Cuộc sống hiện tại của người đàn ông sống sót sau khi bám càng máy bay, vượt 9.000km suốt 11h
- Thứ hai - 04/01/2021 16:42
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Anh Themba Cabeka, 30 tuổi, lần đầu tiết lộ danh tính và hành trình kinh hoàng của mình sau khi cùng một người bạn bám càng máy bay từ Nam Phi đến London (Anh). Cả 2 đã bám vào gầm một chiếc máy bay phản lực, vượt quãng đường hơn 9.000 km, kéo dài hơn 11h. Chỉ đáng tiếc, người bạn của Themba đã tử vong sau khi rơi từ máy bay xuống ở độ cao 1.500 m. Themba may mắn hơn khi sống sót nhưng cũng hôn mê trong bệnh viện suốt nửa năm trời. Mới đây, Themba đã chia sẻ câu chuyện của mình trên chương trình truyền hình có tên "The Man Who Fell From The Sky" (tạm dịch: "Người đàn ông rơi từ bầu trời").
Câu chuyện của Themba bắt đầu khi anh gặp Carlito Vale trong một hộp đêm ở thành phố Johannesburg, Nam Phi. Thembo không có bố, bị mẹ bỏ rơi khi mới 3 tháng tuổi, từ năm 7 tuổi phải sống trong khu ổ chuột gần sân bay. Còn Carlito là đứa trẻ vô gia cư lớn lên trong trại trẻ mồ côi sau cuộc nội chiến ở Mozambique, bị vợ và con gái ghẻ lạnh. Cả hai có nhiều điểm chung và luôn mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Do đó, cả 2 đã nghĩ đến chuyện đổi đời ở nước ngoài bằng một chuyến đi sinh tử.
Kế hoạch trốn thoát của Themba và Carlito bắt đầu sau khi họ xem một cuốn sách kỹ thuật về máy bay. Và thế là tối 18/6/2015, cả 2 đã cùng nhau đến sân bay. Họ đã nhảy qua hàng rào để đột nhập vào sân bay, mặc đồ đen để không bị phát hiện ra trong bóng tối, sau đó ẩn nấp và đợi trong khoảng 15 phút để tìm một chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh.
Anh Themba (phải) đã sống sót kỳ diệu sang khi bám càng máy bay từ Nam Phi tới Anh.
Themba và Carlito đã chọn một chiếc máy bay phản lực của hãng hàng không British Airways. Sau này, anh Themba nói rằng anh đã cố tình tránh máy bay của hãng hàng không Mỹ vì không muốn bay qua đại dương. Chuyến bay cất cánh từ Nam Phi tới London lúc 10h15 phút tối. Đây là lần đầu tiên Themba và Carlito đi máy bay nhưng hiển nhiên không phải theo cách hợp pháp. Cả 2 đã chui vào gầm máy bay, ở nơi có thể nghe được tiếng gầm của động cơ khi cất cánh.
"Chúng tôi phải nép mình vào bên trong. Tim tôi đập rất mạnh nhưng tôi không còn tâm trí nào nữa bởi tôi đã quyết định làm điều đó. Tôi biết nó vô cùng nguy hiểm nhưng tôi phải tự cứu lấy cuộc sống của mình. Tôi không quan tâm mình sống hay chết. Tôi phải rời châu Phi để tồn tại", anh Themba nhớ lại.
Anh Themba và anh Carlito đã buộc mình vào gầm máy bay bằng một sợi dây cáp điện quấn quanh cánh tay. Các chuyên gia hàng không cho biết rất hiếm để một người sống sót bằng cách bám càng máy bay bởi ở trong khoang gầm máy bay không có thiết bị sưởi ấm, không có áp suất. Rất nhanh sau đó, anh Themba đã bất tỉnh do thiếu oxy khi máy bay lên cao.
Anh Themba nhớ lại: "Khi máy bay cất cánh, tôi có thể nhìn thấy mặt đất, những chiếc xe hơi, những con người nhỏ xíu. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, tôi bất tỉnh vì thiếu oxy. Điều cuối cùng tôi nhớ được là khi Carlito quay sang nói với tôi: "Chúng ta thành công rồi"".
Anh Themba được phát hiện khi chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay London Heathrow. Khi đó, Themba hoàn toàn bất tỉnh do thiếu oxy và nhiệt độ hạ xuống -60 độ C khi máy bay lên cao. Anh đã hôn mê trong bệnh viện suốt 6 tháng mới tỉnh dậy. Ngay cả khi tỉnh lại, Themba vẫn không thể tin mình còn sống sót. Điều đầu tiên anh nhớ được là khi anh nằm trên đường băng với một cái chân bị gãy.
Chuyến đi sinh tử của anh Themba và người bạn.
"Điều khiến tôi thức tỉnh là làm thế nào bỏ chạy trên đường băng. Tôi đã ở đây, máy bay ở kia. Tôi tự hỏi mình: "Làm thế nào tôi ra khỏi máy bay được?". Tôi có thể nhìn thấy vài người, họ là nhân viên an ninh, họ bế tôi lên rồi tôi ngất đi. Tôi tỉnh lại trong bệnh viện sau 6 tháng hôn mê", anh Themba kể lại.
Các bác sĩ tin rằng anh Themba sống sót là nhờ nhiệt độ xuống quá thấp khiến cơ thể anh gần như rơi vào trạng thái giống như ngủ đông, khiến tim, não và các cơ quan khác đều hoạt động ở mức tối thiểu, gần như không dùng đến oxy, do đó hạn chế được sự tổn thương tế bào và các cơ quan.
"Tôi may mắn không bị thương ở đầu. Tôi có 2 vết bỏng trên cánh tay nhưng giờ đã ổn nhờ cuộc phẫu thuật. Chỉ có chân tôi là vẫn chưa ổn và đang chờ được xử lý", anh Themba nói thêm.
Điều đáng tiếc nhất có lẽ là anh Themba là người duy nhất sống sót. Người bạn đồng hành với anh - Carlito đã tử nạn trước khi đến được "miền đất hứa". Chỉ vài phút trước khi máy bay hạ cánh, anh Carlito đã bò vào vòm bánh của máy bay, cuối cùng rơi xuống từ độ cao hơn 1.500 m. Thi thể anh Carlito được tìm thấy cách sân bay khoảng 9 km.
Khi anh Themba tỉnh lại, cảnh sát Anh đã đưa cho anh xem một bức ảnh hộ chiếu của Carlito rồi hỏi: "Anh có biết người này không?". Themba trả lời: "Tất nhiên là có. Đó là bạn của tôi, Carlito". Viên cảnh sát nói tiếp: "Anh ấy không bao giờ đến được đây. Anh ấy đã rơi trên đỉnh một tòa nhà".
Sau khi đến được nước Anh nhờ bám càng máy bay, anh Themba đã đổi tên thành Justin. Anh nộp đơn xin tị nạn để được ở lại Anh và may mắn thành công. Hiện tại, anh đang ở trong một căn hộ nhỏ tại thành phố Liverpool nhưng chưa thể làm việc do chấn thương. Anh đang đợi lấy hộ chiếu, quá trình có thể mất tới 5 năm nhưng khi đó, anh có thể đi máy bay một cách thật sự.
Khi nhớ lại chuyến hành trình sinh tử của mình, Themba vẫn còn day dứt và cảm thấy tội lỗi khi chỉ bản thân sống sót, còn Carlito thì không. Anh cũng không thể tham dự đám tang của Carlito vì bị hôn mê nhưng sau này đã tới đặt vòng hoa tại mộ người bạn. Bất chấp nhiều đau khổ đang phải gánh chịu, anh Themba vẫn cho rằng những gì mình đánh đổi để có cuộc sống tại Anh là xứng đáng.
Có khoảng 109 trường hợp bám càng máy bay từng được phát hiện trên toàn thế giới và London là địa điểm phổ biến nhất. Tuy nhiên đến nay, chỉ có 24 trường hợp được phát hiện sống sót. Người đầu tiên sống sót sau trải nghiệm này là Bas Wie, 12 tuổi, trốn trên chuyến bay từ Indonesia đến Australia vào năm 1946.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/cuoc-song-hien-tai-cua-nguoi-dan-ong-song-sot-sau-khi...