Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Giật mình trước lần chi tiền huyền thoại của người đàn ông khiến giá vàng tuột dốc suốt 12 năm

Giật mình trước lần chi tiền huyền thoại của người đàn ông khiến giá vàng tuột dốc suốt 12 năm
Vua Mansa Musa sở hữu khối tài sản lớn đến mức ngoài sức tưởng tượng và được coi là người giàu nhất lịch sử nhân loại.

Mansa Musa là vua của Đế chế Mali – một đế chế rất giàu có và thịnh vượng, một trung tâm thương mại và văn hóa có ảnh hưởng bao trùm lên toàn khu vực Sahara và Tây Phi, lan sang tới Trung Đông và thậm chí tới cả Đông Á. 

Đây cũng là đế chế có diện tích vô cùng rộng lớn, bằng 9 quốc gia Châu Phi ngày nay cộng lại, bao gồm Senegal, Gambia, Guinea-Bissau, Cote d'Ivoire, Burkina Faso, Mali, Niger, Mauritania, và Chad.

Chân dung vị vua giàu có nhất lịch sử nhân loại.

Được biết, vào năm 1312 là thời điểm ông lên ngôi, các quốc gia châu Âu đang phải vật lộn với nội chiến và tình trạng thiếu hụt tài nguyên, thế nhưng nền kinh tế của Mali lại cực kỳ phát triển.

Dưới sự cai trị của vua Musa, đế chế vốn thịnh vượng này đã mở rộng gấp ba lần diện tích của mình. Ông cũng sáp nhập 24 thành phố vào Mali, trong đó có trung tâm thương mại quan trọng - trung tâm học thuật Timbuktu.

Vị vua này sau đó còn xây dựng những cung điện lớn, nhà thờ công phu nhất lịch sử cùng nhiều trường đại học và thư viện tại thành phố Timbuku. Hai trong số các di tích đó vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay.

Nhà thờ Djinguereber ở Timbuktu được vua Musa cho xây dựng vào năm 1327 sau chuyến hành hương tới thánh địa Mecca. Ảnh: TED-Ed

Nhiều nguồn tin cho rằng sự giàu có của Đế chế Mali tới từ những mỏ vàng tự nhiên ở Tây Phi, cùng những mỏ đồng và một nguồn vỏ bò vô tận (từng được sử dụng làm tiền tệ trong nhiều thế kỷ ở Châu Phi). Không chỉ vậy, Đế chế Mali còn sở hữu rất nhiều nguồn nguyên liệu để tạo ra các mặt hàng xa xỉ trong thời Trung Cổ bao như muối, gia vị, hạt cườm…

Theo ước tính của Bảo tàng Anh, trong thời gian trị vì của Musa, Đế chế Mali đã sở hữu gần một nửa trữ lượng vàng của Cựu thế giới (các vùng đất được người Châu Âu biết đến trước khi Christopher Columbus tìm ra châu Mỹ năm 1492, bao gồm châu Âu, châu Á, châu Phi và các hòn đảo bao quanh).

Sự phát triển của Đế chế Mali song hành cùng với độ giàu có ngày càng tăng của vua Mansa Musa. Theo thông tin từ tạp chí Time, vị vua này giàu hơn bất cứ ai và sở hữu khối tài sản lớn hơn gấp nhiều lần so với người giàu thứ hai nhân loại là Hoàng đế La Mã Augustus Caesar.

Lần chi tiền làm lũng đoạn thị trường

Dù là người sở hữu khối tài sản “khổng lồ” nhất nhân loại, vua Mansa Musa lại chỉ được biết đến sau khi ông thực hiện cuộc hành hương tới thánh địa Mecca huyền thoại vào năm 1324. Theo các nhà sử học, đây là một chuyến đi có tính toán của vị vua này khi muốn dùng chuyến đi để “phô” sự giàu có và hùng mạnh của Đế chế Mali cũng như thể hiện sự sùng đạo của mình.

Vị trí của Đế chế Mali giàu có và thịnh vượng trên bản đồ. Ảnh: TED-Ed

Theo các tài liệu của Ibn Faḍl Allah al-Umarī (1301-1349), một học giả và nhà sử học Ả Rập sống cùng thời với vua Musa ở Ai Cập, quy mô chuyến hành hương năm 1324 của Đế chế Mali cực kỳ lớn. Đoàn tùy tùng của ông trong chuyến hành hương này có 60.000 người gồm các quan chức triều đình, binh lính, người điều khiển lạc đà, thương gia cùng 12.000 nô lệ hầu hạ.

Vua Musa cũng cho đóng những đoàn tàu dài chỉ để chở gia súc, hàng hóa và một khối lượng lớn tài sản toàn vàng. Ibn Khaldun, một nhà sử học ở thời đó đã hỏi một trong những người tham gia cuộc hành hương của Musa và được kể lại rằng: "Mỗi lần dừng lại, Musa đều chiêu đãi đoàn tùy tùng bằng những loại thực phẩm và bánh kẹo quý hiếm".

Đến Cairo, Musa đã ngay lập tức cho mọi người thấy sự kiêu ngạo của mình. Sau khi được mời đến gặp quốc vương Ai Cập là al-Malik al-Nasir, ông đã từ chối bởi điều đó đồng nghĩa với việc ông phải quỳ xuống hôn đất và bàn tay của quốc vương.

Không những vậy, vị vua này còn tiêu xài một cách cực hào phóng trong thời gian ở Cairo (Ai Cập). Ông ban phát vàng cho người nghèo ở thành phố này nhiều đến mức làm giảm giá trị của nó ở Ai Cập, vì thế tác động lớn tới nền kinh tế của quốc gia này. Thậm chí, phải mất đến 12 năm sau, quốc gia này mới phục hồi được sau lần “vung tay” kinh khủng của vua Musa.

Đoàn hành hương gồm hàng chục nghìn người cùng nhiều gia súc và tài sản của vua Mansa Musa. Ảnh: TED-Ed

Theo ước tính của các nhà sử học, đoàn hành hương của vua Musa đã chi tiêu tổng cộng hết 12,3 tấn vàng và sự mất giá của vàng đã dẫn đến thiệt hại trị giá khoảng 1,5 tỷ USD trên khắp khu vực Trung Đông. Trên đường về, Musa đã cố gắng hỗ trợ nền kinh tế Ai Cập bằng cách mua lại một phần vàng mà ông đã cho đi trước đó nhưng với giá cắt cổ.

Bài viết của nhà sử học Al-Umari còn tiết lộ vua Musa thực chất đã tiêu hết vàng ở Ai Cập, khi đó, ông đã vay của các thương gia Cairo để tiêu xài, và chấp nhận trả một lãi suất cực cao.

Vua Mansa Musa kết thúc quãng thời gian 25 năm cai trị Đế chế Mali khi qua đời ở tuổi 57 vào năm 1337. Mansa Maghan, con trai vua Musa là người kế vị nhưng tiếc thay, vị vua mới đã không thể viết tiếp câu chuyện của thế hệ đi trước về sự giàu có và hòa bình của Đế chế Mali.

Vào cuối thế kỷ 14, Đế chế Songhay kéo quân tấn công và chiếm đóng Mali vì muốn sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào của nơi này. Nguồn tài sản của quốc gia vì thế mà dần bị cạn kiệt.

Đến cuối thế kỷ 15, Mali trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha. Sự xuất hiện của người Châu Âu ở Tây Phi đã đặt dấu chấm hết cho Đế chế Mali thịnh vượng một thời, cùng câu chuyện về vị vua giàu có nhất lịch sử nhân loại.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/giat-minh-truoc-lan-chi-tien-huyen-thoai-cua...Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/kinh-doanh/giat-minh-truoc-lan-chi-tien-huyen-thoai-cua-nguoi-dan-ong-khien-gia-vang-tuot-doc-suot-12-nam-a337860.html

Ngỡ ngàng người đàn ông có 100 người vợ, hơn 70 bà trong đó được "thừa hưởng" từ cha
Chế độ đa thê không được chấp nhận ở nhiều nơi trong cuộc sống hiện tại, nhưng nó lại là một nét văn hóa ở Bafut.
Bấm xem >>
Theo Đinh Kim (Đời sống & Pháp luật)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây