Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Người phụ nữ giả làm y tá, 9 năm chăm sóc người mẹ từng bỏ rơi mình

Người phụ nữ giả làm y tá, 9 năm chăm sóc người mẹ từng bỏ rơi mình
Dành 9 năm để chăm sóc người mẹ đã từng bỏ rơi mình, người phụ nữ này vẫn không hề hé lộ nửa lời về thân phận thật của mình cho đến tận lúc người mẹ sắp qua đời.

Bà Phyllis Whitsell, 62 tuổi, lớn lên trong một trại trẻ mồ côi ở thành phố Birmingham, nước Anh. Mặc dù được các nữ tu trong trại trẻ mồ côi nói rằng bố mẹ đã qua đời từ rất sớm nhưng bà Phyllis không bao giờ tin điều đó là thật và luôn luôn mong muốn gặp lại người mẹ ruột của mình.

Năm 4 tuổi, Phyllis được một gia đình ở vùng ngoại ô Erdington nhận nuôi. "Sâu trong lòng tôi nghĩ rằng mẹ ruột của tôi vẫn đang sống ở đâu đó và có chuyện không ổn xảy ra với bà ấy. Không người mẹ nào lại đem cho con mình làm con nuôi, trừ khi người ấy có vấn đề", bà Phyllis chia sẻ.

Bà Phyllis.

Gia đình nhận nuôi bà Phyllis vô cùng tốt và bà cũng cố hết sức để hòa nhập, nhưng dù cố gắng thế nào, bà vẫn cảm nhận được sự khác biệt của mình so với các anh chị khác trong nhà. Năm 1981, khi bà Phyllis 25 tuổi, bà quyết định rằng phải đi tìm sự thật về người mẹ của mình. Bà Phyllis quay trở lại Birmingham và làm y tá tại đây. Bà đã kết hôn, sinh con và khi trở thành một người mẹ, mọi thứ càng thôi thúc bà đi tìm mẹ ruột của mình.

Đầu tiên, bà Phyllis tìm lại trại trẻ mồ côi, nơi mình đã sống 4 năm đầu đời. Tại đó, bà biết được một sự thật khá buồn rằng mẹ mình là một người phụ nữ đến từ Ireland với một cuộc đời bất hạnh, có tên Bridget Mary Larkin, hay còn được gọi là Tipperary Mary.

Cuộc đời của bà Bridget là một tấn đau khổ và bi kịch. Sau khi bị chính anh trai mình bạo hành, bà đã chạy trốn đến thành ohố Coventry, Anh. Tại đây, bà gặp phải chứng nghiện rượu nghiêm trọng sau những lần tìm đến rượu để giải tỏa áp lực cuộc sống. Bà có 5 đứa con với 5 người đàn ông khác nhau nhưng đều không biết bố của chúng là ai và tất cả 5 đứa trẻ đều được cho nhận nuôi. 

Bà Phyllis thời trẻ.

Quay trở lại năm 1956, bà Bridget khi đó 28 tuổi, đã cố gắng nuôi dạy cô con gái Phyllis nhưng sau một lần say xỉn tại quán rượu, bà quyết định bỏ lại con mình tại trại mồ côi vì biết bản thân không thể cho con một cuộc sống bình thường được. Bà Bridget cũng đến trại trẻ mồ côi thăm con gái vài lần nhưng lần nào cũng trong tình trạng say rượu.

"Ngay cả khi gặp vấn đề, bà ấy vẫn quan tâm đến tôi vì nhận ra rằng bà ấy không thể nuôi dạy tôi đúng cách và không thể giữ cho tôi an toàn. Vì vậy, bà ấy đã trao tôi cho người khác để tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn, thay vì chờ đợi tôi bị tước khỏi bà ấy", bà Phyllis chia sẻ.

Bất chấp những điều đau buồn này, bà Phyllis vẫn cố gắng đi tìm mẹ mình. Bà đã tìm được một nhân viên quản chế và được người này báo một tin còn buồn hơn: Bà Bridget đã gặp rắc rối suốt nhiều năm qua vì những cuộc ẩu đả và hành vi gây rối trong lúc say rượu. Khi đó bà Bridget 52 tuổi, vẫn sống trong một ngôi nhà tồi tàn ở khu phố đèn đỏ cũ của thành phố Birmingham. Người ta đặt cho bà cái biệt danh là "Tipperary Mary già điên" và luôn chán ghét hành động la hét vào mặt người khác trên phố của bà.

Nhân viên quản chế kia đã khuyên bà Phyllis không nên liên lạc với bà Bridget vì nó có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai của mình. Bà Phyllis vẫn quyết tâm gặp mẹ nhưng sẽ dời lại vài tháng cho đến khi sinh con thành công và khỏe mạnh.

Bà Bridget bị nghiện rượu hầu hết thời gian trong cuộc đời.

Khi ôm đứa con trai nhỏ trên tay, bà Phyllis mới càng hiểu rõ mẹ mình chắc chắn đã rất đau khổ khi phải từ bỏ đứa con mình vừa sinh ra. Bà Phyllis nói: "Tôi tràn ngập tình yêu với con trai mình và nhận ra nó hoàn toàn phụ thuộc vào tôi. Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình là một y tá, có thể chăm sóc rất nhiều người thì tại sao không thể chăm sóc mẹ mình. Khi biết bà ấy bị ốm, tôi bắt đầu lo lắng mình không còn nhiều thời gian để gặp bà ấy".

Chỉ 2 tháng sau sinh, bà Phyllis đã lái xe tới gặp trực tiếp mẹ ruột của mình. Mặc bộ đồng phục y tá, bà gõ cửa căn nhà cũ nát. Khi không thấy tiếng ai trả lời, bà quyết định đẩy cửa đi vào và lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ, bà Phyllis nhìn thấy mẹ mình đang ngồi ở đầu cầu thang. Dù đã được thông báo trước về tình trạng của bà Bridget, bà Phyllis vẫn vô cùng sốc. Bà thấy mẹ mình đang ở trong tình trạng tồi tệ với khuôn mặt sưng tấy, nhiều vết bầm tím do đánh nhau hoặc bị ngã, mái tóc đã bạc nửa đầu.

Khi nhìn thấy bà Phyllis mặc đồng phục y tá đi vào nhà mình, bà Bridget không hề tỏ ra lo lắng người phụ nữ này là ai hay đang làm gì ở đây, nhưng dường như cảm thấy nhẹ nhõm vì thoát khỏi cuộc sống cô đơn của mình. Bà Bridget bắt đầu nói lan man, vẫn bán tín bán nghi, sau đó nói về "một đứa trẻ đáng yêu mà mình phải cho đi". Bà Phyllis nhận ra đó chính là câu chuyện của mình.

"Tim tôi đập thình thịch khi bà ấy bắt đầu nói về tôi. Bà ấy biết ngày sinh của tôi và biết tên trại trẻ mồ côi. Tôi nghe bà ấy nói chuyện trong khoảng nửa giờ và choáng ngợp bởi tất cả. Tôi hứa sẽ quay lại gặp bà ấy và trước khi tôi rời đi, bà ấy đưa tay vuốt một sợi tóc khỏi mắt tôi một cách dịu dàng, giống như một người mẹ làm với con gái mình. Tôi muốn nói: "Con đây, mẹ ơi. Là con", nhưng có điều gì đó đã kìm hãm tôi lại", bà Phyllis nhớ lại.

Khi đã qua đời, bà Bridget vẫn không hề biết nữ y tá chăm sóc mình suốt 9 năm cuối đời chính là con gái ruột.

Sau đó, bà Phyllis quyết định xin thêm trường hợp của bà Bridget vào đợt điều dưỡng hàng tuần của mình, như thể những bệnh nhân bình thường khác. Bà Phyllis cũng phải tự bỏ tiền lương của mình ra để được chăm sóc mẹ 2h mỗi ngày cũng như dành vài buổi tối trong tuần để ngủ với bà Bridget vì biết bà thường hay gặp ác mộng trong quá khứ.

"Thỉnh thoảng tôi băng bó vết thương cho bà ấy, đôi khi chỉ là ngồi nghe bà ấy nói chuyện. Chúng tôi cùng nhau đi ăn cá và khoai tây chiên hoặc đi dạo nhưng tôi vẫn giữ bí mật của mình. Chúng tôi đã có những khoảnh khắc đặc biệt bên nhau mặc dù bà ấy thường xuyên say xỉn và không nhớ tôi là ai. Tôi rất lo lắng cho bà ấy, có lúc tỉnh dậy giữa đêm vì không biết bà ấy có ổn không

Bà ấy đã quan tâm tôi bằng cách rời bỏ tôi, giờ đây đến lượt tôi quan tâm bà ấy. Tôi chưa bao giờ phán xét bà ấy. Với tôi, bà ấy là nạn nhân của chứng nghiện rượu và bà ấy không hề có cơ hội", bà Phyllis chia sẻ.

Suốt 9 năm trời từ năm 1981-1990, bà Phyllis luôn giả làm y tá để ở bên mẹ mình mà không nói ra thân phận thật, cho đến tận khi bà Bridget bắt đầu gặp phải chứng mất trí nhớ ở người già. Khi sức khỏe của bà Bridget ngày càng yếu đi, Phyllis nhận ra rằng nếu bây giờ không nói ra sự thật, bà sẽ không còn cơ hội nữa. 

Cuốn sách bà Phyllis viết dành cho mẹ.

"Tôi nắm tay bà ấy và nói cho bà ấy biết tôi là ai, những lời mà tôi đã kìm nén rất lâu, nhưng tôi nhận ra rằng mọi thứ đã quá muộn. Chứng mất trí nhớ của bà ấy tồi tệ đến mức bà ấy chỉ nhìn tôi với khuôn mặt hoàn toàn trống rỗng. Điều đó khiến trái tim tôi tan nát và tôi tự dằn vặt đáng lẽ nên nói ra mọi chuyện sớm hơn", bà Phyllis nói.

Khi bà Bridget qua đời ở tuổi 62, cô con gái Phyllis là một trong số rất ít những người tham dự đám tang. "Đến cuối cùng, tôi cảm thấy may mắn vì đã biết được mẹ mình là ai. Đó là một đặc ân", bà Phyllis chia sẻ.

Giờ đây khi đã già, bà Phyllis vẫn luôn nói rằng bà chưa từng trách mẹ mình vì đã bỏ rơi con gái: "Tôi muốn kể câu chuyện mẹ tôi là ai trước khi cuộc sống quá khó khăn với bà. Không ai lựa chọn cuộc sống đó. Tôi biết có những lý do khiến bà tìm đến rượu và sống một cuộc đời cô đơn, buồn bã như vậy. Rất dễ để phán xét ai đó khi thấy họ nghiện ngập nhưng đó chỉ là một khía cạnh của cuộc sống".

Sau này, bà Phyllis cũng cho xuất bản một cuốn sách có tên "A Song For Bridget" để tri ân người mẹ của mình. 

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nguoi-phu-nu-gia-lam-y-ta-9-nam-cham-soc-nguoi-me-tun...Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nguoi-phu-nu-gia-lam-y-ta-9-nam-cham-soc-nguoi-me-tung-bo-roi-minh-d253095.html

Nữ đại gia đổi đời sau khi giật chồng người, sinh con cho tỷ phú rồi làm mẹ đơn thân
Trải qua tình trường rắc rối và nhiều trắc trở, giờ đây nữ đại gia Đặng Văn Địch là một người mẹ đơn thân nuôi 2 cô con gái nhưng vô cùng hạnh phúc,...
Bấm xem >>
Theo Khánh Hằng (thoidaiplus.giadinh.net.vn)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây