccine chống thuỷ đậu có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơthể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu, được áp dụng đối với các đối tượng sau:
- Tất cả trẻ em từ 12-18 tháng tuổi được tiêm 1 lần.
- Trẻ em từ 19 tháng tuổi đến 13 tuổi chưa từng bị thuỷ đậu lần nào cũng tiêm 1 lần.
- Trẻ em trên 13 tuổi và người lớn chưa từng bị thủy đậu lần nào thì nên tiêm 2 lần, nhắc lại cách nhau từ 4-8 tuần.
Hiệu quả bảo vệ của vaccine thủy đậu có tác dụng lâu bền.
Nếu đã được chủng ngừa vaccine thủy đậu thì đại đa số từ 80-90% có khả năng phòng bệnh tuyệt đối. Tuy nhiên, cũng còn khoảng 10% còn lại là có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu, khoảng dưới 50 nốt, và thường là không bị biến chứng.
Thời gian ủ bệnh của thuỷ đậu là từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, do đó, nếu một người chưa được tiêm phòng vaccine thuỷ đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thuỷ đậu, trong vòng 3 ngày ta có thể tiêm ngừa thì vaccine có thể phát huy tác dụng bảo vệ ngay sau đó giúp phòng ngừa thủy đậu.
Bệnh sởi
Bệnh sởi do một loại virus cấp tính gây ra
- 1
Bệnh sởi là gì?
Bệnh sởi có tên tiếng Anh là measles hoặc rubeola (phân biệt với bệnh sởi Đức rubella), là một loại bệnh do virus cấp tính gây ra, thường xảy ra dịch lây vào mùa xuân ở các thành phố lớn, khi mà số lượng một nhóm trẻ không có miễn dịch với sởi đủ lớn. Sởi ít khi biểu hiện thầm lặng. Sởi có khả năng lây lan rất cao (90%) trên những người chưa có miễn dịch (chưa tiêm vaccine, chưa bị sởi lần đầu) qua đường hô hấp (lây từ người bệnh ho, nói chuyện hoặc tiếp xúc thông thường).
- 2
Triệu chứng của bệnh
Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh sởi thường xuất hiện trong vòng 4-10 ngày sau khi bạn bị nhiễm virus sởi. Các dấu hiệu này bao gồm:
- Các triệu chứng giống như cảm cúm: chảy nước mũi, nước mắt; mi mắt sưng phồng, hắt hơi sổ mũi.
- Mắt đỏ và quá nhạy cảm với ánh sáng.
- Sốt cao, có thể lên tới 40 độ.
- Mệt mỏi, thiếu sức sống.
- Đau mỏi người.
- Ho khan.
- Nội ban (hạt Koplik): các hạt nhỏ bằng hạt cát, màu trắng ngà/xám, quanh có viền đỏ, thường thấy xuất hiện nổi gồ lên trên bề mặt niêm mạc má (phía trong miệng, ngang răng hàm trên).
- Chán ăn.
- Sau vài ngày, các vết ban màu đỏ nâu sẽ xuất hiện (xem chi tiết trong mục dưới).
- 3
Cách điều trị bệnh
Chủ yếu là điều trị triệu chứng – săn sóc và nuôi dưỡng.
- Hạ sốt: phương pháp vật lí, thuốc hạ sốt thông thường (Paracetamol).
- An thần.
- Thuốc ho, long đờm
- Kháng histamin: Dimedron, Pipolphen.
- Sát trùng mũi họng: nhỏ mắt nhỏ mũi bằng dung dịch Chloromycetin, Argyrol…
- Kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm và dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, và trẻ suy dinh dưỡng.
- Khi có biến chứng: viêm thanh quản, viêm não, sởi ác tính thì dùng kháng sinh và corticoid.
- Các biện pháp hồi sức tùy theo triệu chứng của bệnh nhân: hồi sức hô hấp khi có suy hô hấp (thở O2, hô hấp hỗ trợ…) hồi sức tim mạch…
- Chế độ ăn uống tốt.
- 4
Cách phòng bệnh
- Gramma globulin 40mg/kg dùng phòng bệnh khẩn cấp cho trẻ suy dinh dưỡng, hoặc trẻ đang bị một bệnh khác… mà có tiếp xúc với trẻ bị sởi.
- Vacxin sởi: vacxin sống, giảm độc lực dùng cho trẻ 6 – 9 tháng tuổi trở lên, có tác dụng bảo vệ cao. Vacxin sởi là một vacxin bắt buộc trong “Chương trình tiêm chủng mở rộng” ở nước ta hiện nay. Nhờ đó, hiện nay tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do sởi đã giảm nhiều.
Bệnh quai bị
Bệnh quai bị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
- 1
Bệnh quai bị là gì?
Quai bị do virus paramyxovirus gây nên. Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên do virus quai bị gây nên. Biểu hiện lâm sàng phổi biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Bệnh tuy lành tính nhưng có khả năng gây biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới hoặc viêm buồng trứng ở nữ giới và có thể dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống. Các tuyến nước bọt khác, tụy và hệ thần kinh trung ương cũng có thể bị tổn thương. Là một bệnh truyền nhiễm, thường xảy ra vào mùa đông – xuân. Lây trực tiếp khi gần bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi. Còn gọi là Lưu Hành Tính Tai Tuyến Viêm, Trá Tai, Trư Đầu Phì, Tuyến Mang Tai Viêm, Trá Tai, Hà Mô Ôn. Thường gặp ở trẻ nhỏ 5 - 8 tuổi.
- 2
Dấu hiệu của bệnh
Bệnh có đặc điểm dịch tễ rõ ràng, thường phát vào mùa xuân, nhất là trong khoảng thời gian tháng 4 và tháng 5, trong các môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ. Tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Tuy nhiên ít gặp quai bị ở trẻ dưới 2 tuổi mặc dù trẻ chỉ được bảo vệ trong 6 tháng đầu nếu mẹ đã từng mắc bệnh quai bị.
Sau 2 tuổi, tần suất bệnh tăng dần, đạt đỉnh cao ở lứa tuổi 10-19. Sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14-24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm.
Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên.
Nếu sưng cả 2 bên thì 2 tuyến có thể không sưng cùng lúc, tuyến 2 bắt đầu sưng khi tuyến 1 đã giảm sưng. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức.
Bệnh nhân có cảm giác đau ở vùng tuyến bị sưng nhưng da trên vùng sưng không nóng và không sung huyết, ngược với những trường hợp viêm tuyến mang tai do vi khuẩn. Lỗ ống Stenon ở niêm mạc má 2 bên sưng đỏ, có khi có giả mạc.
Bệnh nhân có cảm giác khó nói, khó nuốt, đôi khi phù thanh môn gây khó thở phải mở khí quản. Thời gian biểu hiện bệnh lý khoảng 10 ngày. Tuy nhiên có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị mà không có dấu hiệu bệnh lý rõ rệt, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không nhận biết. Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững khi đã mắc bệnh dù sưng 1 hay 2 bên tuyến mang tai nên ít khi bị quai bị lần 2.
- 3
Biến chứng của bệnh
- Viêm tinh hoàn: Thường gặp ở tuổi dậy thì, hiếm gặp ở trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 40 tuổi, xuất hiện sau khi sưng tuyến mang tai 1 - 2 tuần. Bệnh nhân đau tinh hoàn sắp sưng, sau đó tinh hoàn sưng to gấp 3 - 4 lần bình thường. Thường thì sưng 1 bên, cũng có thể sưng 2 bên, sau 2 tuần mới hết sưng. Sau 2 tháng mới đánh giá được tinh hoàn có teo hay không. Tỷ lệ teo tinh hoàn do quai bị là 30 - 40%. Nếu bị teo tinh hoàn 2 bên thì khả năng vô sinh rất cao.
- Viêm buồng trứng: Chiếm 7% các trường hợp mắc bệnh ở tuổi sau dậy thì (hiếm khi vô sinh). Nếu nhiễm bệnh ở phụ nữ có thai 3 tháng đầu có khả năng gây dị dạng thai, sảy thai. Nhiễm bệnh vào 3 tháng cuối có thể tăng nguy cơ thai chết lưu hoặc đẻ non.
- 4
Cách điều trị bệnh
- Bệnh quai bị đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dùng kháng sinh không có tác dụng mà chỉ điều trị theo triệu chứng. Chườm nóng, dùng thuốc an thần, giảm đau, vitamin, có thể dùng chống viêm corticoid, súc miệng nước muối thường xuyên sau khi ăn. Những ngày đầu nên ăn nhẹ, ăn lỏng.
- Có thể kết hợp dùng các bài thuốc Đông y: Dùng hạt gấc mài ngâm rượu rồi xoa vào chỗ sưng, hay dùng hạt đậu xanh tán nhỏ trộn với dấm rồi đắp lên chỗ sưng.
- Cách ly bệnh nhân tối thiểu 2 tuần. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi, nằm yên, hạn chế đi lại, nhất là đối với thanh niên hay đang trong thời gian sốt và sưng tuyến nước bọt (4 - 6 ngày đầu).
- 5
Cách phòng bệnh
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc phải mang khẩu trang.
- Vệ sinh cá nhân và nhà cửa:
+ Không sử dụng chung các dụng cụ ăn uống (muỗng, nĩa, ly, chén, dĩav.v…)
+ Thường xuyên lau sạch sàn nhà, bàn ghế, rửa sạch các đồ chơi của trẻ.
+ Rửa tay nhiều lần bằng xà phòng trong ngày, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
+ Che miệng khi ho, khi hắt hơi, sau đó phải rửa tay ngay bằng xà phòng.
- Thực hiện tiêm phòng vắc xin để phòng bệnh chủ động.
Tham khảo thêm:
>> 4 bệnh truyền nhiễm bạn phải tránh xa chỗ đông người
>> 10 dịch bệnh từng khiến loài người khiếp đảm
>> Tất tần tật những điều cần biết về bệnh tay chân miệng