"Cuộc di cư lớn nhất thế giới" khi người TQ về quê ăn Tết năm nay vắng lặng khác thường
- Thứ bảy - 06/02/2021 21:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc thường được gọi là "Xuân vận" hoặc "cuộc di cư lớn nhất thế giới" khi hàng tỷ lượt người dân từ các thành phố, đô thị, đổ xô về quê hương ăn Tết, tạo nên khung cảnh có 1-0-2. Những con đường chật cứng, các bến tàu, nhà ga kín không một chỗ trống, người người chen chúc nhau để về quê, chẳng khác nào một cuộc di dân quy mô lớn. Đối với người Trung Quốc, "Xuân vận" đã trở thành một đặc sản, nét văn hóa đặc trưng mỗi dịp Tết đến xuân về.
Thế nhưng năm nay, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, mọi thứ đã khác hẳn. Để ngăn chặn sự lây nhiễm của virus, đảm bảo an toàn cho mọi người dân, chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích người dân "ăn Tết tại chỗ" để giảm sự đi lại trong những ngày nghỉ lễ. Theo ước tính, lễ hội mùa xuân năm nay có khoảng 1,152 tỷ lượt đi lại, giảm 60% so với năm ngoái.
Cuộc "Xuân vận" năm nay bắt đầu từ ngày 28/1/2021 và thường kéo dài khoảng 40 ngày. Để người dân được đón Tết vui vẻ, an toàn, các cơ quan chính phủ đã đưa ra một loạt biện pháp giúp người dân khắc phục khó khăn, mục đích là để đảm bảo những người chọn không trở về quê hương vẫn được đón một cái Tết trọn vẹn.
Từ vài tuần trước, những biện pháp khuyến khích người dân "ăn Tết tại chỗ" đã được thực hiện, ví dụ như tăng cường cung cấp các chương trình truyền hình trực tuyến, các chương trình giải trí trên nền tảng trực tuyến miễn phí, khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dữ liệu di động miễn phí cho lao động.
Ông Zhao Chenxin, Tổng thư ký Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cho biết tại một cuộc họp báo: "Sự lựa chọn của người dân trong việc ăn Tết tại chỗ sẽ là hỗ trợ lớn nhất trong cuộc chiến chống dịch bệnh của đất nước".
Trung Quốc được cho là quốc gia đầu tiên bùng phát dịch COVID-19, khởi điểm tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Đến nay, tình hình dịch bệnh tại một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp. Đợt bùng phát mới nhất xảy ra ở một số khu vực như tỉnh Hà Bắc, tỉnh Hắc Long Giang, tỉnh Cát Lâm, thành phố Thượng Hải và thủ đô Bắc Kinh.
Trái hẳn với những năm trước, khi vé tàu được bán hết chỉ trong vài giây, năm nay lượng vé dư vẫn còn dồi dào, kể cả trong những ngày cao điểm nhất. Vé máy bay cũng được giảm giá mạnh, một số tuyến giảm 20 - 30%.
Meng Xiatian, một người dân đến từ tỉnh Hà Bắc nhưng quyết định ở lại thủ đô Bắc Kinh ăn Tết, chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng chỉ cần mọi người đoàn kết chống lại dịch bệnh, và tình hình phòng chống dịch bệnh của đất nước được cải thiện, thì bất kỳ sự hối tiếc nào của chúng tôi khi bỏ lỡ dịp sum họp với gia đình trong ngày Tết cũng đều xứng đáng".
Tuy nhiên, vẫn có những người chọn cách trở về quê hương. Feng Nifeng, một nhân viên mát xa làm việc tại Bắc Kinh, đã trở về quê nhà ở tỉnh Thiểm Tây từ giữa tháng 1, chia sẻ: "Tôi phải về nhà vì dịp Tết và cơ hội duy nhất để tôi được nghỉ dài ngày. Tôi đã cố gắng tránh gây rắc rối cho người khác và luôn đảm bảo sự an toàn về sức khỏe trên đường trở về nhà".
Bên cạnh đó, ông Zhao Chenxin cũng nhấn mạnh rằng việc "ăn Tết tại chỗ" là không bắt buộc. Chính quyền các địa phương không ngăn cản người dân về quê, tạo điều kiện cho những người có nhu cầu về quê nhưng cần đảm bảo tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh.
Tất nhiên, quyết định trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế. Chính sách khuyến khích người dân "ăn Tết tại chỗ" sẽ khiến lượng tiêu dùng, đặc biệt ở các thành phố nội địa, giảm đi trông thấy. Một số ngành như du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
Hu Qimu, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Sinosteel, nói trên tờ Thời báo Hoàn cầu: "Vì hầu hết công nhân và nhân viên làm việc tại các thành phố lớn ven biển nên chính sách mới sẽ mang đến một số tác động tiêu cực tới lĩnh vực tiêu dùng ở một số khu nội địa nhỏ hơn, từ đó kéo theo lượng tiêu dùng chung giảm ở một mức độ nào đó". Tuy nhiên, ông Hu Qimu cũng nói thêm rằng tác động đó có thể không cản trở xu hướng phục hồi kinh tế chung ở Trung Quốc nếu có hỗ trợ của chính phủ và động lực sản xuất.
Nhiều công ty cho rằng việc người dân không về nhà ăn Tết sẽ có lợi cho ngành sản xuất của Trung Quốc, bởi họ sẽ không cần phải lo lắng về tình trạng thiếu nhân viên sau kỳ nghỉ lễ, nhờ đó có thể tiếp tục hoàn thành các đơn đặt hàng.
Chen Fangfang, tổng giám đốc của một nhà máy sản phẩm y tế thuộc Zhende Medical Co có trụ sở tại thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, nói rằng 600 nhân viên không phải là người địa phương sẽ ở lại và họ sẽ nhận được khoản tiền thưởng là 5.000 nhân dân tệ (gần 18 triệu đồng).
Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra nhiều giải pháp khuyến khích người dân mua sắm trong kỳ nghỉ lễ, bao gồm các phiếu giảm giá, các chuyến thăm miễn phí tới các địa điểm du lịch và các chương trình khuyến mại. Nhờ đó, các trang thương mại điện tử hoặc các công ty giao hàng sẽ được hưởng lợi từ việc mua sắm online.
Trong 3 ngày đầu tiên của "Xuân vận" năm nay, chưa đến 9 triệu lượt khách được vận chuyển bằng đường sắt quốc gia, chỉ bằng 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, ngành hàng không tiếp đón khoảng 10.000 lượt khách, giảm hơn 70% so với năm ngoái dù đã giảm giá kịch sàn. Đường bay từ Bắc Kinh - Cáp Nhĩ Tân giảm 50%, từ Bắc Kinh - Tam Á giảm 20% nhưng vẫn vắng khách.
Theo ông Li Wenxin, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc, một số chuyến tàu đã bị hủy do lưu lượng khách thấp hơn dự kiến và kết hợp với công tác phòng chống dịch. Từ ngày 28/1 đến ngày 4/2, một nửa chuyến tàu cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải đã phải đình chỉ.
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/cuoc-di-cu-lon-nhat-the-gioi-khi-nguoi-tq-ve-que-an-t...