Nữ điệp viên đẹp mê hoặc với điệu múa thoát y khiến hơn 50.000 quân lính phải bỏ mạng
- Chủ nhật - 03/01/2021 22:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cho đến thời điểm hiện tại, giới sử học vẫn còn tranh cãi xem Mata Hari có thực sự là một điệp viên 2 mang hay chỉ là một nạn nhân của chiến tranh. Nhưng bản thân cô đã trở thành niềm cảm hứng bất tận cho giới nghệ thuật từ đó đến nay.
Là con gái của một người làm trang phục nữ Hà Lan, Margaretha Zelle mang sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành đã thoát khỏi cuộc hôn nhân địa ngục với người chồng đầu tiên của mình sau đó chuyển đến Paris. Tại đây, cô trở thành tình nhân của một vài người đàn ông giàu có. Một trong những tình nhân đề nghị cô trở thành vũ công. Từ đó, cuộc đời cô gái trẻ chuyển sang trang mới, với nghệ danh Mata Hari, nghĩa là “đôi mắt của ban ngày” hay “mặt trời mọc” trong tiếng Mã Lai. Với cái tên mới, Mata Hari viết lại cho mình một tiểu sử mới.
Tận dụng nỗi ám ảnh của châu Âu về vùng Viễn Đông, Mata Hari tự nhận mình là con gái của một vũ công đến từ Ấn Độ, sinh ra tại Java. Mata Hari đã biến vũ điệu thoát y trở thành điệu nhảy vô cùng cuốn hút và quyến rũ, khiến khán giả bị mê hoặc, không thể rời mắt mỗi khi cô xuất hiện trên sân khấu.
Để tránh bị nghi ngờ, Mata Hari tuyên bố những điệu nhảy của mình là các điệu múa tôn giáo được biểu diễn trong các ngôi đền của Java, khiến khán giả thưởng thức chúng như những màn trình diễn mang tính giáo dục. Cô nhanh chóng trở thành tâm điểm của thị trấn, thu hút một lượng lớn người hâm mộ và đi trình diễn tại các thủ đô ở châu Âu.
Là mục tiêu của chiến tranh
Là một người gốc Hà Lan, Mata Hari có thể tự do đi lại và tiếp tục lối sống xa hoa của mình, cũng như duy trì các mối quan hệ với những người đàn ông ở 2 bên chiến tuyến. Khi ở The Hague năm 1915, cô được một nhà ngoại giao Đức tiếp cận. Người này đề nghị cho cô 61.000 USD để cô làm gián điệp cho Đức. Dù đã nhận số tiền này nhưng về sau, Mata Hari nói rằng mình chưa thực hiện bất cứ hoạt động gián điệp nào. Cô lấy tiền để bù lại những vật dụng cá nhân đã bị Đức tịch thu khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu. Trở về Paris, Mata Hari thu hút sự chú ý của Georges Ladoux, lãnh đạo cơ quan phản gián của Pháp. Ông đã giám sát Mata Hari chặt chẽ nhưng không tìm thấy bằng chứng nào về việc cô làm gián điệp.
Năm 1916, khi Mata Hari gần 40 tuổi và sự nghiệp khiêu vũ đang xuống dốc, tình hình tài chính ngày càng cạn kiệt, cô đã yêu sĩ quan Nga Vladimir de Massloff. Khi anh bị thương ở mặt trận, Mata Hari đến Bộ chiến tranh để xin giấy phép đi lại tới thăm anh. Lúc này, các quan chức, trong đó có Ladoux đã yêu cầu cô trở thành điệp viên cho Pháp, đổi lại cô sẽ có một khoản tiền để kết hôn với Massloff. Mata Hari đồng ý nhưng lại sơ ý nói với Ladoux rằng cô đã đồng ý làm gián điệp cho Đức.
Cuối cùng, có vẻ như Mata Hari là một điệp viên không thành công, dù đó là vô tình hay cố ý. Ladoux có lẽ đã hy vọng gài bẫy cô, ông ta không đưa cho cô hướng dẫn về mục tiêu cần nhắm đến. Còn về phần mình, Mata Hari có lẽ không biết về trò chơi nguy hiểm cô đang chơi. Vũ công này không che giấu mối quan hệ của mình với cơ quan phản gián của Ladoux. Cô viết thư, gửi điện tín và thường xuyên đến văn phòng của ông ta để đòi tiền.
Vào tháng 11 năm đó, nhà chức trách Anh bắt giam Mata Hari khi cô đang đi từ Tây Ban Nha sang Hà Lan. Bị tra khảo gắt gao, cô tiết lộ mình được Ladoux thuê. Tuy nhiên, Ladoux đã phản bội cô. Ông ta nói với người Anh rằng mình chỉ thuê cô gái này để triệt phá việc cô là điệp viên Đức. Mata Hari bị trục xuất tới Tây Ban Nha. Tại đây, cô bắt đầu những mối quan hệ tình cảm với các sĩ quan quân đội Đức và Pháp. Khi biết được kế hoạch đổ bộ của Đức tại Maroc từ một trong những tình nhân, Mata Hari đã cố nói cho Ladoux.
Mata Hari không biết rằng Ladoux đang bí mật theo dõi những liên lạc vô tuyến giữa Madrid và Berlin để thu thập bằng chứng làm gián điệp 2 mang của cô. Một số nhà sử học còn tin rằng người Đức vì không hài lòng với công việc của Mata Hari còn cố tình gửi tin nhắn giả mạo khiến cô bị Pháp bắt giữ. Bản gốc của những thông tin liên lạc nói trên đã bị mất. Bằng chứng duy nhất hiện có là các phiên bản do Ladoux dịch, cho nên nhiều người nghi ngờ nó là bịa đặt. Bản thân Ladoux sau đó cũng bị bắt và buộc tội điệp viên 2 mang, nhưng cuối cùng ông ta vẫn được thả ra.
Nhận kết cục đau lòng
Hầu hết các nhà sử học tin rằng việc bắt giữ và truy tố Mata Hari là do Ladoux và các quan chức Pháp cố tình. Năm 1916 là một năm thất bại ê chề của Pháp ở Mặt trận phía Tây, khiến binh lính mất tinh thần, thậm chí là không muốn chiến đấu. Lối sống hào hoa và quá khứ đa tình của Mata Hari khiến cô trở thành mục tiêu dễ dàng, đặc biệt khi so sánh với những phụ nữ Pháp đã hy sinh chồng, con cho chiến tranh.
Mata Hari bị bắt vào tháng 2/1917. Cô bị giam trong điều kiện khắc nghiệt và chỉ được phép gặp luật sư lớn tuổi của mình, một người tình cũ không có kinh nghiệm ở tòa án quân sự. Mata Hari trải qua 4 cuộc thẩm vấn nghiệt ngã từ công tố viên Pierre Bouchardon. Cuối cùng, cô thừa nhận mình đã nhận tiền nhưng không làm gián điệp cho Đức. Việc cô đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn càng khiến vụ án trở nên bất lợi.
Tại phiên tòa xét xử, các công tố viên tuyên bố những thông tin tình báo mà cô cung cấp trực tiếp gây ra cái chết cho khoảng 50.000 nghìn binh sĩ Đồng minh. Tuy nhiên, họ không thể đưa ra bất cứ bằng chứng trực tiếp nào về việc cô làm gián điệp. Thay vào đó, họ liên tục lấy chuyện đời tư để làm bằng chứng cho tính cách thấp kém của cô. Công tố viên Pierre Bouchardon lưu ý rằng: "Việc cô không biết xấu hổ, quen lợi dụng đàn ông chính là kiểu phụ nữ sinh ra để trở thành điệp viên". Một tòa án toàn đàn ông đã kết tội người phụ nữ này chỉ trong vòng 45 phút. Và dù tuyên bố mình vô tội, Mata Hari đã bị xử bắn vào ngày 15/10/1917.
Trong vòng vài tháng sau khi Mata Hari qua đời, cuốn tiểu sử đầu tiên của cô được xuất bản. Kể từ đó, cô trở thành chủ đề của hàng trăm cuốn sách và bài luận. Câu chuyện của người phụ nữ này được đưa vào các vở nhạc kịch, opera, ba lê và là nguồn cảm hứng cho bất kỳ nhân vật nữ nào. Tuy nhiên, các nhà sử học vẫn tiếp tục tranh luận về việc cô có thực sự là một điệp viên 2 mang bí mật hay chỉ là nạn nhân bị cuốn vào vòng xoáy phân biệt giới tính, âm mưu và sự tuyên truyền thời chiến.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nu-diep-vien-dep-me-hoac-voi-dieu-mua-thoat-y-khien-h...