Dấu hiệu nhận biết thực phẩm đã bị "tẩm độc", tẩy trắng
- Thứ sáu - 20/03/2020 19:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa: Internet
Trên thị trường hiện có hai loại bò viên, một loại màu trắng và một loại có màu sậm đen. Một số chủ sạp thịt bò tại chợ Nguyễn Thông (Q.3) cho biết, giá rẻ là do bò viên trắng làm từ thịt bò nạm, còn viên sậm màu làm từ thịt đùi bò, giá cao hơn (?).
Tuy nhiên, theo anh H.V.Th., một người làm bò viên tại Q.8, thịt bò có màu đỏ tươi nên màu đúng của sản phẩm này là màu sậm, hơi đen. Muốn làm bò viên, cá viên, chả cá... phải chọn thịt bò mới giết thịt hay cá tươi, nhưng với “công nghệ” hiện nay thì ngay cả thịt ế, cá ươn cuối ngày cũng có thể làm ra những viên bò, viên cá đẹp mắt. Thịt được đưa vào máy ly tâm (một loại máy chuyên dụng để sản xuất giò chả, bò viên, cá viên), kèm theo là các loại bột phụ gia chống thối, chống nhớt, tạo độ dẻo, giòn, mịn. Sau đó thì chẳng còn phân biệt đâu là nguyên liệu tươi và cũ. Riêng cách tạo màu trắng cho bò viên, nhiều cơ sở thường dùng một loại hóa chất tẩy trắng để giấu đi màu sắc đã xuống cấp của nguyên liệu, đồng thời có thể pha trộn thêm các loại bột vào để ăn gian chất lượng.
Không chỉ bò viên, ngay cả dồi trường, bao tử heo, lá sách bò, sò huyết… cũng bị nghi ngờ đã qua công đoạn ngâm tẩm, tẩy trắng.
Một chủ hàng nói thẳng: “Hàng ngâm này giao cho quán. Muốn dồi trường ngon, giòn thì mua loại chín, màu tự nhiên. Ở đây hàng màu gì là tui nói màu đó, không úp mở gì hết”. Theo một số chị bán hàng gần đó tiết lộ, bất kể dồi trường sống hay chín đều được ngâm chất tẩy trắng vì toàn bộ là hàng đông lạnh, hàng cũ.
Loại thực phẩm bị ngâm tẩm, tẩy trắng nhiều nhất là hải sản, đặc biệt là mực ống, bạch tuộc, sò huyết. Trao đổi với PV về vấn đề này, TS Nguyễn Quang Tề - Nguyên Trưởng phòng Sinh học Thực nghiệm (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) cho hay, vì lợi nhuận nhiều tiểu thương vẫn sử dụng các loại hóa chất tẩy trắng để “phù phép” cho các loại hải sản đã hỏng trước khi đem bán. Thậm chí, trong quá trình vận chuyển không ít cơ sở vì lợi ích còn cho urê để bảo quản giữ cho tươi lâu hơn không bị ươn thối.
“Về nguyên tắc vận chuyển để an toàn thường phải theo công thức một mực, 2 đá (tức là 1kg mực, bạch tuộc cần 2kg đá) nhưng vận chuyển sẽ khó khăn hơn nên họ cho thêm urê để vận chuyển nhẹ nhàng hơn và giữ được lâu hơn” - TS Nguyễn Quang Tề cho hay.
Loại thực phẩm bị ngâm tẩm, tẩy trắng nhiều nhất là hải sản, đặc biệt là mực ống, bạch tuộc, sò huyết. Ảnh minh họa: Internet
Theo TS. Tề: Các loại thủy hải sản sau khi chết vài giờ sẽ bị phân hủy. Trong quá trình phân hủy sẽ tạo ra độc tố histamine. Nếu rửa kỹ nhiều lần cũng vẫn không thể loại bỏ được hết các dẫn xuất độc hại của urê hay oxi già đã ngấm sâu vào thực phẩm, gây hại cho sức khỏe.
Theo quy định của Bộ Y tế, oxy già, urê không nằm trong danh mục các loại hóa chất phụ gia được phép cho vào thực phẩm. Đối với urê, người dùng có thể bị ngộ độc cấp tính nếu ăn phải các loại hải sản như cá, mực… có dư lượng urê cao. Ăn thường xuyên dù ở hàm lượng ít, urê cũng tích tụ dần vào cơ thể gây độ mạn tính, ảnh hưởng đến gan, thận, gây tiêu chảy, rối loạn thần kinh...
Với oxi già công nghiệp tẩy trắng và làm sạch cho mực hay bạch tuộc cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nếu chất độc tích tụ trong cơ thể. Trong oxi già công nghiệp có nhiều tạp chất có thể gây các bệnh về đường ruột, thần kinh… tùy vào các chất.
Với các thực phẩm có nguy cơ lạm dụng hàn the, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, có thể phân biệt qua mùi vị và màu sắc. Đối với thịt lợn, miếng thịt có tẩm hàn the rất tươi, thớ thịt săn nhưng khô. Khi cắt vào bên trong thịt nhũn, có dịch, độ đàn hồi kém. Khi ăn sẽ thấy miếng thịt bở và có mùi hôi.
Ngược lại, thịt lợn tươi ngon, bề ngoài không bị nhớt, thịt săn chắc và có độ đàn hồi cao. Khi ấn tay vào thớ thịt thấy mềm tay, thịt lõm xuống sau đó nhanh chóng trở lại bình thường. Khi luộc thịt, nước trong, mùi thơm, ăn dai thịt. Còn với giò lụa, khi mua cần để ý màu sắc và mùi vị của giò. Giò ngon khi cắt ra có màu hồng nhạt, bề mặt giò có nhiều lỗ li ti, sờ vào cảm giác mịn và hơi ướt, khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, không quá giòn, không bị bở. Đối với chả đã bị tẩm hàn the ăn sẽ không có vị béo ngậy đặc trưng của thịt mà lại giòn, dai bất thường…
Cách phân biệt hải sản tươi và hải sản 'tẩm' hóa chất
TS Nguyễn Quang Tề cho biết: Các loại hải sản khi có dấu hiệu hư hỏng luôn có mùi rất đặc trưng là mùi ươn. Ngoài ra, mô thịt thường nhão, không săn chắc tự nhiên như hải sản còn tươi sống. Với bạch thuộc và mực đông lạnh cần xem ngày đóng và hạn sử dụng để tránh mua phải sản phẩm hết hạn. Khi chế biến hải sản nếu thấy mùi khai, có vị khó chịu thì không nên ăn.Theo TS Nguyễn Quang Tề, để tránh mua phải hải sản được ngâm hóa chất, có thể dựa vào một số dấu hiệu cảm quan sau:
Sò huyết thường bị dùng hóa chất tẩy trắng để có màu sắc bắt mắt. Ảnh minh họa: Internet
Đối với bạch tuộc: Chọn bạch tuộc tươi sống còn bơi được là tốt nhất. Bạch tuộc tươi chất lượng phải còn đủ chân, quan sát sẽ có tròng mắt trong sáng, có lớp da căng, bóng mịn nhưng thân hình không trương phình. Khi chế biến, thịt săn nhưng không teo nhỏ, ra ít nước. Thịt ăn giòn, ngọt và có mùi thơm
Còn bạch tuộc ngâm hóa chất thường có màu trắng bệch, ngửi bạch tuộc thấy mùi lạ không có mùi tanh tự nhiên, thậm chí, không còn mùi gì.
Đối với mực, theo PGS-TS Trần Đáng, khi chọn mực tránh chọn những con có mùi hôi. Mực còn nguyên con, có đầy đủ râu là tốt nhất. Mực tươi sẽ có mùi đặc trưng hơi tanh, trắng trong, màng bên ngoài còn nguyên, đầu và thân mực dính liền với nhau và túi mực nguyên bên trong. Mắt mực tươi sẽ sáng, toàn bộ râu mực thấy tươi sáng, màng không rách nhiều.
Các loại mực được tẩy trắng thường có màu trắng trong, nõn nà, đồng đều, bắt mắt. Nếu mực thịt nhão, đầu không dính với thân là mực không tươi, không nên mua, khi chế biến sẽ không có độ ngọt, thơm tự nhiên mà mùi hơi, thịt mềm, nhũn…