Nguyên mẫu phim "Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7": Ngồi tù oan 15 năm không được bồi thường
- Thứ ba - 30/03/2021 21:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm 2013, đạo diễn Lee Hwan-kyung của Hàn Quốc đã cho ra mắt bộ phim "Miracle in Cell No.7" (Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7). Bộ phim cảm động kể về một người đàn ông có vấn đề về tâm thần đang một mình nuôi dưỡng cô con gái 6 tuổi thì bất ngờ vướng vào một vụ án cưỡng hiếp và sát hại con gái của giám đốc sở cảnh sát. Kết quả, người đàn ông bị kết tội oan và nhận án tử hình. Sau này, con gái của ông đã trở thành một luật sư, cùng với những người bạn mà ông từng kết bạn trong tù, lật lại vụ án và giải oan cho ông.
Bộ phim "Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7" đã lấy nước mắt của rất nhiều người, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn nhiều nước khác. Sau 52 ngày công chiếu, doanh số của bộ phim đạt 12,32 triệu USD, trở thành bộ phim Hàn Quốc có doanh số cao thứ 5 mọi thời đại.
Bộ phim "Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7" của Hàn Quốc.
Thế nhưng không phải ai cũng biết rằng bộ phim "Điều kỳ diệu ở phòng giam số 7" được lấy nguyên mẫu từ một câu chuyện có thật. Một người đàn ông có tên Jeong Won-seop đã bị kết án oan và phải ngồi tù suốt 15 năm, khiến cuộc đời ông hoàn toàn bị phá hủy. Sau này, ông được giải oan ở tuổi 74 nhưng không hề nhận được bất cứ khoản bồi thường nào.
Vụ án xảy ra vào năm 1972. Khi đó, một bé gái 9 tuổi được tìm thấy đã tử vong trên một cánh đồng ở thành phố Chuncheon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Bé gái này được cho là đã chết sau khi rời nhà để tới một cửa hàng truyện tranh, trong túi quần vẫn còn một tấm thẻ của cửa hàng này. Không những thế, nạn nhân còn là con gái của một cảnh sát cấp cao ở thành phố Chuncheon. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân đã bị xâm hại và bạo hành đến chết.
Ngay sau đó, ông Jeong Won-seop, khi đó 34 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ chỉ vì ông là chủ của cửa hàng truyện tranh. Ông Jeong Won-seop đã bị cáo buộc tội xâm hại trẻ em, sau đó sát hại nạn nhân. Mặc dù ông Jeong Won-seop đã một mực phủ nhận các cáo buộc nhưng mọi kháng cáo của ông đều bị từ chối bởi tòa án cấp cao hơn.
Ông Jeong Won-seop.
Sau đó, ông Jeong Won-seop tiếp tục tuyên bố rằng mình đã bị nhân viên cảnh sát tra tấn, ép nhận tội và ngụy tạo bằng chứng nhưng vẫn bị tòa án tối cao bác bỏ. Thời điểm đó, ông Jeong Won-seop tin chắc rằng quyền lực và các mối quan hệ của bố nạn nhân đã khiến vụ án đi sai hướng nhưng không thể làm gì được.
Năm 1973, ông Jeong Won-seop bị kết án tù chung thân. Ông phải thụ án 15 năm tại nhà tù thành phố Chuncheon và được ân xá vào tháng 12/1987 nhờ cải tạo tốt. Mặc dù được ra tù sớm nhưng ông Jeong Won-seop cảm thấy cuộc đời mình đã kết thúc tại đó. Vụ án của ông đã khiến bố ông qua đời vì quá sốc, người vợ tử vong trong một tai nạn giao thông, gia đình hoàn toàn tan vỡ.
Năm 1988, ông Jeong Won-seop chuyển đến sống tại tỉnh Jeolla Bắc, trở thành một mục sư và làm việc cho các nhà thờ kể từ đó.
Để giải tỏa nỗi án oan và sự bất bình chất chứa trong lòng nhiều năm, vào năm 1999, ông Jeong Won-seop quyết định đệ đơn lên Tòa án Tối cao Seoul yêu cầu xét xử lại vụ án nhưng đơn thỉnh cầu đã bị từ chối vào tháng 10/2001. Ông tiếp tục yêu cầu sự giúp đỡ từ Ủy ban Sự thật và Hòa giải vào năm 2005 nhưng phải đến tận tháng 12/2007, vụ việc mới được xem xét lại.
Tháng 6/2008, ông Jeong Won-seop gặp lại viên cảnh sát từng phụ trách điều tra vụ án của mình tại tòa án. Khi đó, cả hai đều đã 70 tuổi nhưng sự căng thẳng và nỗi uất ức giữa họ vẫn chất chồng.
Ông Jeong Won-seop được giải oan sau 36 năm.
Tháng 11/2018, Ủy ban Sự thật và Hòa giải đã tuyên bố vụ án của ông Jeong Won-seop vào năm 1972 là vi phạm nhân quyền bằng cách tống tiền thú nhận sai thông qua tra tấn. Tòa án thành phố Chuncheon cho rằng rất có thể tất cả các nhân viên cảnh sát năm ấy đã đe dọa và tra tấn ông Jeong Won-seop khi đang điều tra, và những bằng chứng thu được thông qua thủ tục trái pháp luật như vậy sẽ không được chấp nhận. Thẩm phán phụ trách vụ án năm xưa đã phải cúi đầu xin lỗi ông Jeong Won-seop.
Cuối cùng, ông Jeong Won-seop đã được giải oan sau 36 năm chịu điều tiếng là tội phạm tình dục và giết người. Khi đó, ông Jeong Won-seop đã rơi nước mắt. Ông nói thêm rằng những sĩ quan từng kết án oan cho mình đều được khen thưởng và thăng chức dù sai phạm, tuy nhiên sau này, ông vẫn quyết định tha thứ cho họ.
Sau đó, ông Jeong Won-seop cũng quyết định nộp đơn kiện để được bồi thường, tuy nhiên không hề nhận được bất cứ khoản tiền nào. Ông từng nhận được phán quyết bồi thường 2,3 tỷ won (gần 47 tỷ đồng) vào năm 2011 nhưng sau đó lại bị bác bỏ với lý do đã hết thời hiệu 10 năm.
Sau này, ông Jeong Won-seop vẫn sống tại tỉnh Jeolla Bắc nhưng luôn nhớ về quê hương Chuncheon, nơi ông sinh ra và lớn lên, cũng là nơi để lại cho ông nhiều ký ức đau thương. "Tôi sẽ trở lại Chuncheon vào một ngày nào đó và muốn được chôn cất ở đây", ông Jeong Won-seop chia sẻ.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nguyen-mau-phim-dieu-ky-dieu-o-phong-giam-so-7-ngoi-t...