Thái hậu Trung Hoa quyền lực che trời, dâm loạn vô độ và kết cục bi thảm
- Chủ nhật - 01/05/2022 17:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Lịch sử Trung Hoa ghi nhận không ít mỹ nhân khuynh đảo triều chính. Ảnh minh họa.
Ngày 1.4.528, Hồ Thái hậu nhà Bắc Ngụy ở Trung Quốc đem cháu gái cải trang làm nam giới để lập làm hoàng đế. Hành động này về sau được ví như “trò đùa ngày cá tháng tư” đối với thần dân Bắc Ngụy thời Nam Bắc triều, theo Sohu.
Liều chết sinh con
Hồ Thái hậu tên thật là Hồ Sung Hoa hay Hồ Thừa Hoa, là một mỹ nhân xinh đẹp lại cực kỳ thông minh. Nhưng cuối đời quá ham mê quyền lực, lại hoang dâm, lén lút quan hệ với nhân tình, dẫn đến kết cục bi thảm.
Hồ Sung Hoa có xuất thân không đến nỗi nào, không phải thuộc hàng quý tộc, nhưng cũng là gia đình quyền thế. Hồ gia theo Phật giáo, trong gia tộc có không ít cao tăng.
Hồ Sung Hoa sinh ra được cho là có những nét khác người, sau này ắt trở thành người phụ nữ quyền lực. Gia đình tin tưởng giao phó cho cô ruột là người tu hành có danh tiếng, thường xuyên ra vào hoàng cung, khoe khoang rằng cháu gái mình là mỹ nhân ngàn năm có một, vừa xinh đẹp tuyệt trần lại vừa thông minh hơn người.
Tuyên Vũ Đế Thác Bạt Khác nghe vậy liền triệu Hồ Sung Hoa vào cung làm phi tần, kiêm phụ trách các công việc trong cung. Về cơ bản, Hồ Sung Hoa làm rất tốt nhiệm vụ của mình, lại làm được một việc quan trọng mà các phi tần khác không muốn hoặc không dám làm, đó là sinh con trai cho hoàng đế.
Nhà Bắc Ngụy khi đó do gia tộc Thác Bạt thuộc bộ lạc Tiên Ti nắm quyền ở miền bắc Trung Quốc. Trong bộ lạc Tiên Ti, người phụ nữ có vai vế rất cao. Nếu có phi tần sinh con trai, hoàng đế sẽ phải giết chết phi tần này để đề phòng việc người phụ nữ liên kết với thành viên gia tộc, dựa vào con trai là thái tử để thâu tóm quyền lực.
Chuyện này đã từng xảy ra các đời hoàng đế trước đây của nhà Bắc Ngụy. Thời điểm ấy, Tuyên Vũ Đế chưa có con trai, dĩ nhiên bé trai chào đời sẽ là thái tử. Phi tần nào cũng không muốn mang thai, nếu có cũng mong đó không phải là con trai.
Hoàng hậu Cao Anh do chưa sinh được con trai cho Tuyên Vũ đế, lại càng đố kị, khiến nhiều phi tần vào cung đã lâu chưa bao giờ có dịp diện kiến hoàng đế. Chú của Cao Anh là cậu ruột của Tuyên Vũ Đế. Nếu hoàng đế không có con trai, ngôi vị sau này thuộc về thành viên khác trong hoàng tộc, từ đó đảm bảo rằng người ngoài sẽ không thể tiếm quyền.
Nhưng Hồ Sung Hoa khi đó lại tỏ vẻ không lo sợ, sẵn sàng chết để sinh con trai cho Tuyên Vũ Đế. Đây là nội dung được chép trong “Ngụy thư”, cuốn sử ký thời nhà Bắc Ngụy, ca ngợi hành động của một phi tần.
Người đời sau tỏ ra hoài nghi với những ghi chép này, bởi những gì xảy ra sau đó khiến người ta phải đánh giá lại con người của Hồ Sung Hoa, theo Sohu.
Tuyên Vũ Đế tỏ ra khoan dung, sau khi Hồ Sung Hoa sinh hạ con trai, không những không ra lệnh xử tử mà còn bảo vệ nàng. Từ đó, chuyện phi tần sinh con trai bị xử tử cũng không còn nữa.
Lũng đoạn quyền lực và dâm loạn vô độ
Năm 515, Tuyên Vũ Đế băng hà. Thái tử Nguyên Hủ mới 5 tuổi lên nối ngôi, xưng là Hiếu Minh Đế. Triều đình Bắc Ngụy rơi vào cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt.
Cuối cùng, Hồ Sung Hoa thắng thế, trở thành Thái hậu nhiếp chính. Cao hoàng hậu bị phế bỏ, phải xuất gia làm ni cô.
Nhiều hoàng đế Trung Hoa để vợ lấn lướt, gây hậu họa khôn lường. Ảnh minh họa.
Hồ Sung Hoa mỗi ngày đều tự mình phê duyệt tấu chương, quyết định các đại án, tỏ ra công chính nghiêm minh, ổn định cục diện chính trị và phát triển xã hội, khiến các đại thần nể phục. Hồ Sung Hoa khi thiết triều tự xưng là “trẫm”, còn các đại thần phải gọi là “bệ hạ”.
Nắm trong tay quyền lực quá lớn, dần dần tính cách của Hồ Sung Hoa cũng thay đổi. Hồ Thái hậu sa ngã vào những thú vui hoang phí, dung túng cho giới quý tộc tham ô, tham nhũng, tiêu xài xa xỉ.
Chùa Vĩnh Ninh, ngôi chùa Phật giáo lớn nhất ở thành Lạc Dương là do Hồ Sung Hoa ra lệnh xây dựng. Nổi bật nhất ở chùa khi đó là tòa tháp có chiều cao 136,7 mét, chưa từng có ở thời cổ đại. Các cao tăng đến từ Tây Vực, nhìn thấy quy mô của chùa Vĩnh Ninh, cũng phải thốt lên rằng “chưa thấy nơi nào có ngôi chùa to đẹp đến như vậy”.
Xuất thân là người am hiểu Phật giáo, nhưng Hồ Sung Hoa lại không tu dưỡng bản thân, dâm loạn một cách tùy ý.
Người mà Hồ Sung Hoa đặc biệt yêu thích là Dương Bạch Hoa, một danh tướng giỏi võ nghệ, dung mạo lại tuấn tú. Nhưng Dương Hoa sợ rước họa vào thân, đã cùng gia đình rời khỏi Bắc Ngụy. Đây là vụ bê bối lớn trong triều, nhưng Hồ Sung Hoa không tự kiểm điểm bản thân, lại còn viết thơ thể hiện sự nhớ nhung.
Không có được Dương Hoa, Hồ Sung Hoa lại quay sang cặp kè với Thanh Hà vương Nguyên Dịch, em trai của Tuyên Vũ Đế.
Sự hỗn loạn và phóng túng trong phong cách sống của Hồ Sung Hoa đã ảnh hưởng lớn đến danh tiếng và quyền lực. Người xưa mô tả Hồ Sung Hoa “tùy ý dâm loạn, tàn ác với thiên hạ”.
Năm 520, thống lĩnh ngự lâm quân Nguyên Nghệ cấu kết với hoạn quan Lưu Đằng phát động chính biến, giả truyền thánh chỉ ban tội chết cho Thanh Hà vương Nguyên Dịch. Quân phản loạn đem nhốt Hồ Sung Hoa trong Tuyên Quang điện, khiến Hiếu Minh Đế muốn gặp cũng không được.
Kết cục bi thảm
Sau khi Lưu Đằng đột ngột qua đời, Nguyên Nghệ ngày ngày chìm đắm trong tửu sắc, không biết rằng Hồ Sung Hoa bí mật gặp gỡ con trai và các đại thần.
Hồ Sung Hoa dùng tình mẫu tử để làm xiêu lòng hoàng đế, khiến Hiếu Minh Đế ra chiếu giải thoát cho mẹ khỏi cung cấm.
Lấy lại tự do, Hồ Sung Hoa kết nối với các vây cánh cũ, lật đổ Nguyên Nghệ, sau 5 năm lại quay trở lại đỉnh cao quyền lực.
Ở thời điểm đó, tình hình nhà Bắc Ngụy hết sức rối ren. Các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi, trong khi các thế lực bên ngoài nhăm nhe xâm lược.
Hồ Sung Hoa nổi tiếng dâm loạn, lấy quyền hành làm trò đùa, lừa gạt thần dân.
Hồ Sung Hoa lại chứng nào tật ấy, cặp kè với một người tình tên là Trịnh Nghiễm, thăng chức cho người này, để hàng đêm ở bên nhau. Khi Nghiễm suy kiệt, Hồ thái hậu bèn đưa lên hai người khác là Từ Hột và Lý Thần Quỹ lên để đôi lúc thay thế.
Hiếu Minh Đế khi đó đã trưởng thành, muốn tự mình nắm quyền, nhưng mẹ không đồng ý. Kết quả là cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu nhất trong lịch sử nhà Bắc Ngụy giữa hai mẹ con đã nổ ra.
Năm 528, phi tần của Hiếu Minh Đế sinh công chúa nhưng Hồ Sung Hoa lại ban bố với thiên hạ rằng đó là một hoàng tử.
Ngày 31.3.528, đêm trước ngày cá tháng tư (một nét văn hóa của phương Tây sau này), Hiếu Minh Đế bị mẹ ruột hạ độc chết, qua đời ở tuổi 18.
Ngày hôm sau, Hồ Sung Hoa đưa cháu gái mới 50 ngày tuổi của mình lên ngôi, để có thể tiếp tục nắm quyền.
Một thời gian sau, thấy trong ngoài triều đình không có phản ứng gì, Hồ Sung Hoa lại ban chiếu nói tiểu hoàng đế không phải là con trai, đưa Nguyên Chiêu, hoàng tử mới 3 tuổi, là cháu của Hiếu Minh Đế lên ngôi.
Nghe tin Hồ Sung Hoa chuyên quyền, lấy quyền hành làm trò đùa, lừa gạt thần dân, Đại tướng quân Nhĩ Chu Vinh đem quân làm phản, không lâu sau đánh chiếm kinh đô Lạc Dương, xông thẳng vào cung hỏi tội Hồ Sung Hoa.
Hồ Sung hoa và Ấu Chúa Nguyên Chiêu bị dìm chết trên sông Hoàng Hà. Hơn 2.000 hoàng tộc, quý tộc và các đại thần cũng bị Chu Vinh ra lệnh giết sạch.
Không rõ Hồ Sung Hoa chết năm bao nhiêu tuổi, nhưng nắm ngôi Thái hậu được 13 năm.
Hồ Sung Hoa bị quy trách nhiệm gián tiếp khiến nhà Bắc Ngụy nhanh chóng sụp đổ. 7 năm sau, nhà Bắc Ngụy chính thức diệt vong, bị phân chia thành hai thế lực ở phía Đông và phía Tây.
Hồ Sung Hoa thường được so sánh với nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên bởi cả hai đều từng có thời điểm trực tiếp nắm quyền lực, nhưng tài năng và tư chất kém xa rất nhiều, theo Sohu.
Nguồn: http://danviet.vn/thai-hau-trung-hoa-quyen-luc-che-troidam-loan-vo-do-va-ket-cuc-bi-tha...
Thâm cung bí sử