Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Bệnh sốt xuất huyết: dấu hiệu, cách phòng và điều trị

Bệnh sốt xuất huyết: dấu hiệu, cách phòng và điều trị
Thời tiết giao mùa là lúc bệnh sốt xuất huyết bùng phát và lây lan. Bạn cần biết những điều sau để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt và người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.

Sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết

- Bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

- Thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

- Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch  được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.

Nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh do siêu vi trùng Dengue gây ra. Đây là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan chủ yếu do loại muỗi vằn hút máu từ người mắc bệnh truyền sang người lành. Loại muỗi vằn này thường ở trong nhà, trong các góc tối tăm và các nơi ẩm thấp, thường hoạt động cả ban ngày lẫn ban đêm. 

Bệnh sốt xuất huyết do loại siêu vi Dengue gây ra

Dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết

  • 1

    Sốt cao

    Theo Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, biểu hiện đầu tiên của bệnh sốt xuất huyết là tình trạng sốt cao. Sốt (nóng) cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn.

  • 2

    Xuất huyết (chảy máu)

    Xuất huyết thường ở nhiều dạng:

    - Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.

    - Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng.

    - Ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi).

    - Rong kinh ở phụ nữ, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết vào thời điểm chuyển dạ lại càng nguy hiểm hơn vì có thể mất máu nhiều…

  • 3

    Đau bụng

    Khi bị bệnh này bệnh nhân có thể có cảm giác khó chịu, đau bụng, nôn ói…

  • 4

    Dấu hiệu sốc

    Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm:

    - Trẻ mệt, li bì hoặc vật vã.

    - Chân tay lạnh.

    - Tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.

    Nếu thời gian diễn ra sốc thường ngắn từ 12 đến 24h thì nên đi viện để được điều trị kịp thời. Tuy không phải tất cả người bị sốt xuất huyết đều bị sốc nhưng nên thận trọng theo dõi khi nghi ngờ sốt xuất huyết để kip thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm kể trên.

    Chú ý: Thông thường, quá trình diễn biến của bệnh từ 2 đến 7 ngày, nguy hiểm thường xảy ra ở ngày sốt thứ tư, thứ năm: người bệnh luôn trong trạng thái mệt mỏi, đái ít, bứt rứt, mạch nhanh nhẹ, huyết áp hạ; nặng hơn nữa là không đo được mạch, huyết áp (biểu hiện của trụy mạch).

Cách điều trị khi mắc bệnh sốt xuất huyết tại nhà

  • 1

    Uống nhiều nước

    Khi bị sốt, cơ thể mất đi lượng nước lớn, cùng với các triệu chứng mệt mỏi, kém ăn uống khiến tình trạng thiếu nước càng nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh cần uống thật nhiều nước. Lượng nước dùng đối với trẻ dưới 5 tuổi khoảng 0, 5 -1.1 lít nước mỗi ngày; trẻ trên 5 tuổi và người lớn khoảng 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày.

    Không nên uống những loại nước có màu đỏ, nâu, đen hoặc có ga như nước xá xị, nước trái cây sậm màu, nước củ dền, dưa hấu vì sẽ khó nhận biết giữa hiện tượng chảy máu ở dạ dày và nước trái cây khi có hiện tượng nôn ói.

    Ăn thực phẩm lỏng, dễ tiêu như cơm nhão, cháo, súp. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ trẻ sẽ gây đầy bụng khó tiêu. 

  • 2

    Điều trị bằng thuốc Tây

    Bệnh sốt xuất huyết không có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó bệnh chỉ điều trị các triệu chứng, chủ yếu là sốt.

    Chỉ nên sử dụng các loại thuốc không gây ảnh hưởng xấu đến dạ dày hoặc làm tăng nguy cơ chảy máu. Thuốc dùng an toàn là Paracetamol, sử dụng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ. Kết hợp với lau nước ấm nếu bệnh nhân sốt quá cao trên 39 độ C.

    Các thuốc hạ sốt như Ibufrophen, Aspirin không được dùng, vì rất có hại trong bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết.

    Cần tái khám hàng ngày ở bệnh viện và tuân thủ thực hiện các lời dặn của thầy thuốc, không nên tự ý ngừng tái khám, vì có những trường hợp hết sốt là biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết đang trở nặng.

  • 3

    Đưa bệnh nhân tới bệnh viện khi có các dấu hiệu bệnh trở nặng

    Có 5 dấu hiệu chứng tỏ sốt xuất huyết đang trở nặng là: lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt, ói nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết, tay chân mát, lạnh.

    Chỉ cần có 1 trong 5 dấu hiệu trên thì phải đến bệnh viện gần nhất. Thực tế trong những trường hợp bệnh có dấu hiệu trở nặng, nhưng người nhà bỏ qua vì chủ quan,  khi đưa vào bệnh viện thì đã quá muộn, điều trị khó khăn vô cùng.

Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

  • 1

    Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách

    - Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

    - Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

    - Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.

    - Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

    - Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

    Diệt muỗi và bọ gây là cách hiệu quả nhất để phòng tránh sốt xuất huyết
  • 2

    Phòng chống muỗi đốt

    - Mặc quần áo dài tay.

    - Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

    - Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

    - Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

    - Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.

    - Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

    Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết mỗi người cần tự nâng cao ý thức của bản thân và kết hợp tốt với chính quyền và ngành y tế.

    Tham khảo thêm:

    >>  Sự khác nhau giữa bệnh Ebola và sốt xuất huyết

    >>  Phòng tránh sốt xuất huyết khi mang thai

    >>  Hướng dẫn món ăn cho người sốt xuất huyết

Nguồn tin: www.lamsao.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây