Mẹ đơn thân làm nghề trang điểm người chết: Vừa lật tấm vải, đồng nghiệp chạy không quay đầu
- Thứ ba - 20/10/2020 14:44
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giấu gia đình để làm nghề đặc biệt
Dịp 20/10, hầu hết chị em đều tất bật váy áo để lưu giữ lại những kỷ niệm, còn chị Đinh Thị Phương Loan (32 tuổi, ở Hạ Hòa, Phú Thọ) lại hoàn toàn khác. Thay vì xúng xính váy áo đi chơi, chị Loan vận một bộ đồ đen và chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cho ngày làm việc mới tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Hòa Bình) cách Hà Nội khoảng 50 cây số.
Công việc chị Loan đang làm cũng vô cùng đặc biệt mà bất cứ ai nghe thấy cũng đều cảm thấy rùng mình, thậm chí muốn tránh xa, đó là trang điểm cho người chết. Người phụ nữ này cho biết chị làm nghề trang điểm đã rất lâu, nhưng bắt đầu trang điểm cho người đã khuất mới bắt đầu được hơn 1 năm nay và cảm thấy công việc này rất thú vị.
Dụng cụ đồ đạc chị Loan chuẩn bị cho ngày làm việc mới.
Chị Loan kể, công việc này đến với chị là do có duyện bởi từ xưa đến nay chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ chuyển đổi từ nghề trang điểm cho người sống, sang làm cho người chết.
Cách đây gần 2 năm, chị ruột của một người bạn không may qua đời khi mới 30 tuổi, lúc đó người bạn kia muốn tìm 1 người để trang điểm cho chị gái nhưng không được. “Bạn ấy nói với tôi rằng sống chị rất đẹp, vì thế khi mất cũng muốn chị mình phải thật đẹp, để khi khâm niệm mọi người nhìn vào cứ như là đang ngủ vậy. Thế nhưng các thợ trang điểm không ai nhận lời, còn ở nhà tang lễ họ trang điểm rất sơ sài chỉ bôi ít son, phấn…”, chị Loan kể lại.
Chị Loan chia sẻ việc đến với nghề trang điểm tử thi cũng là cái duyên.
Sau khi nghe bạn tâm sự, chị Loan đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều, khi đó câu hỏi đặt ra trong đầu là: Vì sao mình không làm công việc này? Qua tìm hiểu, chị Loan thấy hiện có rất ít người làm công việc này, thế rồi chị quyết định sẽ học hỏi để làm make up cho người chết.
“Người đầu tiên tôi tâm sự khi muốn chuyển đổi việc đó là mẹ, nhưng vừa nghe dứt lời mẹ đã nói: “Không được đâu. Không làm đâu con nhé”. Tôi biết mẹ vì lo cho tôi, nhưng khi tôi đã quyết rồi thì sẽ thực hiện bằng được và đến bây giờ gia đình vẫn chưa biết tôi làm việc này”, chị Loan tâm sự.
Găng tay, khẩu trang là dụng cụ không thể thiếu khi làm việc.
Muốn làm được cần phải có cái tâm và tinh thần thép
Giờ đây chị Loan vẫn làm việc theo dạng tự do, khi nhà tang lễ gọi hoặc các gia đình có nhu cầu liên lạc với chị thì chị sẽ đến. Ngoài ra, chị còn làm cộng tác với công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, vì thế công việc cũng có đều.
Do đặc thù công việc nên thời gian đang là điểm bất lợi nhất với chị Loan, vì khi có người qua đời họ gọi lúc nào là phải có mặt lúc đó. “Do đặc thù công việc, hơn nữa tôi lại là mẹ đơn thân nên con trai hiện đang được gửi ở quê cho ông bà chăm sóc để mình tập trung vào công việc hơn.
Chị Loan mong mọi người sẽ hiểu về công việc mà chị đang làm.
Sau này khi công việc ổn định, nếu có lập gia đình nữa tôi nghĩ rằng người bạn đời của tôi trước hết phải hiểu được công việc tôi đang làm, còn nếu không thì chắc chẳng thể đến được với nhau”, chị Loan chia sẻ.
Là một người phụ nữ khi tiếp xúc với tử thi, chị Loan cho rằng trước hết phải có tinh thần thép, sau đó là phải làm việc bằng cái tâm của mình, tuyệt đối không được xảy ra sai sót hay mắc lỗi.
Chị Loan vẫn nhớ trường hợp đầu tiên khi trang điểm là một người cao tuổi, khi đó chị đi cùng một đồng nghiệp khác xuống nhà xác. Sau khi làm các thủ tục tâm linh xong, chị lật tấm vải trắng lên thì đồng nghiệp đi cùng chạy thẳng ra khỏi phòng và không quay lại.
"Người đồng nghiệp của tôi vẫn còn trẻ, chưa tiếp xúc với người đã mất bao giờ. Vì thế khi tấm vải trắng vén lên, nhìn thấy hình ảnh tử thi lạnh toát, mặt nhăn nheo, da trắng bệch, mắt nhắm nghiền nên bạn ấy hoảng mà chạy đi. Chỉ còn một mình tôi phải mất hơn 1 tiếng mới trang điểm xong từ đánh phấn, tô son, làm lại tóc gọn gàng cho đến kẻ mi, làm móng...", chị Loan kể.
Lần đầu đi làm đồng nghiệp chị Loan chạy ra khỏi phòng lạnh vì sợ hãi.
Lúc đó chị Loan bình tĩnh đeo găng tay, chuẩn bị đồ nghề thực hiện trang điểm cho người đã mất, công việc chủ yếu là làm tóc gọn gàng, son môi, đánh phấn, sơn móng… “Tất cả các công đoạn phải được thực hiện tỷ mỉ và không để sót một chi tiết nào. Trong quá trình trang điểm tùy vào độ tuổi, giới tính, khuôn mặt mình sẽ trang điểm sao cho phù hợp để người thân họ nhìn vào giống như là đang nằm ngủ vậy.
Tôi nghĩ rằng khi đã mất họ cũng cần phải đẹp, cũng giống như người đang sống trên trần thế. Vì thế làm việc phải bằng cái tâm, chính vì suy nghĩ vậy nên từ khi bắt đầu công việc này tôi còn cảm thấy tâm mình tĩnh và thanh thản hơn rất nhiều”, bà mẹ một con tâm sự.
Tiếp xúc với người đã khuất nhiều chị Loan hiểu được cảm giác đau đớn khi mất người thân của các gia đình, thế nhưng về cảm nhận cá nhân chị xót xa nhất khi chứng kiến những người ra đi quá trẻ.
Việc trang điểm cho người đã khuất ngoài bản lĩnh phải có cái tâm.
“Đến nay tôi đã trang điểm cho hàng trăm người đã khuất, có trường hợp bé gái mất mới 15 tuổi, cô bé rất xinh xắn chỉ vì bệnh tật mà ra đi mãi mãi. Khi đến nơi lòng buồn như chính mình mất người thân. Trang điểm xong tôi về mang theo cả sự nuối tiếc bạn ấy vì mất khi còn quá trẻ”, chị Loan kể lại.
Làm công việc này khiến chị Loan cũng bị nhiều người kỳ thị, hạn chế tiếp xúc. Nhiều bạn bè gặp hỏi chị làm gì khi nhận được câu trả lời họ tỏ ra sợ hãi và không hỏi thêm gì. Thế nhưng, với chị nghề nghiệp nào cũng cần được tôn trọng.
Công việc hiện tại đang cho chị Loan mức thu nhập khá ổn định. Tuy vậy, đối với chị, tiền bạc không phải điều quan trọng nhất mà là sự hài lòng và biết ơn từ thân nhân người đã khuất. Trong thời gian tới, chị dự định sang Đài Loan trau dồi thêm tay nghề để trở nên chuyên nghiệp hơn trong công việc.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/me-don-than-lam-nghe-trang-diem-nguoi-chet-vua-lat-ta...