Lạnh thế này nấu ngay 5 món ăn sáng nóng bỏng lưỡi lại thơm ngon cho cả nhà
- Thứ bảy - 29/12/2018 05:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
CHÁO CHIM BỒ CÂU
Nguyên liệu:
- Chim bồ câu: 1 con
- Gạo: 1/2 chén gạo tẻ và 1 nắm gạo nếp - Đậu xanh còn vỏ: 50g - Hạt sen tươi: 100g - Nấm rơm: 150g - Tía tô, cải bẹ xanh, hành lá
- Hành củ, gừng, tỏi, ớt.
- Hạt tiêu, nước mắm, muối, dầu ăn, bột nêm.
Cách nấu:
Gạo trước khi nấu cháo cho vào rang sơ cho cháo thơm hơn. Cho nước, gạo, đậu xanh, hạt sen theo thứ tự vào nồi hầm nhừ. Để nồi cháo nhanh nhừ, ngon hơn thì bạn không nên cho nhiều nước ngay từ đầu, mà cho lượng nước vừa phải, khi sôi, gạo nở, nước cạn xâm xấp mặt lại chế thêm nước lạnh vào nấu, cứ vậy thêm khoảng 2-3 lần cháo sẽ nhanh nhừ và nhuyễn hơn.
Trong khi hầm cháo thì bạn chuẩn bị phần thịt chim. Chim bồ câu chọn những con bồ câu non, khoảng 1 tháng. Vào giai đoạn này bồ câu rất háu ăn nên thịt của chúng rất thơm, mềm. Bồ câu không cắt tiết mà chỉ dìm trong nước sôi sau đó làm sạch lông.
Để món cháo được ngon bạn phải thui sơ bồ câu trên bếp cho thịt thơm. Sau đó rửa sạch, mổ chim, bỏ lòng, phổi, diều,... chỉ lấy gan, mề, tim làm sạch, bóp muối. Thịt chim rửa sạch, để ráo lọc xương chặt miếng để riêng rồi cho vào hầm cùng cháo cho ngọt. Phần thịt băm nhỏ ướp cùng chút bột nêm, tiêu.
Hành củ, tỏi bóc vỏ, rửa sạch, băm nhỏ. Hành lá bỏ rễ, lá giập, rửa sạch, xắt nhỏ. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái sợi.
Nấm rơm ngâm nước muối loãng 15 phút. Sau đó rửa sạch, bổ đôi hay ba tùy ý.
Món cháo chim của Vũng Tàu khi ăn luôn dọn cùng đĩa rau cải bẹ xanh và tía tô đặc trưng. Tía tô nhặt bỏ cậng, lá giập, rửa sạch. Cải bẹ xanh cắt rễ, bỏ lá giập úa, rửa sạch. Ngâm lá tía tô, cải xanh với nước muối loãng 3 phút sau đó vớt ra cho ráo, thái nhỏ.
Bắc chảo lên bếp, cho thìa dầu ăn. Dầu nóng già cho hành tỏi bằm ở trên vào phi thơm, tiếp đó cho thịt chim bằm nhỏ vào xào săn.
Trút thịt chim đã xào săn ở trên vào nồi cháo, cháo sôi trở lại, hớt bọt nêm nếm vừa ăn. Sau đó cho nấm rơm cùng một ít gừng thái sợi vào đun khoảng 3-4 phút cho nấm chín, tắt bếp thêm 1 thìa nước mắm cho thơm, rắc thêm chút hành lá.
Khi ăn, bắc nồi cháo lên bếp như kiểu ăn lẩu. Ăn kèm cháo là đĩa rau tía tô, cải xanh thái nhỏ ở trên. Nếu thích bạn có thể đập thêm vài quả trứng gà ta. Múc chén cháo ra bát, ăn cùng nước mắm, gừng sợi và vài lát ớt.
Vào những buổi tối trời lạnh như thế này, được thưởng thức tô cháo nóng hổi với vị ngọt của thịt chim, của nấm rơm, bùi bùi của đậu xanh, hạt sen, chút hăng nhẹ của cải xanh, tía tô thêm chút cay cay của gừng, ớt không những vô cùng hấp dẫn mà còn rất bổ dưỡng.
CHÁO GHẸ
Nguyên liệu:
- 500g thịt ghẹ - 70g gạo tẻ - 10g gạo nếp - 2 thìa nước mắm - 2 nhánh hành hoa, mùi - 1 củ hành khô - 1 ít hạt tiêu
- Dầu ăn
Cách làm:
Ghẹ cho vào nồi luộc sơ sau đó bóc lấy thịt để riêng. Hành khô bóc vỏ băm nhỏ. Đặt chảo lên bếp thêm 2 thìa dầu ăn cho hành băm vào phi thơm rồi cho ghẹ vào xào, nêm 1 thìa mắm ngon.
Trộn gạo nếp với gạo tẻ rồi vo sạch, cho vào nồi thêm 1 lít nước sau đó đậy vung ninh đến khi thấy hạt chảo bung nở và mềm. Cho cháo ra một nồi nhỏ. Tiếp đến cho phần thịt ghẹ vừa xào vào đun nhỏ lửa. Nêm nếm gia vị vừa miệng.
Khi thấy cháo có độ sánh, mềm ngọt thì cho hành hoa cắt nhỏ vào rồi cho cháo ghẹ ra bát dùng nóng.
Nếu thích cay thì rắc thêm ít hạt tiêu.
CHÁO THỊT HEO
Nguyên liệu:
- Thủ heo: 1 cái (đã được làm sạch)
- Bột gạo: 100 g
- Quẩy: 5-10 cái
- Trứng cút: 10-15 quả
- Mộc nhĩ: 3-4 cái
- Bột nêm, mắm ngon
- Dầu ăn, hành khô.
Cách làm:
Thủ lợn sau khi làm sạch, rửa bằng muối hạt để loại bỏ mùi hôi. Cho vào nồi hầm mềm, chắt phần nước dùng để riêng, gỡ lấy phần thịt rồi băm nhỏ. (Phần thịt ở thủ lợn vừa mềm, vừa có nhiều sụn bạn nên băm nhỏ để tạo độ giòn sần sật khi ăn).
Mộc nhĩ ngâm nở, cắt bỏ chân, rửa sạch băm nhỏ.
Lược nước xương qua rây để loại bỏ vụn xương. Đổ nước xương từ từ vào chung với bột gạo, khuấy đều đến khi bột không còn vón cục.
Sau đó đổ bột vào nồi nước dùng xương và khuấy đều cho tan hết bột. (Lưu ý không đổ bột vào nồi nước dùng khi nước xương quá nóng vì như vậy bột sẽ bị vón cục).
Phi thơm hành băm với chút dầu ăn cho phần thịt vào xào cùng với mộc nhĩ băm nhỏ. Nêm nếm cho vừa miệng. Rồi cho thịt ra bát để riêng.
Đặt nồi nước dùng xương lên bếp khuấy đều tay đến khi bột nặng tay và trong thì cho phần thịt vừa xào vào đảo đều.
Múc cháo thịt heo ra bát, rắc thêm ít hành khô phi giòn cùng vài miếng quẩy nóng, trứng cút và ít hành răm thái nhỏ cùng ít hạt tiêu là bạn đã hoàn thành món cháo thịt heo nóng hổi rồi.
CHÁO LÁ DỨA HỘT VỊT MUỐI
Nguyên liệu:
- Gạo: 1/2 bát gạo tẻ và 1 nắm gạo nếp
- 1 bó lá dứa
- 4-5 quả trứng vịt muối
- Muối
Cách làm:
Gạo tẻ và gạo nếp đem vo sạch, cho vào nồi cùng nước, xíu muối nấu nhừ, thêm 2-3 lá dứa cắt khúc vào nấu cùng để tạo mùi thơm cho món cháo. Để cháo nhanh nhừ ban đầu bạn nên cho nước vừa phải, nhiều hơn khi nấu cơm một chút. Khi cháo sôi, sền sệt, bạn thêm nước lạnh vào và tiếp tục đun nhỏ lửa.
Thực hiện như vậy khoảng 2-3 lần, việc thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ giúp cháo của bạn nhanh nhừ hơn.
Lá dứa rửa sạch, cắt khúc, thêm xíu nước vào cùng và xay nhỏ, lọc lấy nước cốt.
Trứng vịt muối rửa sạch, luộc chín, bóc vỏ, bổ đôi.
Khi cháo gần được, cho phần nước cốt lá dứa ở trên vào nồi cháo, khuấy đều để tạo màu xanh cho món cháo. Đun sôi khoảng 3-4 phút, nêm nếm là được. Chú ý món cháo này ăn cùng hột vịt muối đã mặn nên bạn không nêm cháo quá mặn nhé!
Cháo chín, múc ra bát ăn cùng trứng vịt muối là được. Thường các quán cháo ở Sài Gòn ngoài trứng vịt muối còn ăn cháo kèm với một số loại khác như trứng bác thảo, dưa mắm, cá kho,...
CHÁO TRAI
Nguyên liệu:
- Trai: 1 kg
- Hành khô: 2 củ
- Hành lá: 2 nhánh - Rau răm: 1 ít - Hạt tiêu: 1 ít - Nước mắm - Gạo tẻ: 3 nắm nhỏ - Gạo nếp: 1 nắm nhỏ - Đậu xanh: 1 nắm nhỏ
Cách làm:
Trộn gạo nếp, gạo tẻ, đỗ xanh cùng nhau rồi vo sạch. (Bạn có thể ngâm khoảng 1-2 giờ để khi ninh cháo sẽ mau nhừ).
Trai ngâm nước gạo và vài lát ớt cho sạch, rửa lại lần nữa rồi cho trai vào nồi luộc chín.
Chắt phần nước trai để riêng, thịt trai đem làm sạch rồi thái nhỏ.
Phi thơm hành băm nhỏ với chút dầu ăn, cho thịt trai vào xào, nêm ½ thìa bột canh, ½ thìa bột nêm.
Cho gạo vào nồi, đổ nước trai vào gấp đôi mặt gạo rồi, hầm trong khoảng 1h hay đến khi hạt gạo vỡ mềm thành cháo.
Múc cháo ra một cái nồi khác, cho phần nhân vào đun thêm khoảng 5 phút nữa, nêm một chút mắm ngon cho vừa miệng.
Cuối cùng cho hành hoa, rau răm thái nhỏ, múc cháo trai ra bát, rắc thêm ít hạt tiêu, mì chính rồi thưởng thức nhé.