Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Năm Nhâm Dần nghe tâm sự của người cho hổ bú sữa, sợ hổ bị ốm hơn cả bản thân

Năm Nhâm Dần nghe tâm sự của người cho hổ bú sữa, sợ hổ bị ốm hơn cả bản thân
Không chỉ riêng năm con hổ mà dường như Tết năm nào chị Ngọc cũng vào chăm những con mãnh thú ở đây, đó vừa là công việc và đôi khi chỉ vì nhớ và có tình cảm với những con thú.

Trong những ngày cuối năm Tân Sửu, chuẩn bị đón xuân Nhâm Dần 2022 , công viên Thủ Lệ (Hà Nội) đã mở cửa phục vụ người dân trong suốt dịp Tết Nguyên đán . Ông Phạm Đình Mạnh – Trưởng phòng Kỹ thuật (Công viên Thủ Lệ) cho biết, người dân khi đến tham quan, du xuân tại công viên phải thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, phía công viên cũng thường xuyên phun khử khuẩn, nhất là khu vực nuôi nhốt thú.

Khu vực chuồng nuôi nhốt hổ luôn được phun khử khuẩn thường xuyên.

Nhân viên hàng ngày cũng phải dọn dẹp sạch sẽ nền chuồng trước khi cho ăn

Mùa đông, công viên chuẩn bị cả đèn để sưởi ấm cho hổ nếu cần.

“Năm nay do dịch bệnh cả nước vẫn phức tạp, người dân hạn chế di chuyển đến các địa phương khác trong dịch Tết, vì thế có thể lượng khách đến công viên sẽ đông, chúng tôi đã lên mọi phương án, kịch bản để vừa đáp ứng nhu cầu người dân, vừa đảm bảo phòng dịch”, ông Mạnh chia sẻ.

Do năm 2022 là năm Nhâm Dân, trong khi công viên có nuôi khá nhiều hổ, liệu trong “năm tuổi” của mình những chú hổ ở công viên có được ưu ái? Ông Mạnh cho rằng, ưu ái lớn nhất đó chính là tình cảm mà các nhân viên dành cho hổ, cũng như các loại muông thú khác.

Việc chăm sóc hổ yêu cầu kỹ thuật cao, ngoài thức ăn đảm bảo thì phải bổ sung thêm các chất dinh dưỡng.

“Việc chăm sóc hổ trong điều kiện nuôi nhốt phải tuân thủ rất nghiêm về mặt kỹ thuật, không phải vì Tết năm con hổ mà khẩu phần ăn của hổ được nâng lên. Chúng tôi vẫn đảm bảo hổ ăn theo khẩu phần, để sức khỏe đảm bảo nhất”, ông Mạnh chia sẻ.

Chị Trần Thị Ngọc (41 tuổi), người đã có thâm niên chăm sóc hổ rất lâu tại công viên cho biết, mỗi con hổ đang được nuôi nhốt tại đây đều có lịch sử và quá trình chăm sóc rất đặc biệt. Có thể nhiều người thấy hổ sẽ sợ hãi, còn với những nhân viên như chị Ngọc thì hổ được coi như người “bạn tri kỷ” hàng ngày.

Chỉ vào hai chú hổ có tên Bi và Bống chị Ngọc cho biết, đó là hai cá thể hổ được giải cứu trong một vụ buôn bán động vật hoang dã, khi đưa về công viên mới được 4 tháng tuổi, nặng 12kg, nhưng giờ cân nặng mỗi con đã hơn 100kg. 

Bữa ăn hàng ngày của hổ phải đảm bảo đủ khẩu phần, thức ăn cũng phải được rửa qua nước muối loãng trước.

Khi Bi và Bống còn nhỏ, chị Ngọc hàng ngày phải cho hổ bú bình, thậm chí còn kích thích để hổ đi vệ sinh, cho ăn từ miếng nhỏ đến miếng lớn và làm mọi việc chăm sóc thay mẹ của chúng. Thậm chí, có thời điểm hổ ốm, các nhân viên phải kê giường, mắc màn ở cạnh ngủ để chăm sóc. 

Được chăm sóc từ tấm bé, nên Bi và Bống “bện” hơi chị Ngọc, qua quan sát có thể thấy mọi hành động, ra hiệu của người phụ nữ này hai chú hổ đều nghe theo. “Việc chăm thú nói chung và chăm hổ nói riêng, chỉ đúng kỹ thuật thôi là chưa đủ, mà cần phải có tình yêu thương và sự đồng cảm lẫn nhau. Nhiều hôm khi đến tôi chỉ cần nhìn ánh mắt là biết hổ không được khỏe”, chị Ngọc chia sẻ. 

Khi hổ thấy có người lạ ở chuồng tỏ ra rất dữ tợn.

Tuy nhiên, với chị Ngọc - người đã chăm sóc hổ từ bé thì có thể bón được cả cho hổ ăn.

Thức ăn của hổ phải đảm bảo có cả phần xương và thịt, luôn phải tươi.

Tết Nhâm Dần đã đến, công việc của chị Ngọc ngày Tết cũng như những ngày thường, bởi hổ cũng như con người, ngày cũng cần phải cho ăn theo bữa, bổ sung thuốc bổ định kỳ. “Ngày Tết dù là 30 hay mùng Một, cơm gia đình có thể hoãn lại ăn sau, nhưng vào cho hổ ăn, chăm sóc hổ là phải đúng giờ, đúng bữa vì dù sao nó cũng là con vật hoang dã, dù sống rất tính cảm”, chị Ngọc chia sẻ.

Còn với bản thân mình, khi trực những ngày Tết, ngoài vuốt ve, chăm sóc bữa ăn hàng ngày cho hổ, chị Ngọc sẽ không quên gửi lời chúc đầu năm mới tới những “đứa con tinh thần” mà mình chăm sóc từ tấm bé. Điều chị mong muốn nhất không chỉ năm Nhâm Dần mà tất cả những năm sau đó là các con thú trong công viên luôn khỏe mạnh, phát triển bình thường. 

Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nam-nham-dan-nghe-tam-su-cua-nguoi-cho-ho-bu-sua-s...Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/nam-nham-dan-nghe-tam-su-cua-nguoi-cho-ho-bu-sua-so-ho-bi-om-hon-ca-ban-than-d300242.html

Cận Tết Nhâm Dần, những chú hổ "đắt hàng như tôm tươi", có đâu hết sạch tới đó
Cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, những chú hổ với nhiều kích thước mẫu mã khác nhau cứ ra lò đến đâu là hết đến đó, hàng bán "đắt như tôm tươi".
Bấm xem >>

Tết nguyên đán

Theo Kiều Linh (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây