Vì sao Tử Cấm Thành có hơn 70 giếng nước nhưng không dùng để ăn uống?
- Thứ năm - 14/01/2021 22:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tử Cấm Thành là một phức hợp cung điện nằm ở quận Đông Thành, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Với tổng diện tích 720.000 m2, Tử Cấm Thành là cung điện lớn nhất thế giới. Nơi đây từng là hoàng cung, trung tâm kinh thành, nơi ở của hoàng đế và gia đình từ thời nhà Minh (bắt đầu từ Vĩnh Lạc Đế) tới cuối thời nhà Thanh, đồng thời là trung tâm lễ nghi và chính trị của chính phủ Trung Quốc trong suốt hơn 500 năm. Cho đến nay, Tử Cấm Thành vẫn được bảo tồn vẹn nguyên, trở thành một trong những địa điểm du lịch hot nhất tại Bắc Kinh.
Không chỉ là địa điểm du lịch, Tử Cấm Thành còn thu hút sự chú ý của nhiều người, gợi sự tò mò về những bí ẩn, những câu chuyện khó hiểu. Một trong số đó là câu chuyện về hơn 70 chiếc giếng trong Tử Cấm Thành nhưng lại không bao giờ dùng để ăn uống.
Thời xưa, giếng nước vô cùng quen thuộc, là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho con người. Tuy nhiên ở trong Tử Cấm Thành, hơn 70 chiếc giếng chỉ cung cấp nước để rửa, giặt đồ, tưới cây, cọ rửa bàn ghế, lau nhà... chứ không bao giờ dùng làm nước ăn uống, nấu nướng. Các vị hoàng đế không bao giờ lấy nước giếng pha trà, thượng thiện không dùng nước giếng để nấu ăn, ngay cả cung nữ và thái giám cũng không uống nước giếng, tất cả đều có lý do của nó.
Nguyên nhân đầu tiên đến từ chất lượng nước. Vốn dĩ, không phải nước giếng trong Tử Cấm Thành không sạch đến nỗi không ăn uống được mà nó bắt nguồn từ con người. Trong hoàng cung trước đây, chuyện đấu đá nhau giữa các phi tần trong hậu cung, giữa các quan thần lẫn nhau, giữa các thái giám cung nữ với nhau hoặc các thế lực khác, thậm chí có thể là âm mưu mưu phản, người ta có thể nghĩ đủ mọi cách để đầu độc đối thủ, mà một trong những cách đơn giản nhất là đầu độc vào đồ ăn, nước uống.
Do đó, hoàng tộc và những người sống trong Tử Cấm Thành không bao giờ dám dùng nước giếng để ăn uống vì sợ có người bỏ chất độc xuống đây, nếu uống phải có thể bị ngộ độc, thậm chí là chết người. Không chỉ là thuốc độc, những kẻ xấu còn có thể bỏ thuốc tiêu chảy, thuốc vô sinh hay thuốc sảy thai... xuống giếng, gây nên hậu quả khó lường. Hơn thế nữa, do mạch nước của các giếng thông nhau nên chỉ cần một giếng bị bỏ độc thì những giếng còn lại cũng bị nhiễm.
Những giếng nước trong Tử Cấm Thành cũng thông với sông Ngự ở ngoài thành. Do sông này chủ yếu phục vụ người dân thường nên không tránh khỏi sự ô nhiễm. Với những người quyền cao chức trọng, chân mệnh thiên tử thì việc ăn uống thứ nước ô nhiễm này là không thể chấp nhận được.
Vậy nước ăn uống trong hoàng cung được lấy từ đâu? Câu trả lời nằm trên núi Ngọc Tuyền. Theo đó, hầu hết nước sinh hoạt trong Tử Cấm Thành đều lấy từ núi Ngọc Tuyền về bởi nguồn nước ở đây rất sạch và đảm bảo, lại được lọc tự nhiên, không bao giờ sợ bị tẩm độc.
Bên cạnh đó, vẫn còn nguyên nhân khác liên quan đến việc nước giếng trong Tử Cấm Thành không dùng để ăn uống. Do những sự cạnh tranh, đấu đá thời xưa trong hoàng cung, thậm chí là những vụ giết người âm thầm, không ít thi thể của các phi tần, cung nữ hay thái giám đã bị vứt xuống giếng để trừng phạt hoặc phi tang. Đó là chưa kể việc một số cung nữ, thái giám hoặc lính canh đã tự tử dưới giếng vì gặp phải những chuyện uất ức hoặc bị đe dọa vì những thế lực lớn hơn. Chính vì vậy, chẳng ai dám ăn hoặc uống nước giếng đã từng có người chết ở dưới.
Một trong những câu chuyện huyền thoại về việc sự việc này phải kể đến "giếng Trân phi". Đây là giếng nước vẫn còn tồn tại tới ngày nay và trở thành điểm thăm quan nổi tiếng tại Tử Cấm Thành.
Sử sách ghi chép lại, vào đêm liên quân 8 nước tấn công vào Tử Cấm Thành, Từ Hi Thái hậu trong lúc tháo chạy vì không muốn mang theo Trân phi - người luôn chống đối mình, do đó đã sai người dìm chết Trân phi xuống giếng. Bi kịch của Trân phi là một điển hình về những cuộc tranh giành quyền lực vô cùng tàn độc chốn thâm cung trong hàng trăm năm phong kiến trị vì. Những giếng nước được coi là "mồ chôn oan hồn" khiến người ta lo sợ, không bao giờ dám dùng để ăn uống.
Bên cạnh việc này, những giếng nước trong Tử Cấm Thành còn có một chức năng khác, đó là dập lửa. Thực tế, Tử Cấm Thành trước đây được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu gỗ, rất dễ bị bắt lửa hoặc bị sét đánh trúng gây ra hỏa hoạn. Trong cuốn "Minh sử" có ghi chép, năm Gia Tĩnh thứ 36 và năm Vạn Lịch thứ 25, trong Tử Cấm Thành đã xảy ra những vụ hỏa hoạn lớn khiến nhiều cung điện bị thiêu rụi, gây ra tổn thất cực kỳ nghiêm trọng.
Do đó, việc cho đào nhiều giếng nước trong Tử Cấm Thành là để khi có xảy ra hỏa hoạn, người trong cung sẽ dễ dàng múc nước từ giếng lên để dập lửa, từ đó giảm thiểu mức độ tổn thất cho người và của.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/vi-sao-tu-cam-thanh-co-hon-70-gieng-nuoc-nhung-khong-...