Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Quán caramen nức tiếng Hà Nội ngày bán 3000 hộp của ông bố 6X

Quán caramen nức tiếng Hà Nội ngày bán 3000 hộp của ông bố 6X
Được làm từ 3 nguyên liệu chính là trứng, sữa và cafe, nhưng món caramen ở Hàng Than có độ mịn mượt ngọt béo ngậy. Màu đường caramen được chưng hoàn hảo nên rất đẹp mắt khiến ai cũng ngây ngất.

Người ta bảo nếu đã ăn caramen phố Hàng Than chắc chắn bạn sẽ chẳng tìm được nơi đâu mang lại được món caramen có hương vị tuyệt vời hơn. Quả đúng như vậy bởi chính nhà báo người Úc Mark Lowerson cũng đã từng bị “thôi miên” với món ăn “nhỏ mà có võ” trên con phố trứ danh này.

Ông đã phải viết lên blog cá nhân của mình rằng: “Từ mọi góc nhìn, dường như nó không hề có một chút tì vết, màu vàng óng của kem trứng, màu nâu đỏ của cà phê long lanh dưới ánh nắng mặt trời. Chiếc bánh hình nón cụt này khiến tôi như bị thôi miên…”

Có thể nói, thứ caramen ở đây có độ béo ngậy của trứng gà với sữa, hương vị thơm lừng đó quyện cùng hương cà phê thơm đắng rất vừa phải, đủ để khiến người ta muốn ngây ngất, chìm đắm trong hương vị ấy.

Caramen Hàng Than ngon nổi tiếng Hà Nội.

Con phố Hàng Than có khoảng 4-5 quán biển hiệu "Caramen - hoa quả dầm" nhưng dường như quán caramen của chú Nguyễn Thái Dương có phần hút khách hơn cả trên con phố cổ này bởi danh hiệu “ngon số 1 Hà Thành” mà nhiều bạn trẻ dành tặng. Hàng chục năm nay, quán luôn là địa điểm quen thuộc của bao thế hệ học sinh tụ tập mỗi buổi chiều hè lộng gió để thưởng thức món caramen trứ danh ở đây.

Cảm nhận đầu tiên khi bước vào quán đó là không gian khá rộng rãi, sạch sẽ, thoáng đãng, gần gũi và dân dã. Mặc dù nằm trong lòng phố cổ nhưng diện tích của quán lại khá rộng đủ kê vừa chục chiếc bàn.

Có lẽ vì hương vị khó quên mà nhiều người đã đặt tên cho món ăn này là caramen huyền thoại (quán nhìn từ cửa sổ bên ngoài vào)

Caramen là một món ăn dân dã nhưng lại mang tên gọi Tây, nên những chiếc bàn ghế cũng luôn được chủ quán lưu ý để đáp ứng 2 yêu cầu đó. Và những chiếc bàn gỗ thấp là giải pháp thông minh vừa tạo cảm giác gần gũi, khiến mọi người có thể ngồi quây quần thoải mái, vui vẻ câu chuyện của những ngày hè về, lại vừa mang lại sự sang chảnh mỗi khi muốn “sống ảo”.

Đến đây, thực khách không chỉ được thưởng thức hộp caramen nguyên gốc tuyệt hảo mà còn có thể trải nghiệm sự biến tấu thú vị của nó qua rất nhiều món ăn như: caramen trân châu, caramen nếp cẩm, caramen sữa chua, caramen hoa quả, caramen cốt dừa, caramen thạch, caramen thập cẩm...

Quán có thực đơn phong phú.

Mặc dù bị hấp dẫn bởi thực đơn phong phú với đủ các món liên quan tới caramen nhưng mọi người đừng quên thưởng thức món caramen nguyên bản làm nên thương hiệu cũng như danh xưng số 1 ở đây.

Phải nói, chắc chắn các bạn sẽ bị “thôi miên” giống như nhà báo người Úc Mark Lowerson không chỉ bởi đĩa caramen to núng nính, béo ngậy mà còn bởi hương vị hòa quyện tuyệt vời của trứng, sữa, café tan chảy từ từ trong miệng, điều mà ít nơi khó theo kịp.

Một món ăn dân dã, nhưng lại mang tên gọi rất Tây: “Caramen” này đang dần trở nên phổ biến và trở thành 1 món đồ ăn vặt hấp dẫn cho mùa hè đầy nắng sắp đến.

Lớp bánh mịn, vị thơm, phần nước đường chưng lên không bị đắng ngắt rải đều bánh đủ để người ta phải thòm thèm, vương vấn và nhớ đến. Cầm thìa xúc từng lớp caramen béo ngậy, mịn như kem đưa vào trong miệng rồi nhắm mắt để chìm đắm vào “bản hòa nhạc” của café, trứng, sữa, tận hưởng vị ngọt béo ngậy, thơm nồng của sữa, trứng quyện với vị đắng dịu, thơm của của café khiến ai cũng phải ngất ngây và xuýt xoa.

Caramen ở đây không ngọt và không quá đặc nên sẽ không tạo cảm giác ngấy. Mỗi người đến đây có thể ăn vài hộp mà vẫn thòm thèm.

Ngoài caramen truyền thống mọi người cũng có thể “đổi vị” với những món caramen hiện đại, những món đã được biến tấu để tăng phần hấp dẫn như caramen hoa quả, caramen nếp cẩm hay caramen sữa chua…

Món caramen hoa quả thập cẩm sẽ là một sự lựa chọn thú vị với đủ hương vị thơm mát ngọt của các loại quả, hương vị béo ngậy của caramen và hương vị của nếp cẩm thơm ngon, dẻo quánh hòa trộn với nhau. Tất cả tạo nên "bản hòa tấu" tuyệt hảo khiến ai cũng phải thỏa mãn “cơn thèm” trong những ngày hè oi bức sắp đến.

Những món đã được biến tấu để tăng phần hấp dẫn như caramen hoa quả, caramen nếp cẩm hay caramen sữa chua…

Quán caramen trên con phố Hàng Than của chú Nguyễn Thái Dương mở từ năm 1995 đến nay. 23 năm qua là 23 năm chú phải đánh đổ mồ hôi, nước mắt và bao mẻ bánh để có thể tạo được thương hiệu như ngày hôm nay.

Chú Dương kể, chú sinh năm 1968, đến năm 27 tuổi chú bắt đầu khởi nghiệp bằng nghề hàng ăn mà nhiều người nghĩ chỉ dành cho phụ nữ. Ở thời điểm đó, caramen là một món khá mới lạ nhưng cũng được nhiều cửa hàng kinh doanh nên chú đã quyết định khởi nghiệp bằng món ăn bắt nguồn từ Pháp này.

Quán được mở từ năm 1995.

Mặc dù nguyên liệu làm caramen khá đơn giản chỉ có 3 nguyên liệu chính: trứng, sữa, café nhưng thời gian đầu, gia đình chú phải chật vật vì nó. Vì không có kinh nghiệm nên những mẻ caramen đầu tiên chú đã phải đổ đi rất nhiều. Và để có được tên tuổi như ngày hôm nay, chú bảo đó là một quá trình đầy gian nan.

“Thời gian đầu, tôi chỉ bán caramen, sữa chua. Sau mới làm thêm hoa quả, nếp cẩm, chân châu. Cũng giống như nhiều người, thời gian đầu kinh doanh vắng khách lắm, làm caramen không hiểu sao café với sữa, trứng cứ lẫn lộn vào nhau mà không được tách ra như bây giờ. Mỗi lần đổ đi mất 500 -1 triệu cũng tiếc lắm.

Hồi đó, cứ nghe nhà nào làm caramen ngon, tôi lại bảo con đi mua về ăn thử hay đi đến tận nơi ăn xem họ làm ra sao. Cứ như vậy tôi học làm và ngày càng nâng cao hơn. Khi khách Tây đến ăn nói “ok” là tôi rập khuôn như vậy”, chú Dương chia sẻ.

Mỗi ngày quán bán trung bình 2000-3000 hộp caramen.

Theo chú Dương, nguyên liệu làm caramen ở quán của chú chỉ là sữa tươi, sữa đặc, trứng gà, café được chọn từ những loại ngon nhất, ở hàng ngon nhất. Chính bởi vậy, nhiều thực khách đến ăn thành nghiện, đã ưu ái dành tặng vị trí số 1 cho món caramen của quán.

Hiện nay mỗi ngày, gia đình chú bán khoảng 2000-3000 hộp caramen. Vào những ngày cao điểm, vợ chồng chú lại làm mỏi tay, caramen chưa kịp lạnh đã hết bay. Chú bảo, mặc dù kinh doanh thuận lợi, nhu cầu của khách nhiều nhưng vợ chồng chú vẫn không có sức để làm, phải bỏ nhiều mối hàng đặt ở tỉnh vì công việc bếp núc chỉ có vợ chồng cô chú tự quán xuyến.

“Caramen làm xong phải để 4-5 tiếng trong tủ cho vừa thơm, vừa lạnh. Tuy nhiên, kem để lạnh qua một đêm đến sáng hôm sau là ăn ngon nhất. Với người không ăn được lạnh có thể ăn kem mới nóng cũng khá ngon”, chú Dương cho biết.

Caramen ngon nhất là để qua đêm trong tủ lạnh đến sáng hôm sau.

Gắn bó với quán hơn 20 năm, một tay xây dựng thương hiệu từ thời trai trẻ đến nay đã tuổi ngũ tuần, suốt bao năm qua chú Dương không dám rời quán một ngày. Dù có nhân viên nhưng ngày nào chú cũng phải ra quán bao quát công việc. Chú bảo, caramen không chỉ nuôi sống gia đình mà còn là tình yêu, là tuổi thanh xuân và là niềm tự hào cả cuộc đời này chú không thể quên. 

Con dâu U70 nuôi sống cả gia đình 40 năm với quán bún riêu bưng độc đáo
40 năm tiếp quản quán bún riêu cua của mẹ chồng, cô Nguyễn Thị Liên (66 tuổi, Bát Đàn) khiến mọi người thương nhớ với bát bún riêu cua ngọt, thanh,...
Bấm xem >>

Theo Hồng Nhung - Trung Đức (Khám phá)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây