Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Tìm hiểu về bệnh viêm phổi và cách phòng ngừa viêm phổi

Tìm hiểu về bệnh viêm phổi và cách phòng ngừa viêm phổi
Viêm phổi là hiện tượng viêm nhiễm của nhu mô phổi do nhiễm khuẩn. Đây là một bệnh rất phổ biến, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu hóa. Cùng tìm hiểu về bệnh viêm phổi và cách phòng ngừa viêm phổi.

Phổi là cơ quan chính của hệ hô hấp, nơi trao đổi khí giữa môi trường ngoài và cơ thể. Viêm phổi là hiện tượng viêm nhiễm của nhu mô phổi do nhiễm khuẩn. Đây là một bệnh rất phổ biến, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu hóa. Hiện nay có nhiều kháng sinh có tác dụng tốt để điều trị, nhưng biến chứng và tử vong vẫn là điều đáng lo ngại, đặc biệt là ở người già và trẻ em. Có nhiều cách phân loại. Nhưng về giải phẫu người ta chia viêm phổi ra hai thể: viêm phổi thuỳ, và phế quản phế viêm.

  • 1

    Đôi điều về phổi

    Phổi nằm trong lồng ngực, là một tạng rỗng (trọng lượng trung bình 300-475g, chiếm khoảng 1/100 trọng lượng cơ thể) và đàn hồi nên thể tích của nó thay đổi nhiều theo lượng khí chứa bên trong. Cơ thể sử dụng oxy trong mọi hoạt động sống, đồng thời khí CO2 sinh ra trong quá trình chuyển hóa cần phải thải ra ngoài là dựa vào quy luật khuyếch tán do có chênh lệch áp lực bởi nhờ có sự hoạt động của phổi.

    Nói theo cách dân gian, thì mỗi người có 2 lá phổi. “Lá phổi” phải có 3 thuỳ, phổi trái có 2 thuỳ. Các thuỳ lại chia ra tiểu thuỳ. Mỗi tiểu thuỳ có tiểu phế quản và cuối cùng là tiểu phế quản tận cùng (có khoảng 30 vạn cái) chia thành các ống phế nang, rồi túi phế nang. Từ các phế nang đến các tiểu phế quản tận cùng với các bó mạch, thần kinh tạo thành một đơn vị cơ bản của phổi. Trong đơn vị này hàng trăm chức năng quan trọng được thực hiện. Các khí trao đổi giữa phế nang và mao mạch qua một cái màng rất mỏng (chừng 0,7micromet) được gọi là màng phế nang mao mạch, hay là màng hô hấp. Ở người có khoảng 300 triệu phế nang với tổng diện tích của các phế nang chừng 72m2.

    Với người trưởng thành tầm vóc trung bình, thể tích khí lưu thông là không khí hít vào hoặc thở ra là 1,2 lít/phút. Mỗi ngày (24 giờ) có 1.728 lít khí tiếp xúc với 300 triệu phế nang, nhờ đó cơ thể được cung cấp đầy đủ oxy và thải CO2. 


    Hình ảnh mô phỏng phổi bị viêm
  • 2

    Viêm phổi thuỳ

    Viêm phổi thuỳ là loại viêm phổi cấp phổ biến nhất, chủ yếu là do phế cầu khuẩn (S.Pneumoniae) chiếm hơn 2/3 trường hợp, còn gọi là viêm phổi điển hình. Các tạp khuẩn khác (tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn gram âm, vi khuẩn kỵ khí, virus...) cũng có thể gặp ở một số ít người bệnh. Bệnh viêm phổi rất phổ biến, ở Mỹ có 2-3 triệu người mắc viêm phổi mỗi năm; ở nước ta, viêm phổi chiếm khoảng 12% các bệnh về phổi.

    Viêm phổi thuỳ thường xảy ra ở người trẻ tuổi, khởi phát đột ngột, người bệnh có dấu hiệu nhiễm độc nhiễm trùng rõ rệt, ho, sốt cao 39-40oC kèm rét run, mạch nhanh, mặt đỏ... Sau vài giờ thì khó thở, toát mồ hôi, môi hơi tím tái, lưỡi đỏ khô, xung quanh mồm mũi có những mụn nhỏ màu đỏ (herpes). Ho, lúc đầu chỉ là ho khan, về sau này ho thường kèm theo khạc đờm đặc màu vàng xanh, hoặc có màu gỉ sắt. Thường đau dữ dội bên phía phổi tổn thương, ở trẻ em có thể đau quanh vùng hố chậu phải.

    Thời kỳ toàn phát nghe phổi có hội chứng đông đặc (gõ đục, rung thanh tăng, rì rào phế nang mất, có tiếng thổi ống). Chụp Xquang thấy có đám mờ đều của một thuỳ hay tiểu thuỳ hình tam giác đỉnh hướng vào trong, đáy quay ra ngoài. Trong đám mờ có thể thấy dấu hiệu phế quản hơi. Đôi khi có tràn dịch màng phổi, viêm rãnh liên thuỳ.

    Về mặt tiến triển, tiên lượng thường tốt. Trong vòng một tuần các triệu chứng bệnh tăng lên, rồi giảm dần dần. Nếu bệnh nhân trẻ tuổi, bệnh nhẹ dấu hiệu viêm phổi rõ ràng thì có thể điều trị tại nhà. Song, nếu bệnh nặng, người già, viêm phổi kết hợp với suy tim, suy hô hấp thì phải điều trị tại bệnh viện. Tuỳ theo thể bệnh (nặng, nhẹ hay trung bình) thầy thuốc sẽ có chỉ định dùng thuốc kháng sinh thích hợp và các thuốc khác điều trị triệu chứng... Nếu được điều trị đúng cách, bệnh sẽ khỏi hẳn sau 1-2 tuần, tuy nhiên hình ảnh đám mờ trên Xquang có thể tồn tại trong vài tuần. Một số trường hợp người già yếu bệnh nặng, nếu không được điều trị đúng hoặc không điều trị kịp thời có thể bị biến chứng viêm lan rộng ra, xẹp thuỳ phổi, áp xe phổi, viêm màng phổi có mủ...

  • 3

    Phế quản phế viêm

    Phế quản phế viêm (PQPV) còn gọi là viêm phế quản phổi, thường do các tạp khuẩn (liên cầu, tụ cầu, phế cầu và một số loại virus...) gây nên. PQPV thường gặp ở trẻ em, người già yếu, và thường là thứ phát sau viêm họng, viêm xoang, sởi, cúm. Một số yếu tố thuận lợi cho bệnh phát là nhiễm lạnh, bệnh lâu ngày suy mòn, trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng. Ngoài ra, những người nghiện rượu, người bệnh phải nằm điều trị lâu, những bệnh lý viêm nhiễm ở tai mũi họng, người biến dạng lồng ngực... cũng là những yếu tố thuận lợi cho bệnh PQPV khởi phát.

    Khác với viêm phổi thuỳ, PQPV thường khởi phát từ từ. Các tiểu phế quản bị viêm có mủ, các phế nang xung quanh phế quản bị viêm xung huyết và phù nề. Có sốt nhưng không cao lắm (37,5-38oC), kèm theo ho khạc đờm đặc có mủ, thường là khó thở nhiều, cánh mũi phập phồng, tím môi, nhất là trẻ em. Tuy nhiên, người bệnh lại không đau ngực hoặc đau không rõ rệt.

    Nếu thăm khám vùng phổi sẽ thấy khắp hai phế trường có từng vùng gõ đục, rung thanh tăng lên và có nhiều ran khô, ran ướt nhỏ hạt. Chụp Xquang sẽ thấy nhiều nốt mờ rải rác khắp hai phổi, ranh giới không rõ ràng đặc biệt là ở vùng đáy phổi.

    Về mặt tiến triển, bệnh PQPV thường nặng đặc biệt là ở trẻ nhỏ, và người già. Tuy nhiên kháng sinh trị liệu đã làm thay đổi hẳn tiên lượng bệnh. Điều trị như viêm phổi thuỳ, nhưng bệnh nhân cần phải nhập viện, phải được điều trị khẩn trương hơn, cho kháng sinh liều mạnh hơn và phải theo dõi kỹ hơn. Đồng thời chú ý đến hồi sức hô hấp. Sau khi người bệnh đã đỡ, cần đề phòng tái phát: đặc biệt chú ý giữ ấm ngực và toàn thân trong những ngày giá lạnh, giải quyết tốt các ổ nhiễm khuẩn nhất là ở tai, mũi, họng.

  • 4

    Cách phòng ngừa bệnh viêm phổi

    Cần vệ sinh sạch sẽ nơi ở. Tốt nhất là sống trong môi trường trong sạch, ít khói bụi. Nhà ở phải thông thoáng, về mùa lạnh phải được che kín các khe hở, nên đóng cửa để che bụi. Giữ cơ thể ấm về mùa đông, đặc biệt là giữ ấm cổ, ngực và hai bàn chân. Tránh bị nhiễm lạnh đột ngột, nhất là với người già và trẻ em. Khi không cần thiết thì không nên đi ra ngoài trời lúc sáng sớm và đêm khuya, vì lúc đó thường lạnh. Nằm ngủ nên đắp chăn ấm, giường ngủ nên có đệm. Mùa đông không nên tắm nước lạnh, nơi tắm phải kín không có gió lùa. Mùa hè không nên để máy điều hoà nhiệt độ ở mức quá mát lạnh, không để quạt điện hướng trực tiếp vào người lúc nửa đêm về sáng. Loại bỏ những yếu tố kích thích có hại: không uống nhiều rượu, không hút thuốc lào thuốc lá. Duy trì chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối về chất để có sức phòng chống bệnh. Thường xuyên bảo đảm vệ sinh răng miệng. Điều trị triệt để các ổ nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng để tránh biến chứng viêm phổi. Cần tập thể dục đều đặn, vừa sức, tốt nhất là tập thở sâu theo phương pháp thở bụng.

Nguồn tin: www.lamsao.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây