Nhà hàng Hẻm 12 - Nguyễn Huệ: Tìm chút hương xưa
- Thứ năm - 08/02/2018 12:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Anh bạn ở nước ngoài lâu năm về, rủ đi ăn. Anh bảo tôi chọn quán nào chơn chất Sài Gòn một chút.
Dẫn anh đến “Hẻm 12”. Gọi đây là hẻm, là quán hay nhà hàng chắc đều đúng mà không đúng vì thoạt nhìn, nó vừa giống một con hẻm có nhiều quán ăn - như nhiều con hẻm xưa của Sài Gòn – vừa giống một cái quán ăn đặc trưng Sài Gòn hồi đó, còn nếu nhìn kỹ, ngó kỹ thì với quy mô đầu tư và trên dưới 200 chỗ ngồi, nó đích thị là một nhà hàng tầm cỡ, nhất là khi nó lại tọa lạc ở mặt tiền phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay!
“Hẻm 12” được thiết kế như… cái hẻm. Đầu hẻm là hàng hiên của khách sạn vô cùng quen thuộc Continental với mái dù uốn cong và bàn ghế mây dành cho khách thượng lưu ghé uống cà phê mỗi sáng, vào hẻm là quán xá hai bên với bàn ghế, xe phở, tiệm chè, bàn lớn, bàn nhỏ, ghế cao, ghế thấp đủ kiểu, có vẻ lộn xộn, nhưng thực tế là được sắp xếp một cách có chủ đích để tái hiện lại không gian hẻm Sài Gòn...
Anh bạn tôi há miệng, ngạc nhiên. Có một chút thẫn thờ trong mắt. Nhìn mấy cái ghế đẩu mặt vuông chân cao, tôi biết, anh nhớ quán cà phê có mấy ông già hay ngồi uống cà phê vợt, đọc báo hồi đó; có ông lấy bánh giò chéo quẩy chấm cà phê đen hoặc cà phê sữa nóng – món ăn sáng khoái khẩu của không ít người lao động ngày xưa.
Vào bàn, tôi thấy anh tần ngần xoay trong tay lon sữa guigoz (dĩ nhiên chỉ là sản phẩm làm lại) dùng để muỗng đũa. Nhà tôi hồi đó nghèo, đâu có tiền mua sữa guigoz nên ba tôi thỉnh thoảng lại đi xin mấy cái lon sữa guigoz về đóng đinh treo bên hông gạc-măng-rê làm ống đựng muỗng đũa hay dỡ cơm cho tôi đi học, cho anh chị tôi đi làm thay cho cái gà-mên (mà người Bắc hay gọi là cái cặp lồng) khá mắc tiền. Tôi nhớ má tôi hay kể hồi xưa có nhà còn dùng lon guigoz để đựng vàng. Những miếng vàng lá Kim Thành hiệu 3 trái núi được xếp đứng trong lon rồi cất kỹ vào tủ để phòng thân (nghe kể mắc ham vậy đó!).
Vào sâu hơn một chút, thấy các cánh cửa đi, cửa sổ giả lập kiểu gỗ lá sách, ở trong nhìn ra được, còn ở ngoài không thể thấy bên trong. Tên một số quán ăn xưa được mô phỏng bằng kiểu chữ cũng rất xưa, trên vách quán là những bích chương quảng cáo một thời người Sài Gòn đi đâu cũng có thể thấy. Bước lên tầng trên, cũng là khung cảnh xưa, nhưng theo một mô-típ khác, lung linh, sang trọng hơn, kiểu như sân vườn nhà giàu xưa, thích hợp cho những nhóm khách muốn có chút không gian riêng, tương đối yên tĩnh…
Ngồi ở quán có thể kêu các món ăn cũng quen thuộc như không gian của quán: bánh bèo, bánh cuốn, bò bía, cháo lòng, bún nước lèo, bánh canh bột xắt, bò nướng mỡ chài, bánh mì hấp mỡ hành, cơm tấm, phá lấu bò, chè thưng, bánh chuối hấp, chè bắp, chè đậu…
Khi món ăn dọn ra, anh bạn tôi một lần nữa tần ngần. Nhìn chén đĩa đựng thức ăn, anh nói anh nhớ cái sóng chén của bà già. Cũng màu sắc vầy, hoa văn y vầy.
Nghe nói nhà hàng phải đi kiếm, đi hỏi nhiều người cố cựu để tìm cho ra chén dĩa mà hồi xưa nhà nào cũng hay dùng rồi mang mẫu lên đặt mấy lò gốm ở Lái Thiêu, Bình Dương làm lại cho giống!
Ngồi trong quán, cảnh trí được bày biện theo cách tái hiện không gian nhà, không gian hẻm Sài Gòn của thập niên 60-70 thế kỷ trước, thực khách như anh bạn tôi đúng là được trở về thời quá vãng. Gắp một miếng thức ăn nghe mùi vị xưa, nhắp chút bia trong tiếng hát nhè nhẹ của những giọng ca vang bóng một thời, khách như sống lại với những miền ký ức xa vắng...
Ở Hẻm 12 không chỉ có món ngon đường phố của Sài Gòn. Phở Tư Đạt hương vị Bắc chân nguyên vốn nổi danh ở Hà Nội; Bé Chè (nổi tiếng và có từ năm 1968 ở chợ Bến Thành)… cũng có mặt. Và đặc biệt, còn có một biểu tượng khó quên là Long chef. Là một người nổi tiếng trong giới ẩm thực, được phong là “Siêu đầu bếp” món Việt, anh Đỗ Quang Long (tên thật của Long chef) hiện là Phó Giám đốc SATRA F&B phụ trách ẩm thực, là linh hồn của bếp Hẻm 12.
Bỏ nghề thợ bạc để theo ông anh làm nghề bếp đã 33 năm, có thể gọi Đỗ Quang Long là chuyên gia về món Việt, chủ yếu là món miền Nam. Anh sở hữu nhiều giải thưởng trong và ngoài nước bằng cái nghề chiên xào, nấu nướng của mình. Anh gần như là người đi đầu, cải tiến và đưa các món dân dã vào thực đơn của các nhà hàng lớn rồi ra thế giới với mong mỏi đưa những món ăn truyền thống quê hương đi xa hơn, với tầm cao hơn.
Mọi chi tiết liên hệ TẠI ĐÂY
- Địa chỉ: Nhà hàng Hẻm 12, số 12 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
- Giờ mở cửa: từ 7 giờ đến 22 giờ hàng ngày
- Hotline: 028.3821 8119
- Facebook: www.facebook.com/NhaHangHem12/