Các bệnh truyền nhiễm dễ mắc phải trong mùa hè
- Thứ ba - 16/08/2016 07:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Do khí hậu của Việt Nam, mùa hè đến thời tiết nóng bức là thời điểm phát sinh nhiều dịch bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lớn và trẻ nhỏ nữa. Các bệnh mùa hè có thể gia tăng mạnh khi mùa hè tới như chân tay miệng, sốt xuất huyết, viêm não Nhật bản....Dưới đây là cách phòng tránh mắc một số bệnh mà bạn nên biết
- 1
Bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm do virus sốt xuất huyết Dengue cấp tính do muỗi truyền (muỗi vằn Aedes Aegypti). Một số triệu chứng của bệnh như đột ngột sốt cao liên tục từ 2 ngày trở lên; nổi chấm đỏ ở da, bầm ở da, chảy máu mũi và chân răng, nôn nhiều, nôn ra máu, phân có máu; đau bụng nhiều do gan sưng to… Trong vòng 3-6 ngày bệnh có thể trở nặng với các triệu chứng như hết sốt nhưng trở nên lừ đừ, lạnh tay chân, vã mồ hôi, bứt rứt, nôn nhiều, đau bụng và chảy máu bất thường.
Bệnh sốt xuất huyết có thể gây tử vong và gây thành dịch lớn, hiện chưa có vaccine phòng bệnh. Ðể phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thường xuyên thu gom, tiêu hủy các đồ phế thải chứa nước như lốp xe, chai lọ vỡ, vỏ đồ hộp, gáo dừa… Thường xuyên lau rửa chum vại, bể nước mưa, lọ hoa, úp ngược các vật dụng chứa nước không dùng đến như xô, chậu, chén bát, máng nước uống của gia súc, gia cầm. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi quy mô cộng đồng hoặc phun diệt muỗi trong nhà bằng các bình xịt muỗi cầm tay.
Muỗi là thủ phạm chính gây bệnh sốt xuất huyết
- 2
Viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh gặp khá nhiều ở trẻ nhỏ. Đây là bệnh do một loại virus có tên là virus viêm não Nhật Bản gây nên, trung gian truyền bệnh là muỗi Culex, một loại muỗi thường sống ở các vùng có nhiều ao tù và đồng ruộng lúa nước. Ổ chứa virus viêm não Nhật Bản thường là lợn, dơi, chim hoang dã. Bệnh viêm não Nhật Bản thường có tỷ lệ mắc cao vào mùa hè, có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời và có thể gây thành dịch lớn.
Bệnh viêm não Nhật Bản có thể phòng bằng cách: Tiêm vaccine phòng bệnh, thường chỉ tiêm cho trẻ em, mỗi trẻ cần được tiêm đủ ba mũi theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Ngoài ra, cần thực hiện các biện pháp chống muỗi đốt và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, thả cá tại các ao, hồ, ruộng lúa nước để diệt loăng quăng (bọ gậy), làm chuồng gia súc xa nhà.
Các biện pháp để phòng bệnh chung cho các bệnh truyền nhiễm mới nổi và bệnh dịch trong mùa hè, mùa mưa bão sắp tới là: Mọi người dân cần tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng cách ăn uống đủ chất, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thức ăn có nhiều vi-ta-min; có chế độ làm việc, sinh hoạt, luyện tập thể thao và nghỉ ngơi hợp lý. Khi có người bị bệnh hoặc nghi bị các bệnh trên cần phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời, không để bệnh lây lan ra người thân và cộng đồng
- 3
Bệnh tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy xuất hiện quanh năm nhưng xảy ra nhiều nhất là vào mùa hè. Nguyên do là vì ruồi nhặng phát triển, nguồn nước bị ô nhiễm, hoa quả không được rửa sạch. Mặt khác do mùa hè ở nước ta có khí hậu nóng ẩm nên các loại vi khuẩn dễ phát triển trong thực phẩm, thức ăn, làm cho thức ăn nhanh bị hỏng, bị ôi, thiu, nguyên nhân gây tiêu chảy, tả.
Bệnh tiêu chảy cũng là bệnh xuất hiện khá nhiều trong mùa hè
Ðể tránh không bị tiêu chảy hoặc tả, lỵ, chúng ta cần: Tăng cường vệ sinh cá nhân. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch đặc biệt là trong mùa mưa bão, sát khuẩn nước bằng Cloramin B, không đổ chất thải, nước giặt, rửa xuống giếng, ao, hồ, sông, suối. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như ăn chín, uống chín, không ăn rau sống, không uống nước lã, không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn như mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua. Bên cạnh đó, cần tránh tập trung ăn uống đông người trong các dịp ma chay, cưới xin, cúng giỗ…, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
- 4
Bệnh chân tay miệng
Bệnh chân-tay-miệng thường xảy ra ở trẻ em, lây lan nhanh và dễ lan thành dịch làm nhiều người mắc. Nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm não, dẫn đến tử vong ở trẻ.
Sau thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày, trẻ bắt đầu có triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, kém ăn, đau họng… sau đó xuất hiện những nốt ban màu hồng đường kính khoảng 2mm, ở trong miệng và trên da lòng bàn tay, gan bàn chân, đôi khi thấy ở cả mông và cẳng chân. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, cần phải cách ly trẻ và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Bệnh chân tay miệng thường xảy ra ở trẻ em, lây lan nhanh và dễ lan thành dịch làm nhiều người mắc.
Cách phòng bệnh: tránh tiếp xúc với các nguồn lây theo đường tiêu hóa; tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (nhất là sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Rửa sạch sàn nhà, vật dụng đồ chơi của trẻ, lau sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn Cloramin B 2%. Khi trẻ bị bệnh phải cách ly tại nhà, không cho đến nhà trẻ, trường học trong tuần đầu tiên của bệnh.