Từ thần đồng toán học với IQ 170 tới kẻ sát nhân hàng loạt sa lưới vì một bức thư
- Thứ hai - 19/10/2020 07:41
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vào thời điểm nhà chức trách liên bang Mỹ bắt giữ Ted Kaczynski (hay còn được mệnh danh là Unabomber – kẻ giết người hàng loạt) tại căn nhà gỗ thô sơ của hắn ở Montana vào tháng 4/1996, hắn đã trốn tránh công lý được 17 năm. Từ năm 1978-1995, cựu giáo sư toán học với chỉ số IQ ở mức thiên tài và mối thâm thù đại hận với công nghệ hiện đại đã gửi 16 thiết bị nổ tự chế qua đường bưu điện đến các trường đại học, doanh nghiệp, hộ gia đình và những khu vực công cộng khắp nước Mỹ. Hành động của hắn khiến 3 người thiệt mạng, gần 2 chục người khác bị thương.
Cuộc truy lùng Unabomber ráo riết được xem là một trong những cuộc săn lùng kéo dài nhất lịch sử nước Mỹ. Nó kéo theo hơn 150 nhân viên điều tra, nhà phân tích và các đặc vụ khác từ Cục điều tra Liên bang (FBI), Cục rượu, Thuốc lá và Súng (ATF) cũng như Dịch vụ Kiểm tra Bưu điện Hoa Kỳ.
Trở lại với cuộc đời của Ted Kaczynski trước khi sa lưới, anh ta thực sự là một thiên tài. Năm 1957, chàng trai 15 tuổi tốt nghiệp trung học sớm hơn bạn bè cùng trang lứa. Với những gì mà cậu thể hiện trong suốt quá trình học tập và chỉ số IQ 160-170 đáng ngưỡng mộ, mẹ anh là bà Wanda đã khuyến khích con trai đăng ký vào Đại học Harvard. Năm 16 tuổi, Ted đã giành học bổng vào ngôi trường danh giá này. Tuy nhiên, khác xa với tuổi thơ êm đềm khi còn sống với gia đình, quãng thời gian học ở Harvard, Ted phải đối diện với sự khủng hoảng, kỳ thị. Càng ngày, Ted càng hướng nội hơn, cả ngày chỉ dành thời gian ở trên lớp hoặc thư viện.
Đến năm thứ hai, Ted với sự đồng ý của mẹ đã tham gia một thí nghiệm tâm lý do giáo sư Henry Murray đứng đầu. Trong thí nghiệm kéo dài 3 năm, Ted đã viết các bài luận về niềm tin, giá trị và lý tưởng cá nhân. Sau đó, anh tranh luận cùng một luật sư ẩn danh về chúng và nhận về những lời giễu cợt, còn tác giả của nghiên cứu thì ghi lại những phản ứng của Ted và phát lại cho cậu xem. Với Ted, đây là “trải nghiệm tồi tệ nhất cuộc đời anh”. Cuối cùng, chàng trai trẻ rời trường đại học với “tổn thương tâm lý vĩnh viễn”. Giáo sư Arthur Dobrin đến từ Đại học Hofstra (Mỹ) từng nhận định chính thí nghiệm trên đã đẫn đến sự bất ổn tinh thần, hoang tưởng và quan điểm chính trị cực đoan của Ted Kaczynski sau này.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Harvard, Ted còn nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ toán học tại Đại học Michigan vào năm 1964 và 1967. Trí tuệ thiên tài của chàng trai trẻ đã gây ấn tượng rất mạnh với những giáo sư trong trường. Nhưng với anh, tháng ngày học tập tại ngôi trường này cũng không hề tốt đẹp. Anh nảy ra ý định chuyển giới để có thể được chạm vào phụ nữ. Tuy nhiên, trong lúc chờ bác sĩ tâm thần đến tư vấn, thiên tài này lại nảy ra ý định giết người.
Năm 25 tuổi, Ted trở thành giảng viên toán trẻ nhất của Đại học California nhưng anh lại bị sinh viên than phiền vì thiếu kiên nhẫn. Đến năm 1969, Ted đột ngột nghỉ việc. Anh nói với gia đình về thảm họa mà tiến bộ công nghệ mang lại và bản thân không muốn làm giáo sư toán nữa. Sau đó, Ted cùng em trai David mua một mảnh đất ở ngoại ô Lincoln để xây nhà. Tại đây, Ted xây một ngôi nhà nhỏ, không điện nước. Hàng ngày, người đàn ông này đọc sách, học các kỹ năng sinh tồn và trồng trọt ở đó. Theo thời gian, Ted ngày một hoang tưởng, sống biệt lập với xã hội cho đến khi thực hiện tội ác của mình.
Chiến dịch khủng bố của Ted bắt đầu vào ngày 25/5/1978, khi một gói giấy màu nâu được tìm thấy trong khuôn viên trường Đại học Illinois được trả lại cho người gửi, một giáo sư ở Đại học Northwestern gần đó. Vì giáo sư chưa gửi gói hàng qua đường bưu điện nên ông đã giao nó cho bộ phận an ninh của trường. Sau đó, gói hàng phát nổ khiến nhân viên làm nhiệm vụ mở nó bị thương.
Vào cuối năm 1979, 2 quả bom khác cũng đã phát nổ, một quả ở Northwestrn và một quả khác trên chuyến bay của American Airlines đi từ Chicago đến Washington DC. Một quả bom khác được gửi đến cho Percy Wood, chủ tịch hãng United Airlines vào đầu năm 1980 khiến ông bị thương nặng. Được sự hỗ trợ của các đặc vụ ATF và Dịch vụ Kiểm tra Bưu điện, văn phòng đã thành lập lực lượng đặc nhiệm UNABOM để xử lý các vụ đánh bom hàng loạt mà nghi phạm đang hướng tới lúc này, đó là các trường đại học và hãng hàng không.
Mặc dù lực lượng chức năng đã kiểm tra toàn diện thành phần của quả bom, nỗ lực liên kết các nạn nhân với nhau để tìm ra manh mối về kẻ đánh bom nhưng vẫn không thu được kết quả. Kẻ đánh bom chế tạo chất nổ từ những vật liệu rất thông thường như gỗ, dây đánh cá, đinh và băng dính. Đây đều là những thứ được bán rộng rãi và thủ phạm đã cẩn thận không để lại dấu vết nhận dạng. Chính vì vậy, thủ phạm mới được đặt cái tên là Unabomber.
Theo James R.Fitzgerald, một người lập hồ sơ tội phạm của FBI, các cuộc kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho thấy Ted đã xé những quả pin cũ và tự chế tạo chất kết dính bằng cách nấu chảy móng hươu. Tất nhiên, không có dấu vân tay, ADN hay những gì đại loại như vậy lưu lại”, James nói thêm.
Khi các cuộc tấn công tiếp tục diễn ra, những loại bom ngày càng tinh vi và có sức công phá lớn hơn. Vào năm 1985, chủ một cửa hàng máy tính tại Sacramento, California trở thành nạn nhân đầu tiên của Ted tử vong.
Đột phá lớn đầu tiên của vụ án có được vào năm 1987. Khi đó, một phụ nữ cho biết đã nhìn thấy một người đàn ông trong bãi đậu xe bên ngoài cửa hàng máy tính ở thành phố Salt Lake vào khoảng khắc trước khi quả bom phát nổ. Từ lời kể của cô, người ta đã phác thảo được chân dung Unabomber với bộ ria mép, đeo kính phi công và mặc áo len có mũ trùm. Hai vụ tấn công chết người nữa xảy ra vào tháng 12/1994 và tháng 4/1995, chỉ 2 ngày sau vụ đánh bom thành phố Oklahoma.
Vào tháng 6/1995, kẻ đánh bom đã gửi một “bản tuyên ngôn” dài 35.000 từ đến tờ New York Times, Washington Post và các hãng truyền thông khác, phản đối Cách mạng Công nghiệp và những tệ nạn của công nghệ hiện đại. Sau động thái này, Giám đốc FBI khi đó là Louis Freeh và Bộ trưởng Tư pháp Janet Reno đã cho phép đăng tải nó. Họ cho rằng bản tuyên ngôn này có thể giúp xác định được đanh tính kẻ đánh bom. Và điều này đã được chứng minh là đúng khi một phụ nữ tên Linda Patrik nhận ra giọng văn trong bản tuyên ngôn giống với những gì trong lá thư mà chồng cô, David Kaczynski nhận được từ người anh của mình, Ted Kaczynski.
Sau khi David Kaczynski cung cấp một lá thư cho FBI với giọng văn rất giống với tuyên ngôn của kẻ đánh bom, các đặc vụ đã bắt giữ Ted Kaczynski gần Lincoln, Montana vào ngày 3/4/1996. Họ tìm thấy vô số bằng chứng buộc tội bên trong căn nhà nhỏ của anh ta, trong đó có các vật liệu chế bom, một quả bom và bản gốc của bản tuyên ngôn.
Một lý do khiến cuộc điều tra đi vào ngõ cụt trong nhiều năm chính là do tiểu sử bất thường của kẻ đánh bom. Mặc dù máy tính đã giúp FBI tổng hợp một danh sách nghi phạm khổng lồ dựa trên các mục tiêu và địa điểm các cuộc tấn công, cái tên của Ted Kaczynski cũng xuất hiện trong này nhưng các nhà điều tra lại tin rằng họ cần tìm kiếm một người đàn ông hơn anh ta khoảng 10 tuổi
Jim R. Freeman, đặc vụ hàng đầu tại văn phòng FBI ở San Francisco nói với tờ Times: “Chúng tôi cảm thấy anh ta xuất phát từ Chicago và sau đó dần chuyển sang phía tây. Làm sao có thể biết anh ta từng vào Harvard khi mới 16 tuổi”.
Sau khi bị bắt và kết án, Ted Kaczynski hiện đang thụ án tại ADX Florence ở Colorado, Mỹ. Anh ta vẫn duy trì liên lạc đều đặn với những người tò mò hoặc ngưỡng mộ mình. Đến nay, Ted đã xuất bản 2 cuốn sách từ trong tù. Ngôi nhà cũ của Ted hiện có rất nhiều du khách đến tham quan. Nó được mang bán đấu giá năm 2006.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/tu-than-dong-toan-hoc-voi-iq-170-toi-ke-sat-nhan-hang...