Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Người phụ nữ khiến ông vua đa tình Càn Long thương nhớ suốt một đời

Người phụ nữ khiến ông vua đa tình Càn Long thương nhớ suốt một đời
Được hậu thế gọi là “phong lưu thiên tử” nhưng Càn Long lại luôn yêu thương, dành tấm chân tình hiếm có cho Hiếu Hiền hoàng hậu, còn để bà cùng tùy táng với mình.

Càn Long là vị hoàng đế anh minh nổi tiếng trong số các vị vua triều Thanh. Trong suốt thời gian 60 năm trị vì, ông đã thực thi nhiều chính sách hợp lý giúp kinh tế phát triển thịnh vượng. Vào thời này, lãnh thổ nhà Thanh kéo dài đến châu thổ sông Y Lê và Tân Cương, lãnh thổ Trung Quốc mở rộng đến tối đa khoảng 14.000.000 km², so với 9.600.000 km² hiện tại.

Tranh vẽ hoàng đế Càn Long.

Ngoài tài năng lãnh đạo, Hoàng đế Càn Long còn nổi tiếng là ông vua đa tình bậc nhất. Theo nhiều ghi chép, ông lập tới 3 hoàng hậu, có hơn 40 bà phi chưa kể hàng trăm quý nhân khác. Trong số các hoàng hậu có 2 người là được sắc phong khi còn sống, người còn lại là mẹ hoàng đế Gia Khánh được truy phong. Nhưng trong địa cung của Dụ Lăng chỉ có 2 vị hoàng hậu được tùy táng theo Càn Long và người đầu tiên chính là Phú Sát Thị, người được Càn Long dành cho một tình yêu đặc biệt, một vị trí tôn trọng trong trái tim của bậc đế vương.

Nhân vật vua Càn Long và Phú Sát hoàng hậu trong phim Diên Hi Công Lược.

Theo lịch sử, Phú Sát hoàng hậu hay còn gọi là Hiếu Hiền hoàng hậu xuất thân từ danh tộc Phú Sát Thị ở Sa Tế, thuộc Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ. Ông nội, cha, bác của bà đều được nhiều đời hoàng đế tín nhiệm trọng dụng.

Năm 16 tuổi, khi tham gia bát kỳ tuyển tú, Phú Sát Thị được chọn làm phúc tấn của tứ hoàng tử Hoằng Lịch, chính là vua Càn Long sau này. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Càn Long đã lập Phú Sát Thị làm chính cung hoàng hậu. Bà được ca ngợi là sở hữu dung mạo xinh đẹp, tính nết dịu dàng, đoan trang trầm tĩnh. Không chỉ là vợ, bà còn là người bạn tri kỷ của hoàng đế Càn Long. Bà cùng ông ngâm thơ, vẽ tranh, du ngoạn, chơi đàn… Bà luôn kiên nhẫn lắng nghe tâm tư của vua, hiểu được ông nghĩ gì, tận tâm giúp ông hoàn thành mong muốn, cùng ông chia sẻ những vui buồn, phiền muộn.

Là bậc mẫu nghi thiên hạ nhưng Phú Sát hoàng hậu rất hiền hòa, khiêm nhường, tuân thủ nghiêm ngặt các nghi lễ truyền thống trong cung. Trời phú cho bà tính tình giản dị, không cầu kỳ xa hoa. Thường ngày bà không thích đeo vàng bạc lấp lánh, chỉ dùng thông cỏ làm ra trang sức cho mình.

Đối với mẫu thân của Càn Long – Hoàng thái hậu Nữu Hỗ Lộc Thị, bà hết mực cung kính, chăm sóc như mẹ đẻ. Vì thế thái hậu yêu mến đến mức không ngớt khen bà hiếu thuận, lúc nào cũng muốn con dâu ở bên cạnh mình.

Khi chủ trì nội cung, bà lấy đức thu phục nhân tâm, đối với người hậu kẻ hạ luôn yêu thương, công bằng. Chính vì có người vợ đoan trang, đức hạnh nên Càn Long có thể chuyên tâm lo việc triều chính. Để ghi nhận công lao, Càn Long còn xưng hiệu cho bà là: “Cổ kim hiền hậu”.

Tuy nhiên, Phú Sát Thị lại gặp quá nhiều bất hạnh về đường con cái. Con gái đầu lòng của bà mất khi mới 2 tuổi. Ít lâu sau bà sinh được Vĩnh Liễn, vị hoàng tử được Càn Long hết mực yêu thương, kỳ vọng. Ông từng khen con trai “Thông minh xuất chúng, khí chất bất phàm” và có ý định sau này cho kế thừa hoàng vị. Bất hạnh thay, năm 9 tuổi Vĩnh Liễn mắc phải bệnh phong hàn mà qua đời khiến cho hoàng hậu và vua cha vô cùng đau xót.

Ba năm sau Phú Sát hoàng hậu hạ sinh hoàng tử Vĩnh Tông, Càn Long cũng dự định lập Vĩnh Tông là hoàng thái tử. Không ngờ vừa đầy 2 tuổi tiểu hoàng tử lại chết yểu vì bệnh đậu mùa. Việc liên tiếp mất con là cú sốc quá lớn khiến sức khỏe Hiếu Hiền hoàng hậu ngày càng suy giảm. Sau này trong một lần theo Càn Long đi tuần thú phía đông bà đã mắc cảm phong hàn, cuối cùng bệnh nặng qua đời.

Hoàng hậu qua đời, không chỉ bách tính khóc thương mà hoàng đế cũng vô cùng đau đớn. Ông không cho phép các phi tần khác đến và ở lại cung của hoàng hậu. Những vật dụng gắn bó với bà lúc sinh thời được giữ gìn nguyên vẹn. Hằng năm, Càn Long đều đến ngắm nhìn những kỷ vật này để tưởng nhớ tới người vợ mà mình hết mực thương yêu.

Ông cũng dùng hai chữ “Hiếu Hiền” vốn là mong ước lúc sinh thời của Phú Sát Thị để đặt tên thụy cho bà. Thụy hiệu này cũng đã khắc họa được tính cách con người của hoàng hậu. Trong suốt 4 năm linh cữu của bà được đặt trong địa cung của Dụ Lăng, vua Càn Long từng đến tế lễ cho bà hơn 100 lần, trong đó nhiều lần vừa uống rượu làm thơ bên mộ bà. Cả đời Càn Long viết hơn 4 vạn bài thơ, nhưng chính thức lưu truyền cho hậu thế chỉ hơn 100 bài, đều là vì nhớ thương Phú Sát hoàng hậu mà làm. Hai người kết nghĩa phu thê 22 năm nhưng lại khiến Càn Long thương nhớ suốt 51 năm.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nguoi-phu-nu-khien-ong-vua-da-tinh-can-long-thuong-nho-suot-...Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nguoi-phu-nu-khien-ong-vua-da-tinh-can-long-thuong-nho-suot-mot-doi-a495385.html

Kết cục đáng sợ của phi tần, mỹ nữ khi Hoàng đế qua đời, nghe gọi tên là "run rẩy"
Hủ tục tuẫn táng đáng sợ và tàn nhẫn khiến người đời sau đọc lại vẫn cảm giác run lẩy bẩy.
Bấm xem >>
Theo Minh Hoa (Người đưa tin)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây