Hoàng đế cuối cùng của TQ sống ra sao sau khi thoái vị, phải vào trại cải tạo?
- Thứ tư - 21/07/2021 10:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau khi quân Quan Đông Nhật Bản chiến bại, hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh Phổ Nghi bị hồng quân Liên Xô bắt làm tù binh, đưa về giam ở Liên Xô. Năm năm sau, ngày 3/8/1950, Liên Xô mới áp giải Phổ Nghi về Trung Quốc.
Khi về nước, Phổ Nghi bị giam tại Trại quản lý tù nhân chiến tranh Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh. Trại cải tạo này chủ yếu dành cho tội phạm chiến tranh Mãn Châu, tội phạm chiến tranh Nhật Bản và một bộ phận tội phạm chiến tranh quốc gia. Phổ Nghi bị giam tại đây gần 10 năm vì tội bắt tay với quân Nhật. Đến tháng 12 năm 1959 mới được ân xá.
“Hoàng đế nhí” Phổ Nghi từng có một cuộc sống được “nuông chiều”
Tuy trước đó, Phổ Nghi chỉ là bù nhìn của người Nhật, nhưng “hoàng đế nhí” vẫn có một cuộc sống được “nuông chiều”. Đến lúc trở thành một tội phạm chiến tranh, bị giam trong trại cải tạo, ông cũng phải tuân thủ các quy định nơi đây như mọi phạm nhân khác, không có đặc cách.
Khi mới đến trại cải tạo, Phổ Nghi rất khó chịu. Trước hết là xưng hô. Ông không còn là hoàng đế nữa, nên những người ở trại cải tạo không được phép gọi ông là hoàng đế. Sau tất cả, thời thế đã thay đổi.
Theo quy định của trại, người khác chỉ cần gọi tên ông là “Phổ Nghi” và đừng làm bất cứ điều gì đặc biệt. Cách gọi này là bình thường đối với mọi người, nhưng đối với Phổ Nghi thì ông thấy rất khó chấp nhận. Nhiều lần mọi người gọi, ông không có phản ứng quay đầu lại, mà sau một hồi lâu ông mới nhận ra người ta đang gọi mình.
Phổ Nghi từ một hoàng đế trở thành tội phạm chiến tranh
Trong trại cải tạo, Phổ Nghi mang số 981. Phổ Nghi từng nói rằng, ông không quen nghe người khác gọi tên mình, tốt hơn là họ hãy gọi bằng số của ông.
Ở nơi này, Phổ Nghi cũng không có quyền lợi đặc biệt, cùng ăn cùng ngủ với những tội phạm chiến tranh khác. Sau một thời gian dài, những tội phạm chiến tranh cùng nhóm đều gọi ông là “lão Phổ”. Lúc đầu ông không đồng ý, nhưng về sau dần dần nghe quen tai hơn. Nếu ai đó đột nhiên gọi ông là hoàng đế, ông lại nghĩ đó là sự giễu cợt.
Khi mới đến trại cải tạo, Phổ Nghi thậm chí không thể tự chăm sóc bản thân. Những phạm nhân khác đều gọi ông là “phế phẩm”. Bởi vì ông còn không biết cả mặc quần áo mà cần phải có người giúp đỡ.
Một lần, trong bữa ăn, có người hỏi ông: “Phổ Nghi à, ông có thích ăn bánh bao hẹ không?”. Phổ Nghi đáp: “Bánh bao hẹ, tôi rất thích ăn. Nếu là bánh bao hẹ, tôi có thể ăn một cân, không vấn đề gì”. Ông vừa dứt lời thì họ cười lớn một tràng, bởi món mà ông đang ăn lúc đó chính là bánh bao hẹ. Ông thậm chí còn không biết món mình đang ăn là gì.
Trong trại cải tạo, Phổ Nghi cũng phải trực nhật luân phiên như mọi người, quét rác, dọn vệ sinh. Một hôm, đến phiên ông phải đổ phân và nước tiểu cho những người cùng tổ, ông cảm thấy vô cùng khó thực hiện. Sau đó, lãnh đạo trại đã đồng ý miễn trực nhật vệ sinh cho ông. Phổ Nghi gọi “đặc ân” này như là “ánh sáng cuối đường hầm” vậy.
Phổ Nghi chật vật tập làm một người “bình thường”
Trong số những phạm nhân cùng tổ, có một người tên là Hiến Quân. Ông cũng đến từ gia tộc Ái Tân Giác La (tức cũng là thành viên của hoàng tộc nhà Thanh), xấp xỉ tuổi của Phổ Nghi. Hai người họ làm việc cùng nhau. Lúc đầu, Hiến Quân có vẻ rất khó xử bởi vì nhìn thấy Phổ Nghi, ông còn không dám ngẩng đầu lên, và còn nói những câu như “hoàng thượng thánh minh, nô tài đáng chết”. Sau đó họ mới quen xưng hô nói chuyện ngang hàng.
Khi cả nhóm làm việc cùng nhau, Phổ Nghi thường làm hỏng, thành ra cả nhóm phải làm lại. Lúc đầu mọi người không nói gì, nhưng quá nhiều lần như vậy, họ đành nói ra. Có lần, Hiến Quân bực mình nói: “Tôi thấy, người này đúng là phế phẩm rồi”.
Phổ Nghi nghe được, tức muốn chết nhưng cũng không biết làm thế nào, đành nói một cách bất lực: “Hừ, ta thật là vô dụng”.
Ở trong trại cải tạo, khả năng vệ sinh cá nhân của Phổ Nghi rất tệ. Quần áo ông thường rất bẩn. Có hôm, Phổ Nghi đi dạo trong sân. Trưởng trại cải tạo trông thấy, liền gọi: “Phổ Nghi, quần áo của anh cũng giống như mọi người, sao thân thể anh lại khác với mọi người?”.
Phổ Nghi cúi đầu không trả lời. Lời của trại trưởng muốn nói đến việc vệ sinh cá nhân của Phổ Nghi không tốt nên quần áo Phổ Nghi thành ra luộm thuộm, nhăn nhúm, áo đứt khuy, túi rách.
Trại trưởng nói tiếp: “Anh xem, mọi người ăn ở thế nào, anh học theo điểm mạnh của họ, mới có thể tiến bộ được!”.
Phổ Nghi cũng có lòng tự trọng, nghe trại trưởng nói vậy, ông thấy rất xấu hổ. Từ đó, ông cố gắng dần dần học cách tự lo liệu cuộc sống của mình.
Nguồn: http://danviet.vn/hoang-de-cuoi-cung-cua-tq-song-ra-sao-sau-khi-mat-chuc-phai-vao-trai-...
Thâm cung bí sử