Cúng giao thừa cần đặc biệt chú ý điều sau để đủ lễ nghi, cầu được tài lộc cả năm
- Chủ nhật - 30/01/2022 13:32
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cúng giao thừa là lễ cúng đầu tiên trong một năm mới. Mục đích cúng giao thừa không chỉ chào đón một năm mới bắt đầu, mà còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mọi sự tốt lành, làm ăn phát đạt, cuộc sống bình an.
Tuy nhiên, khi tiến hành cúng giao thừa nhiều người vẫn chỉ làm cho có lệ, chưa hiểu hết lễ nghi, thủ tục khi cúng lễ. Điển hình như việc chỉ sắp lễ, cúng trong nhà, không thực hiện cúng ngoài trời.
Ông Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông cho biết, giao thừa là thời điểm quan trọng nhất trong năm, đó là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Mâm cơm cúng giao thừa trong nhà không cần cầu kỳ nhưng phải trang trọng để thành kính báo cáo tổ tiên. Ảnh minh họa.
Theo ông Tuệ, giao có nghĩa là “trao”, thừa có nghĩa là “nhận”. Theo 12 địa chi trong lịch pháp, mỗi năm sẽ có một vị được gọi là Đương nhiên Thái tuế hay còn được gọi là vị Hành khiển. Vị này là ông thần trông coi, cai quản, điều hành tất cả các hệ thống thần tiên và mọi thứ ở trong năm cũ.
Khi thời khắc giao thừa đến, có nghĩa là năm cũ đã kết thúc. Lúc đó vị Hành khiển này cũng sẽ hết một nhiệm kỳ cai quản. “Vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, cũng là lúc vị Hành khiển cũ sẽ trao lại cho vị Hành khiển mới đến nhận nhiệm vụ. Đó chính là lý do thời khắc giao thừa có ý nghĩa là trao và nhận”, ông Tuệ phân tích.
Ông Tuệ cho rằng nhiều gia đình chỉ cúng giao thừa trong nhà, không cúng ngoài trời là sai.
Chính việc chuyển giao này sẽ tác động đến việc cúng lễ giao thừa. Theo đó, cúng giao thừa đúng nhất là phải vừa cúng ở trong nhà, vừa cúng ở ngoài trời. Cúng trong nhà là cúng tổ tiên gia chủ, để tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi điều tốt lành sẽ đến với gia đình.
Còn với mâm cúng ngoài trời là cúng để tiễn vị Hành khiển cũ đi và chào vị Hành khiển mới đến để cai quản trong năm mới. Theo lịch pháp, sự trao đổi này là thời khắc thiên khí, âm – dương giao hòa với nhau, giữa ngày này với ngày khác, năm này với năm khác và phải được thực hiện ngoài trời.
“Đây là thời khắc chuyển giao của thiên khí, vị “Đương niên Hành khiển” theo quan niệm sẽ không vào nhà, Theo quan niệm của Đạo giáo thì sẽ bày hương án “Trung thiên”, tức ngoài trời. Trong nhà chỉ có tổ tiên, thần linh trong nhà”, ông Tuệ lý giải.
Cúng giao thừa ngoài trời là để tiễn vị thần năm cũ, đón vị thần năm mới. Ảnh minh họa.
Với mâm cúng trong nhà không có gì đặc biệt, việc sắp lễ tùy tâm gia chủ nhưng phải tỏ được lòng thành kính với đấng bề trên. Điều cần lưu ý đó chính là mâm cúng ngoài trời. Theo đó, trước khi cúng hương án phải chuẩn bị sẵn, trong đó phải có hai bài vị của hai vị Hành khiển năm cũ và năm mới. Các bài vị này cắm trên các hương án rồi bày đồ lễ ra.
Bài vị thứ nhất của các vị Hành khiển năm cũ gồm: Triệu Vương Hành khiển, Tam Thập Lục Hành Binh, Chi Thần Khúc Tào Phán Quan”. Bài vị của 3 vị năm mới sẽ gồm: Nguỵ Vương Hành Khiển, Mộc Tinh Hành Binh, Chi Thần Tiêu Tào Phán Quan.
Đối với đồ cúng tế tuỳ theo hoàn cảnh gia đình có thể dùng hoa quả, bánh trái… không cần quá cầu kỳ. Khi thời khắc lễ giao thừa đến, chỉ cần thắp nhang thành tâm là được. Một điều rất lưu ý là khi cúng ngoài trời chỉ nên cúng ở hè hoặc sân trước nhà, không nên để ra tận cổng, ngoài đường để cúng.
“Đối với việc cúng giao thừa, người xưa rất cẩn thận để thể hệ mức độ thành tâm bằng việc cắt tóc gọn gàng, gội đầu, thay quần áo mới, rồi chờ thời khắc giao thừa ra cúng. Ngày nay, tuy thủ tục này đã rút gọn đi nhưng vẫn phải thể hiện sự thành tâm, tôn trọng không thể xuề xòa”, ông Tuệ tư vấn.
* Tư vấn trong bài thể hiện quan điểm, nghiên cứu của chuyên gia
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/cung-giao-thua-can-dac-biet-chu-y-dieu-sau-de-du-l...
Tin tức TP.HCM