Nằm trong ngõ nhỏ Kim Mã Thượng, bún bò Công chúa 10 năm vẫn ùn ùn người qua
- Thứ năm - 30/12/2021 07:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Video món bún bò Công chúa.
Bún bò Nam bộ là món ăn được rất nhiều người Hà Nội yêu thích thưởng thức vào buổi trưa hoặc buổi chiều tối. Mặc dù là món ăn đặc trưng của người miền Nam nhưng ở Hà Nội có rất nhiều quán bán món ăn này giúp mọi người có thể dễ dàng tìm đến.
Hình ảnh công chúa khi tới thăm quán ăn vào tháng 5/2019 (ảnh Vnexpress).
Nếu các bạn đang có nhu cầu thưởng thức ẩm thực bún bò Nam bộ thì đừng quên ghé đến quán bún bò Công chúa ở Kim Mã Thượng – nơi đây đã được công chúa kế vị Thụy Điển đến thưởng thức vào hồi tháng 5/2019.
Quán bún bò Nam bộ đã được tín nhiệm đón tiếp Công chúa Thụy Điển.
Bún bò Công chúa chỉ bán trong vòng 1 tiếng buổi trưa
Quán bún bò này nằm ở sân khu tập thể Bộ Tư pháp ngõ 35 Kim Mã Thượng. Mặc dù con đường dẫn vào quán hơi nhỏ khó tìm nhưng nếu tinh mắt bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy ngay chiếc biển chỉ dẫn từ đầu ngõ với hình ảnh công chúa kế vị Thụy Điển đến quán trải nghiệm món ăn đường phố Việt Nam.
Quán nằm trong sân khu tập thể được căng bạt che nắng, che mưa nên nếu nhìn thoáng qua sẽ thấy rất lụp xụp. Tuy nhiên, một điều chắc chắn rằng khi đến quán bạn sẽ cảm nhận được sự sạch sẽ, gọn gàng ở đây từ không gian đến cả những món ăn. Đặc biệt quán khá rộng rãi và thỏai mái chỗ để xe khi đến ăn đông.
Không gian quán khá rộng.
Thực đơn ở đây chỉ có 3 món: bún thang, phở gà và bún bò Nam bộ. Mặc dù quán mở từ 6h30-13h nhưng chỉ bán bún bò vào buổi trưa trong khoảng 1-2 tiếng phục vụ mọi người thêm.
Với những ai đến đây lần đầu tiên, chắc chắn sẽ ấn tượng về sự gọn gàng trong việc bày đồ của quán. Những nguyên liệu bún thang và phở gà cùng các loại rau sống ăn kèm được đặt trong chiếc tủ kính cẩn thận, ngăn nắp. Đặc biệt, vợ chồng cô chủ quán vô cùng thân thiện, cởi mở.
Với món bún bò Nam Bộ, khách đến gọi món bà chủ mới xào thịt bò với giá đỗ để đảm bảo món ăn luôn được nóng hổi nhất đến với khách hàng. Khi bưng ra bàn, bát bún vẫn bốc khói nghi ngút và được trang trí vô cùng hấp dẫn, đẹp mắt.
Thịt bò dùng trong món bún được tẩm ướp kỹ với đường, nước mắm, hạt tiêu cùng nhiều loại gia vị khác ăn mềm, không dai và có vị ngọt đậm. Giá được cho vào sau xào với thịt bò giữ được vị ngọt, giòn và hương thơm đặc trưng.
Nguyên liệu đặt ngăn nắp, gọn gàng.
Cũng giống như nhiều món trộn khác trong ẩm thực Việt Nam, nguyên liệu quan trọng nhất làm nên linh hồn của bát bún bò Nam Bộ là thứ nước sốt được chan vào tô bún. Nước chấm chua ngọt ở đây có vị rất riêng và quyện với bún, thịt bò, lạc, rau sống không hề bị mặn.
Khi thưởng thức, vị nước mắm chấm chua ngọt, kết hợp cùng với thịt bò mềm, rau sống tươi, hành phi thơm, mát lành của giá đỗ và vị bùi từ lạc rang giòn vô cùng tuyệt vời cho một buổi trưa.
Bún bò Nam Bộ là món ăn được kết hợp giữa thịt bò xào mềm và béo, hành phi, các loại rau gia vị như húng, xà lách, kinh giới và đặc biệt là nước mắm được pha chế theo công thức riêng.
Bí quyết khiến được tín nhiệm phục vụ Công chúa kế vị Thụy Điển
Cô Đào Thị Thanh Thủy (59 tuổi, chủ quán) cho biết, quán bún thang, phở gà của cô bán gần 20 năm nay, còn món bún bò cô bán thêm mới được 10 năm nay.
Chia sẻ về tên quán vô cùng đặc biệt của quán nhà mình, cô Thủy tâm sự, sau khi công chúa Thụy Điển đến đây thưởng thức có một vài quán bún bò Nam bộ được mở ra, nhiều thực khách muốn tìm đến quán thưởng thức món ăn mà công chúa Thụy Điển tìm đến đã vào nhầm quán. Vì vậy, vợ chồng cô quyết định để tên là bún bò Công chúa để cho mọi người dễ dàng nhận biết và tìm đến đúng quán.
“Khách của mình chủ yếu là những người dân, khách ở đại sứ quán, cơ quan quốc tế, trường thực nghiệm xung quanh đây đến. Các bạn ở Đại sứ quán trải nghiệm rồi nên tín nhiệm chọn để đón tiếp Công chúa Thụy Điển sang trải nghiệm món ăn đường phố Việt. Họ muốn trải nghiệm món ăn đường phố có cả khách Việt Nam và ngước ngoài trong không gian bình dân. May mắn không có vấn đề gì sai sót cả”, cô Thủy chia sẻ.
Cô Thủy chủ quán.
Cô Thủy cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trong gia đình có 5 anh chị em. Vì mẹ là người gốc Hà Nội nấu ăn giỏi dạy 5 anh chị em cô từ nhỏ cách chọn nguyên liệu, làm chế biến nên ai cũng đều biết nấu ăn.
Nhờ có mẹ hướng dẫn làm món ăn, dạy từ cách cho những nguyên liệu nào vào trước, những nguyên liệu nào vào sau, khi lớn lên cô đã có thể nấu ăn ngon, chuyên về hàng ăn, ấm thực Việt như bún ốc, bún riêu, bún ngan, phở bò, phở gà, xôi thịt. Gần 20 năm nay cô quyết định bán bún thang, phở gà và 10 năm nay bán thêm bún bò Nam bộ.
“Trời thương nên mình mở bán cái gì cũng không gặp khó khăn, khách ăn vừa miệng, món ăn thực phẩm tươi ngon, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm sạch sẽ, khâu chuẩn bị sạch sẽ nên có khách luôn”, cô Thủy cười.
Bún bò Nam bộ 40 nghìn/bát, phở gà và bún thang 35 nghìn/bát.
Vì luôn cố gắng đảm bảo thực phẩm tươi, ngon, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn, sạch sẽ nên lượng khách mỗi ngày nhà cô khá đều. Thậm chí, buổi sáng cô chỉ làm được bún thang và phở gà bán, đến buổi trưa có người giúp cô mới có thể bán thêm được bún bò Nam Bộ. Dẫu món ăn này chỉ được bán trong 1-2 tiếng buổi trưa nhưng được rất nhiều khách ghé ăn.
“Sáng nào mình cũng dạy từ 4h nhặt và làm gà đến 6h30 bán. Bán buổi sáng xong, mình chuẩn bị hàng buổi trưa. Đến 15h mới dọn được hàng xong. Nghỉ được 2 tiếng, mình đi ninh xương cho ngày mai. Hôm nào cũng 11h đêm mới nghỉ. Làm hàng ăn này vất vả lắm nhưng mình thích nói chuyện với mọi người, thích làm cho khỏe, hơn nữa mình kết hợp nghỉ ngơi làm việc khoa học nữa nên mới có sức để làm”, cô Thủy cười.
Chia sẻ về việc lựa chọn 3 món ăn để bán, cô Thủy lý giải, món bún thang là món ăn cổ ngon của người Hà Nội và rất ít người nấu được. Nhờ có mẹ là người gốc Hà Nội nên cô học hỏi được mẹ rất nhiều trong việc làm món ăn này sao cho nước dùng được trong và thơm. Hiện nay cả khu Kim Mã Thượng chỉ có nhà cô bán món ăn này được mọi người yêu thích.
Mặc dù bát bún thang nhà cô đã giản lược đi nhiều, chỉ giữ những thứ nguyên liệu cơ bản như giò, củ cải, nấm hương, trứng tráng thái nhỏ, thịt gà, mắm tôm, rau hành nhưng cô vẫn luôn cố gắng đảm bảo mang đến bát bún thang chuẩn vị nhất cho mọi người. Vì trong nhà chỉ có cô mới canh được nồi nước dùng sao cho trong, không bị đục át vị của bún thang nên cô phải làm từ A-Z, trông nồi nước canh, làm gà và luộc gà.
Bún thang được cô làm.
Về bún bò Nam bộ, sau một lần ăn ngoài hàng, cô về làm và điều chỉnh sao cho món ăn được ngon, đúng vị nhất. Hiện nay, cô vẫn pha chế nước mắm, tẩm ướp thịt bò và xào nấu hết để có thể ra món ăn chuẩn gửi đến mọi người.
“Từ trước đến giờ mình không qua trường lớp nào, chỉ có mẹ dạy thôi. Mình cứ đặt cả tâm huyết vào món ăn và tự điều chỉnh sao cho hợp lý nhất”, cô Thủy bộc bạch.
Thịt bò được xào sau khi khách gọi.
Đối với cô Thủy, tuy nghề hàng ăn vất vả, nhưng niềm vui nhất của cô là được trò chuyện với mọi người, được nhìn thấy những cụ già đến quán ăn ngày một khỏe hơn. Có lần một cụ từng bị tai biến, đến quán cô ăn mỗi ngày, dành lời khen “tôi khỏe ra nhờ ăn phở gà nhà cô” khiến cô vui và có động lực mỗi ngày để tiếp tục với nghề này.
.content .btn-cv19-link *{box-sizing:border-box}.content .btn-cv19-link{max-width:700px;margin:20px auto}.btn-cv19-link{border-top:1px solid #dfdfdf;margin:20px 0}.btn-cv19-link p{display:flex;padding:15px 0 0;margin:0 -5px !important}.btn-cv19-link p a{flex:0 0 33.33%;max-width:33.33%;padding:0 5px;position:relative}.btn-cv19-link p a img{vertical-align:middle;height:36px !important}.btn-cv19-link p a:before{content:"";position:absolute;top:-16px;left:0;width:100%;height:2px;background:#e28aa5;transition:all ease .5s;transform:scale(0)}.btn-cv19-link p a:hover:before{transform:scale(1)}
Nguồn: http://khampha.vn/bep/nam-trong-ngo-nho-kim-ma-thuong-bun-bo-cong-chua-10-nam-van-un-un...