Kỳ lạ ngôi làng nơi phụ nữ "cổ dài hơn đầu", muốn bỏ đi nơi khác cũng không được
- Thứ hai - 11/07/2022 20:54
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngay cả khi bạn chưa bao giờ nghe nói về làng Huai Sua Tao thì có lẽ bạn đã nghe về một số cư dân đặc biệt nơi này. Nằm nép mình ở vùng núi tây bắc Thái Lan, ngôi làng này là nơi sinh sống của hàng chục "phụ nữ cổ dài". Họ đeo những chiếc vòng bằng đồng, cuộn thành nhiều vòng để làm thon dài cổ. Nằm ở tỉnh Mae Hong Son của Thái Lan, những phụ nữ này trở thành đối tượng thu hút khách du lịch lớn nhất cho địa phương.
Những người phụ nữ và gia đình họ không phải công dân Thái Lan mà là người tị nạn từ Myanmar. Ở quê nhà, họ là thành viên của nhóm dân tộc thiểu số Kayah bị gạt ra lề xã hội và phải bỏ chạy sang Thái Lan để thoát khỏi nghèo đói, xung đột. Những chiếc vòng cổ là một truyền thống ở quê nhà. Sang đến Thái Lan, nó trở thành đối tượng hút khách du lịch.
Du khách lái xe từ Bangkok và đi khoảng 12h để đến ngôi làng của người Kayah. "Làng cổ dài" được xây dựng cách đây 27 năm trên một khu đất dốc. Ban đầu, đây là nơi sinh sống của một số gia đình người Kayah chuyển tới. Khi tiết kiệm đủ tiền, họ xây nhà, mở rộng thôn xóm và hình thành một cộng đồng như ngày nay.
Khi du khách tới làng, những phụ nữ sẽ ngồi dệt vải, chơi đàn guitar và đứng sau các quầy hàng dọc con đường đá, hy vọng có ai đó sẽ mua những món đồ thủ công mỹ nghệ được bày bán.
Khách du lịch hầu hết là người Thái Lan sẽ đi lướt qua, chụp ảnh hoặc selfie với những phụ nữ cổ dài, mua các sản phẩm lưu niệm. Người Thái Lan đến đây được vào cửa miễn phí nhưng khách nước ngoài phải trả 250 baht (hơn 160.000 đồng) để vào làng. Số tiền này dùng để trả lương cho những phụ nữ nơi đây (khoảng 1.500 baht/tháng).
Hoạt động du lịch tại "làng cổ dài" đã giúp người dân ở đây có công ăn việc làm nhưng hình thức du lịch này lại nhận về sự chỉ trích của các nhà quan sát bên ngoài. Nhiều người nói ngôi làng như một vườn thú khai thác người di cư. "Đó rõ ràng là một vườn thú con người", phát ngôn viên Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Kitty McKinsey từng nói với BBC vào năm 2008. Khi ấy, xuất hiện các cáo buộc nói rằng chính quyền Thái Lan ngăn cản phụ nữ Kayah tái định cư đến các nước thứ 3 vì họ có giá trị thu hút khách du lịch.
Ma Ja, một trong những phụ nữ cổ dài theo gia đình chuyển đến Thái Lan năm cô 11 tuổi, hy vọng mọi người không chú ý đến lời kêu gọi của bà McKinsey. Đối với cô, những du khách này không chỉ là nguồn thu nhập duy nhất mà còn là nguồn sinh lợi độc nhất cho phép những người phụ nữ kiếm được gấp 10 lần chồng mình vào mùa du lịch cao điểm.
"Lúc đầu, tôi không hiểu tại sao họ phải để khách du lịch vào và thăm chúng tôi, sau này tôi mới hiểu lý do. Đó là bởi chúng tôi có một nền văn hóa khác mà mọi người bên ngoài muốn biết. Về mặt tích cực, khi khách du lịch đến, họ tạo công ăn việc làm cho chúng tôi. Chúng tôi có thu nhập từ việc bán đồ lưu niệm. Việc này trở thành nguồn thu nhập chính bởi chúng tôi không có bất cứ khoản thu nhập nào khác. Nếu không có khách du lịch đến, chúng tôi không biết phải làm thế nào", chị Ma Ja nói.
Một nam cư dân ở Huai Sua Tao nói rằng cuộc sống ở Thái Lan tốt hơn nhiều so với quê nhà. Anh nhớ lại khoảng thời gian cả gia đình đi bộ xuyên rừng để đến Thái Lan, nơi mà mọi người "không bị quân lính làm phiền".
Chị Ma Pang, một bà mẹ 2 con 34 tuổi, chia sẻ: "Tôi không được đi học. khi đến đây, tôi bắt đầu bán đồ lưu niệm. Tôi đeo vòng cổ từ năm 9 tuổi vì đó là một phần văn hóa của chúng tôi. Với tôi, ở đây tôi cảm thấy hạnh phúc, dù không được đến trường nhưng tôi có thể giúp mẹ kiếm sống".
Dù an toàn hơn nhưng cuộc sống ở Thái Lan đối với những người di cư Huai Sua Tao vẫn khó khăn. Ngôi làng kém phát triển, nguồn điện nhỏ giọt chỉ đủ để sạc điện thoại hoặc cung cấp năng lượng cho một chiếc tivi cũ trong những ngôi nhà gỗ chật chội. Đó là một phần trải nghiệm mà các du khách muốn có được khi tới đây. "Khách du lịch sẽ không muốn đến thăm nếu ngôi làng được phát triển", Boonrat Santisuk, người làm việc ở cổng thu phí vào làng cho biết.
Cô nói rằng sau khi những phụ nữ dành đủ thời gian ở làng và tiết kiệm được tiền, họ có thể xây một ngôi nhà tại khu vực phát triển hơn, ngay trên đồi. Đó là nơi những người dân gốc Thái Lan thường xuyên sinh sống bên ngoài khu du lịch.
Ngoài ra, cơ hội sống và làm việc tại Thái Lan bị hạn chế nghiêm trọng đối với những người di cư không có giấy tờ như người Kayah. Chi phí sinh hoạt có thể cao hơn đáng kể, vì vậy việc di chuyển xa hơn là điều không dễ dàng. Những phụ nữ Kayah và gia đình họ đều được tự do đi lại và làm việc ở Mae Hong Son nhưng để đến tỉnh khác thì họ phải có giấy phép.
"Theo ước tính có khoảng 3 triệu lao động nhập cư Myanmar ở Thái Lan, trong đó chỉ một nửa có giấy phép lao động được đảm bảo thông qua quá trình di cư chính thức. Người lao động nhập cư đã đăng ký có quyền làm việc nhưng việc di chuyển bị hạn chế trong tỉnh được chỉ định, trừ khi họ được ủy quyền cụ thể. Những lao động nhập cư không có giấy tờ tùy thân và người tị nạn sống bên ngoài các trại sẽ bị coi là nhập cư bất hợp pháp, bị trục xuất", ông Duncan McArthur, giám đốc của Tổ chức biên giới Thái-Miến, một tổ chức phi chính phủ địa phương cung cấp viện trợ cho người tị nạn Myanmar, giải thích.
Luật pháp Thái Lan ngày càng nghiêm ngặt đối với những doanh nghiệp thuê lao động không giấy tờ. Điều này khiến cuộc sống người tị nạn sống bên ngoài các trại ngày càng khó khăn hơn. Hàng ngàn người đã phải quay trở về Myanmar.
Đối với phụ nữ Huai Sua Tao và những phụ nữ ở các ngôi làng cổ dài khác, họ còn ít lựa chọn hơn. Tuy nhiên, họ có một vị trí độc tôn bởi văn hóa của họ là một mặt hàng có giá trị.
Những ngôi làng cổ dài còn xuất hiện ở xung quanh Chiang Mai và Pattaya, thủ phủ du lịch tình dục khét tiếng nằm cách Mae Hong Son hàng trăm km về phía nam. Vào năm 2017, có thêm 3 ngôi làng cổ dài ở Pattaya được mở ra để phục vụ du khách Trung Quốc. Tỉnh Chiang Mai tuy không béo bở như Pattaya nhưng lại có lợi thế nằm cạnh Mae Hong Son và gần giống cuộc sống của người Kayah khi còn ở Myanmar.
Ma Pang chia sẻ: "Ở Pattaya lương cao nhất, sau đó đến Chiang Mai, thấp nhất là ở đây". Ma Pang khi ấy đang chờ giấy phép để đến Pattaya làm việc trong vài tháng. Cô không phải người phụ nữ đầu tiên rời đi để kiếm tiền, đặc biệt là vào mùa mưa khi du lịch tại Mae Hong Son sụt giảm. Nhưng chồng và 2 con của Ma Pang sẽ ở lại đây. Họ không có thẻ căn cước Thái Lan nên những đứa trẻ không thể đi học tại Pattaya. Tại Huai Sua Tao, địa phương vẫn tạo điều kiện cho con của những người nhập cư đi học.
Ma Ja nói rằng bản thân và gia đình không có kế hoạch rời Huai Sua Tao. Cô và phần lớn những phụ nữ khác đều đánh giá cao cuộc sống ở đây, muốn khách du lịch đến ngày càng nhiều nhưng không thể mong mỏi điều gì đó khác biệt. "Tôi không có sự lựa chọn, nếu được học hành, tôi sẽ làm công việc khác chứ không chỉ bị chụp ảnh. Tôi cảm thấy cuộc sống có nhiều thứ để làm hơn chứ không chỉ có điều này", Ma Ja nói.
Nguồn: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ky-la-ngoi-lang-noi-phu-nu-co-dai-hon-dau-muon-bo-...
Chuyện lạ thế giới