Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Người mẹ cõng bao đồ to gấp đôi người, một tay bế con về quê ăn Tết giờ ra sao?

Người mẹ cõng bao đồ to gấp đôi người, một tay bế con về quê ăn Tết giờ ra sao?
Sự mạnh mẽ của người mẹ, ánh mắt kiên cường nhưng vẫn chứa đầy sự dịu dàng và bảo vệ dành cho con mình đã khiến bức ảnh nổi tiếng suốt nhiều năm, đặc biệt là mỗi dịp Tết sum vầy.

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất đối với người Trung Quốc mỗi năm, do đó bất cứ ai đang ở xa quê đều muốn về nhà để sum vầy, đoàn tụ bên gia đình. Cứ mỗi dịp Tết, Trung Quốc lại diễn ra cuộc "Xuân vận" hay còn gọi là "đại di cư" khi hàng triệu người đổ xô về quê ăn Tết, khiến các sân ga, sân bay và các tuyến đường đều chật cứng. Cũng trong hoàn cảnh đó, rất nhiều câu chuyện cuộc đời đã được hé lộ, một trong số đó là câu chuyện của 2 mẹ con dưới đây.

Vài dịp Tết năm 2010, nhiếp ảnh gia Zhou Ke của hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã chụp được một bức ảnh hết sức đặc biệt bên ngoài nhà ga Nam Xương, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Bức ảnh được đặt tên là: "Mẹ sẽ đưa con về nhà", đã được đăng tải trên 50 tờ báo khắp cả nước và xuất hiện trên một số cổng thông tin lớn như xinhuanet.com và people.cn.

Bức ảnh "Mẹ sẽ đưa con về nhà".

Trong bức ảnh, một người phụ nữ đang đi bộ trên đường với một bao tải đồ vô cùng nặng, to và cao gấp đôi người trên lưng. Một tay cô cầm một chiếc balo căng phồng đồ, một tay còn lại bế đứa con còn rất nhỏ. Trong thời tiết giá lạnh ngày cuối năm, khuôn mặt người mẹ đã ửng hồng lên nhưng vẫn cố gắng cõng đồ và bế con vào nhà ga để tìm được một suất vé về quê. Hoàn cảnh của người mẹ vô cùng khó khăn nhưng ánh mắt cô lại vô cùng mạnh mẽ, cương nghị.

Bức ảnh đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và suốt nhiều năm qua, nó đã trở thành một biểu tượng của dịp "Xuân vận". 

Người mẹ sau 11 năm.

Nhiếp ảnh gia Zhou Ke kể lại ngày hôm đó, anh đang chuẩn bị rời đi thì bất ngờ bắt gặp người mẹ đang bế con. Vì quá ấn tượng, anh lập tức cúi xuống, giơ máy ảnh lên chụp. Zhou Ke muốn hỏi tên người mẹ nhưng không kịp vì cô đã vội vã bước vào nhà ga. Anh Zhou Ke chia sẻ trên tờ Global Times: "Hai mẹ con đã ở trong tâm trí tôi suốt 8 năm qua và tôi liên tục tìm kiếm họ, nhưng đáng tiếc là không tìm được. Tôi nghĩ bức ảnh này là lời giải thích rõ nhất cho câu nói: Ngay cả một phụ nữ yếu đuối cũng có thể trở nên mạnh mẽ sau khi trở thành một người mẹ".

Bức ảnh trên cũng gây được tiếng vang cho anh Zhou Ke, giúp anh đoạt giải nhiếp ảnh hàng đầu trong China News Awards năm 2010. Năm 2011, bức ảnh đã giành được Giải Vàng Nhiếp ảnh Báo chí Trung Quốc hàng năm và Giải thưởng Báo chí Trung Quốc lần thứ 21.

Cô Bamu trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Di.

Anh Zhou Ke nói thêm: "Mỗi lần đi làm dịp Tết, tôi đều nghĩ về 2 mẹ con họ. Tôi chỉ muốn biết bây giờ họ thế nào. Họ có còn phải đi lại giữa nơi làm việc và quê hương hay không? Tôi thực sự muốn liên lạc với họ và chụp lại ảnh họ. Tôi luôn cảm thấy đây là một câu chuyện chưa hoàn thành và cảm giác đó càng mạnh mẽ hơn khi tôi lên chức bố".

Cô Lou Meng, một người mẹ sống tại Bắc Kinh, chia sẻ cảm xúc sau khi xem bức ảnh: "Tôi rất đau lòng sau khi nhìn thấy người mẹ đang gặp nhiều khó khăn này".

11 năm sau ngày bức ảnh được công bố, nhiếp ảnh gia Zhou Ke cuối cùng đã tìm được người mẹ năm xưa. Cô là Bamu Yubumu, hiện 32 tuổi, người dân tộc Di. Cô sống tại làng Taoyuan, thị trấn Wayan, huyện Việt Tây, châu tự trị Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. 

Ngôi nhà cũ và mới của cô Bamu.

Gặp lại Bamu Yubumu sau 11 năm nhưng dấu vết và thăng trầm thời gian dường như không ảnh hưởng đến cô. Vẫn là kiểu búi tóc cao, đôi mắt to sáng, chỉ hơi gầy so với trước, cô Bamu đang ngồi trước một ngôi nhà mới xây khá kiên cố. "Sống trong ngôi nhà này, mưa to gió lớn cũng không thể lọt vào trong được, tôi đã nhiều lần mơ ước điều này từ khi còn nhỏ", cô nói.

Cô Bamu sinh ra trong một gia đình nghèo, suốt 30 năm ở trong ngôi nhà bằng gạch trên sườn núi. Sau khi kết hôn, cô chuyển xuống sống tại chân núi nhưng điều duy nhất thay đổi là độ cao, còn ngôi nhà gạch vẫn vậy. 

Bước vào ngôi nhà cũ của cô Bamu, phóng viên nhận thấy cánh cửa làm bằng vài tấm gỗ, giường gỗ đơn sơ, chăn nệm đều đã rách. Cô Bamu lấy trong tủ ra một chiếc áo choàng, nói rằng ban ngày nó là áo còn ban đêm sẽ làm chăn. Thỉnh thoảng, cô Bamu tới thị trấn mua quần áo với giá chỉ 2 nhân dân tệ (hơn 7 nghìn đồng). 

Cô Bamu cùng 4 đứa con.

10 năm trước, làng Taoyuan là một trong những khu vực nghèo nhất ở tỉnh Tứ Xuyên và gia đình cô Bamu cũng thuộc danh sách hộ nghèo nhất. Phía trước nhà cô là những ngọn núi đá khổng lồ, che khuất thế giới bên ngoài. Ở đây, ngay cả việc làm nông cũng khó khăn vì đất đai cằn cỗi.

Gia đình cô Bamu có 6 mẫu đất, chủ yếu trồng ngô, kiều mạch và khoai tây nhưng thu nhập hàng năm còn chẳng đủ ăn. Năm 2007, cô Bamu sinh con gái đầu lòng, thỉnh thoảng mới dám dùng tiền lẻ mua vài kg gạo trộn với bột ngô cho con gái ăn dặm. Năm 2009, khi con gái thứ 2 chào đời, cô Bamu đã đưa ra một quyết định táo bạo, đó là rời quê đi làm ăn xa. 

Ngày 30/1/2010, cô Bamu từ thành phố Nam Xương trở về quê nhà ăn Tết. Đó là lúc bức ảnh "Mẹ sẽ đưa con về quê" được chụp lại. Cô Bamu cho biết đó là ngày cuối sau 5 tháng làm việc tại Nam Xương. Sáng hôm đó, cô mang theo một bao đồ to nặng, vội vã đến ga, bắt chuyến tàu 2 ngày 1 đêm tới thành phố Thành Đô. Tại đây, cô phải bỏ ra 15 tệ (gần 54 nghìn đồng) để nghỉ một đêm, hôm sau lại ngồi tàu thêm 14 tiếng nữa mới về tới quê nhà.

Cô Bamu đã rất vất vả để nuôi nấng các con.

Trong ký ức của cô Bamu, đó là lần đầu cô bước ra khỏi "lũy tre làng", công việc đầu tiên là vận chuyển gạch tại một nhà máy ở Nam Xương. Khi đó, cô còn chưa biết nói tiếng phổ thông, vé tàu cũng là do người thân đặt hộ. Cô Bamu vừa phải đi làm, vừa phải trông con nhưng sau một thời gian đã có thể nói tiếng phổ thông, hòa nhập với cuộc sống bên ngoài.

Khi làm việc tại Nam Xương, mối lo duy nhất của cô Bamu là con gái thứ hai thường xuyên bị ốm. Nếu ở quê, cô sẽ dễ dàng đưa con tới bệnh viện thị trấn, nhưng ở chốn phồn hoa đô thị, cô sợ hãi không biết đi đâu làm gì, cũng không có ai giúp đỡ.

Thật không may, con gái thứ 2 của cô Bamu đã qua đời vì bệnh chỉ nửa năm sau ngày trở về quê. Kể từ đó, cô Bamu cũng không ra ngoài làm việc nữa. Năm 2011, cô Bamu sinh đứa con thứ 3 nhưng mới được 10 ngày tuổi đã qua đời.

Sự thay đổi tại ngôi làng của cô Bamu.

Năm 2018, nhờ chính sách xóa đói giảm nghèo của chính phủ, gia đình cô Bamu nhận được khoản trợ cấp 40.000 tệ (hơn 143 triệu đồng). Cô Bamu đã vay mượn thêm 70.000 tệ (hơn 250 triệu đồng) để xây dựng một ngôi nhà kiên cố bên cạnh ngôi nhà cũ. Ngôi nhà mới này có 3 phòng ngủ và một phòng khách, được lát đá hoa, sơn sạch sẽ và khang trang, ngoài ra còn được trang bị bếp điện, tủ lạnh.

Bên cạnh đó, gia đình cô Bamu cũng được trợ cấp về y tế và giáo dục. Từ năm 2013, cô Bamu sinh thêm 3 đứa con, tất cả đều được miễn phí chi phí sinh đẻ. Hiện tại, con gái lớn của cô đã học cấp 2, con gái thứ 2 và con trai thứ 3 đang học cấp 1, con trai thứ 4 đang học mẫu giáo.

Cô Bamu chụp ảnh cùng nhiếp ảnh gia Zhou Ke sau 11 năm.

Năm 2018, làng Taoyuan của cô Bamu cũng được xây dựng đường, điện, thông tin liên lạc và nước máy, cây cầu nhỏ dẫn vào làng cũng được xây dựng lại. Nhờ đó, cuộc sống của cô Bamu cùng những người trong làng đã cải thiện hơn rất nhiều. 

Cô Bamu chưa bao giờ biết bức ảnh chụp 11 năm trước của mình đã nổi tiếng trên mạng xã hội và truyền thông. Giờ đây, mong ước duy nhất của cô là các con được mạnh khỏe, học giỏi và cuộc sống trong tương lai sẽ tốt đẹp hơn.

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nguoi-me-cong-bao-do-to-gap-doi-nguoi-mot-tay-be-con-...Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/nguoi-me-cong-bao-do-to-gap-doi-nguoi-mot-tay-be-con-ve-que-an-tet-gio-ra-sao-d264356.html

Nữ đại gia được mệnh danh là "đệ nhất thảm họa thẩm mỹ Thái Lan" giờ ra sao?
Sau loạt ảnh biến đổi trước và sau thẩm mỹ, nữ đại gia này đã trở nên nổi tiếng trên báo chí và mạng xã hội, thậm chí còn được gọi là "đệ nhất thảm...
Bấm xem >>
Theo Khánh Hằng (thoidaiplus.giadinh.net.vn)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây