Hình phạt đáng sợ dành cho nhóm cung nữ dám lập mưu hành thích hoàng đế
- Thứ năm - 24/09/2020 19:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Minh Thế Tông (1507-1567), tên thật là Chu Hậu Thông, lấy niên hiệu là Gia Tĩnh nên còn được gọi là Gia Tĩnh Đế. Ông là vị hoàng đế thứ 12 của triều đại nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông là một trong những vị vua Trung Quốc có thời gian tại vị lâu nhất (cai trị tổng cộng 45 năm, từ năm 1521-1567).
Chân dung hoàng đế Minh Thế Tông.
Tuy vậy ông không phải là người được thần dân kính trọng, yêu mến. Không chỉ bỏ bê chính sự khiến nước nhà ngày càng suy yếu Gia Tĩnh Đế còn có thói hoang dâm vô độ. Dàn cung tần mỹ nữ của ông lên đến hàng nghìn người, phần lớn là gái nhà lành được quan lại địa phương cống nạp.
Hậu cung của Minh Thế Tông nhìn bên ngoài thì xa hoa tráng lệ nhưng bên trong thì đáng sợ không khác gì địa ngục trần gian. Bước chân vào đây các cô gái phải hứng chịu mọi sự giày vò, tra tấn của hoàng đế. Do đó, tỉ lệ cung nữ mất mạng dưới thời vua Gia Tĩnh cũng là cao nhất, lên đến 20%. Đáng nói, họ ra đi vô cùng oan ức, không phải do mắc lỗi hay phạm tội mà chỉ vì chút sơ suất nhỏ trong khi hầu hạ đức vua. Ngay đến các phi tần có địa vị đôi khi cũng phải chịu trận đòn vô lý từ hoàng thượng.
Đặc biệt Chu Hậu Thông vô cùng sùng bái Đạo giáo. Suốt ngày ông ta chỉ quỳ lạy cầu khấn, uống tiên đan linh dược với mong muốn được trường sinh bất tử, tuổi thọ sánh ngang với đất trời. Để biến giấc mơ thành sự thật, vua Gia Tĩnh cho người bắt bớ vô số trinh nữ trong độ tuổi 13-14 sau đó lấy máu của họ để điều chế ra một chất được gọi là "chì đỏ". Để đảm bảo cơ thể được tinh khiết, các cô gái chỉ được phép ăn lá dâu, uống nước sương sớm. Nhiều người đã bỏ mạng vì suy nhược cơ thể sau thời gian dài ăn theo chế độ hà khắc này.
Không thể chịu cảnh “sống không bằng chết”, vào năm 1542, 16 cung nữ đã cùng nhau lên kế hoạch ám sát hoàng thượng. Người được giao nhiệm vụ hành thích vua Gia Tĩnh là Dương Kim Anh, người hầu của Tào Đoan phi.
Đoan phi vốn sở hữu dung mạo xinh đẹp, lại giỏi ca múa nên được Gia Tĩnh Đế vô cùng sủng ái. Song khi hoàng đế “trái tính trái nết” thì nàng cũng khó tránh tai ương. Những lúc như vậy Dương Kim Anh chính là người đứng ra chịu tội thay cho chủ nhân của mình. Là người bộc trực, khí khái, thấy bất công thì trong lòng không thể chịu được nên Dương Kim Anh đã cả gan lên kế hoạch mưu sát thiên tử. Cô âm thầm móc nối với các cung nữ có chung chí hướng, quyết tâm đoạt mạng hôn quân. Làm nội ứng cho Dương Kim Anh là Ninh tần Vương Thị- người bị hoàng đế lạnh nhạt và trừng phạt trong một thời gian dài. Cả hai thống nhất sẽ ra tay khi hoàng đế lâm hạnh Đoan phi tại tẩm cung.
Tranh minh họa cảnh vua Gia Tĩnh bị các cung nữ ám sát.
Sau khi uống tiên đan, vua Gia Tĩnh đến tẩm cung của Đoan phi, còn gọi cả Ninh tần Vương Thị đến để cùng “hoan lạc”. Sau khi vua ngủ say Ninh tần đã nghĩ cách đánh lạc hướng chú ý của Đoan phi và đám người hầu rồi gõ vào ô cửa làm ám hiệu cho các cung nữ đang đợi bên ngoài.
Chân dung hoàng hậu Phương thị.
Nghe tiếng gõ cửa, Dương Kim Anh lẻn vào tẩm cung dùng dây thừng chuẩn bị sẵn kết thành một thòng lọng thắt cổ hoàng đế rồi ra sức kéo chặt. Các cung nữ khác có nhiệm vụ giữ chân tay nhà vua. Khi hoàng đế tỉnh dậy, ra sức phản kháng thì lúc này Dương Kim Anh đã buộc một đầu sợi dây vào thành giường. Tuy nhiên do không thắt nút đúng cách, lại là phận “liễu yếu đào tơ”, vừa ra tay vừa sợ nên Gia Tĩnh Đế có cơ hội thở được và tìm cách chống đỡ. Đúng lúc này, hoàng hậu Phương thị cùng người hầu, binh lính xuất hiện giải cứu vua và bắt giữ hung thủ.
Sở dĩ, hoàng hậu phát hiện kịp thời là do trong nhóm cung nữ hành thích hoàng đế có người tên Trương Kim Liên đã trình báo. Khi tất cả vào cung hành sự, đột nhiên người này thấy sợ hãi nên đã phản bội các chị em của mình. Ngay hôm sau, nhóm cung nữ bị xử “lăng trì” (tùng xẻo), gia đình của họ cũng bị tru di tam tộc. Cùng lúc trong cung Tào Đoan phi và Ninh tần cũng bị xử tử.
Sau khi suýt mất mạng, Minh Thế Tông vô cùng sợ hãi, ăn không ngon ngủ không yên nên đã quyết định chuyển đến Tây Uyển sống tại cung Vĩnh Thọ và đổi thành cung Vạn Thọ. Suốt gần 25 năm sau đó, mỗi ngày ông ta chỉ tụng kinh, lễ bái, uống tiên đan để trốn tránh nỗi sợ và mong trường sinh bất tử. Năm 1567, Gia Tĩnh Đế băng hà sau thời gian dài bị nhiễm độc vì uống quá nhiều "thuốc trường sinh".
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/hinh-phat-dang-so-danh-cho-nhom-cung-nu-dam-lap-muu-hanh-thi...