Con gái bị bán sang biên giới, mẹ tự bán thân để cứu và câu chuyện ngoạn mục phía sau
- Thứ ba - 21/09/2021 21:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khi cô Asiya và cô con gái 16 tuổi Marium đang cố nhập cảnh trở lại quê hương Bangladesh từ Ấn Độ vào tháng 6/2021, 2 mẹ con họ đã bị cảnh sát bắt giữ vì cho rằng họ nhập cư trái phép. Thế nhưng khi các quan chức Ấn Độ thẩm vấn người phụ nữ 34 tuổi và đứa con gái tuổi teen của cô, câu chuyện của họ đã khiến tất cả choáng váng.
Cô thiếu nữ Marium đã không may trở thành nạn nhân của một đường dây buôn người xuyên biên giới từ Bangladesh sang Ấn Độ. Biết được điều này, cô Asiya quyết tâm đi cứu con gái bằng cách tự bán mình cho những kẻ buôn người, tìm được con gái rồi đưa con quay trở lại quê hương. Tên của 2 mẹ con này đã được thay đổi để bảo vệ danh tính và sự an toàn của họ.
Cô Asiya đã kể lại hành trình phi thường của mình từ một ngôi nhà lụp xụp trong khu ổ chuột bên ngoài thủ đô Dhaka của Bangladesh trên tờ VICE World News. Cô nói: "Tôi đã làm điều đó không chỉ cho con gái lớn của tôi. Nó cũng dành cho nhiều người khác". Hành động giải cứu con gái của cô Asiya quả thực vô cùng dũng cảm và hiếm có.
Bức ảnh gia đình cô Asiya tại căn nhà ở khu ổ chuột.
Tự bán thân để cứu con gái
Vào ngày 15/1/2021, cô thiếu nữ Marium nhận được lời mời làm việc từ một người đàn ông. Người này là người quen của gia đình nên Marium không hề hoài nghi. Lời mời nói rằng có một công việc thích hợp cho Marium ở một huyện biên giới giữa Bangladesh với Ấn Độ.
"Cháu đã nghĩ rằng công việc đó sẽ phù hợp với mình, vì vậy khi anh ta đến và nói: "Đi thôi", cháu đã thu dọn đồ đạc và đi cùng anh ta", Marium kể lại.
Trên đường đi, người đàn ông kia đã giao Marium lại cho 2 người đàn ông khác nhưng cô gái trẻ vẫn không nghi ngờ gì. Chỉ đến khi họ tới biên giới, Marium mới nhận ra điều bất thường. Marium biết rằng mình đã trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người xuyên biên giới.
"Đó là lúc nửa đêm và tôi bắt đầu khóc. Nhưng họ đã đẩy tôi lên một chiếc thuyền", Marium nhớ lại. Cô gái trẻ đã cố gắng thuyết phục một người đàn ông lạ mặt trên thuyền cho cô mượn điện thoại để gọi về cho mẹ cầu cứu. "Con đang bị đưa tới Ấn Độ. Cứu con với!", Marium hét lên trong điện thoại với mẹ mình nhưng những kẻ buôn người đã túm cô lại rồi giật phăng điện thoại của cô đi.
Trong vài ngày sau đó, Marium đã bị đưa tới một nhà thổ ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ. Tại đây, những cô gái trẻ như Marium sẽ phải trở thành gái mại dâm, kiếm tiền cho những gã chủ nhà thổ bằng cách hoạt động mại dâm, tất nhiên không thể nào có được kết quả tốt đẹp.
Trong khi đó ở Dhaka, người mẹ Asiya đã tới đồn cảnh sát để nộp đơn báo cáo con gái mất tích. Cảnh sát đã nói rằng họ sẽ tiến hành điều tra và an ủi cô Asiya cứ yên tâm, tuy nhiên suốt 40 ngày sau đó, cô vẫn không nhận được bất cứ tung tích gì về con gái mình. Cô Asiya vô cùng đau đớn và tuyệt vọng khi nghĩ đến những tình huống xấu nhất mà con gái mình phải trải qua.
Đơn khiếu nại vụ mất tích của con gái mà cô Asiya đã gửi tới cảnh sát.
Tới tháng 2/2021, cô Asiya quyết định tự mình liên lạc với một người đàn ông mà con gái Marium đã nêu tên trong cuộc gọi cuối cùng, chỉ đích danh hắn là kẻ buôn bán người. Cô Asiya đã đưa ra một quyết định táo bạo. Cô nói với hắn rằng mình cũng đang cần một công việc ở nước ngoài và người đàn ông kia nhanh chóng cớp lấy cơ hội, trả lời cô Asiya rằng có một công việc phù hợp ở Ấn Độ.
"Đó chính xác là những gì tôi muốn", cô Asiya nói trên tờ VICE World News.
Sau đó, cô Asiya gom toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình được 60.000 taka (đơn vị tiền tệ của Bangladesh) (gần 16 triệu đồng) rồi lên đường tới biên giới.
"Tôi giấu tiền dưới bộ tóc giả và trùm khăn kín đầu", cô Asiya kể. Chỉ trong vài ngày sau đó, cô Asiya đã được đưa tới một nhà thổ ở New Delhi, Ấn Độ, đúng như dự đoán của cô. Nhưng con gái cô Asiya không ở đó, cô nhận ra rằng không phải tất cả những cô gái đều được bọn buôn người đưa tới cùng một nơi.
Vô cùng thất vọng và chán nản nhưng cô Asiya vẫn gắng gượng ở lại đó tới tháng 6. Cho tới một hôm, chồng của cô Asiya gọi điện thông báo rằng con gái Marium đã liên lạc với anh thông qua điện thoại di động của một khách hàng. Marium cho biết mình đang ở một nơi cách New Delhi khoảng 1.000 km.
Biết được đây chính là tia hy vọng để cứu con gái, cô Asiya đã trốn khỏi nhà thổ vào lúc nửa đêm. Với sự giúp đỡ của khách hàng của Marium và một số người dân địa phương, 2 mẹ con họ cuối cùng đã được đoàn tụ tại New Delhi.
"Vào đêm 18/6, tôi đã tìm lại được con gái mình. Chủ nhà thổ thú nhận rằng hắn đã mua con gái tôi với giá 3.404 USD (hơn 777 triệu đồng) từ Bangladesh", cô Asiya nói.
Tới ngày 22/6, cô Asiya và con gái Marium cố gắng vượt biên từ Ấn Độ trở về Bangladesh nhưng đã bị các quan chức tại biên giới bắt lại. Hai mẹ con suýt chút nữa trở thành tội phạm vượt biên cho đến khi họ kể câu chuyện đau lòng của mình.
Sau khi biết được câu chuyện của 2 mẹ con cô Asiya, cảnh sát đã đưa họ trở về nhà an toàn. Đồng thời, Tiểu đoàn Hành động Nhanh - lực lượng an ninh đặc biệt của Bangladesh, đã nhanh chóng điều tra và bắt giữ được 3 kẻ nghi phạm liên quan đến vụ mua bán Marium. Chúng bao gồm Mohammad Kalu 40 tuổi, Mohammad Shohag 32 tuổi và Billal Hossain 41 tuổi, đang điều hành một đường dây buôn người xuyên biên giới cùng 25 thủ phạm khác, đã duy trì hoạt động phạm tội này suốt thập kỷ qua. Mỗi nạn nhân của chúng có thể được bán với giá từ 1.173 USD (gần 27 triệu đồng) đến 1.760 USD (gần 40 triệu đồng).
Ba kẻ buôn người đã bị bắt giữ.
Vấn nạn buôn người
Buôn người là tội phạm sinh lợi thứ hai trên thế giới. Đây là một ngành công nghiệp bất hợp pháp trị giá 200 tỷ đô la và một phần tư số tiền đó là từ Nam Á, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc.
Tại Bangladesh, ít nhất 20.000 phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán qua biên giới mỗi năm. Hầu hết những nạn nhân này đều không bao giờ có cơ hội quay lại quê hương. Trong 10 năm qua, chỉ có khoảng 2.000 phụ nữ Bangladesh được trở về nhà.
Các cuộc điều tra của cảnh sát và các báo cáo giám sát của chính phủ cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại của nạn buôn người trong khu vực bất chấp đại dịch COVID-19 và những cách thức mới mà phụ nữ Nam Á đang bị mắc bẫy.
Năm 2021, cảnh sát Ấn Độ cho biết họ đã phát hiện những kẻ buôn người thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook và TikTok, đồng thời sử dụng "những người có ảnh hưởng" để săn mồi là phụ nữ.
Ông Mohammad Tariqul Islam, người đứng đầu vấn đề Công lý và Chăm sóc của Bangladesh, một tổ chức chống nô lệ toàn cầu, nói trên tờ VICE World News: "Những kẻ buôn người liên tục cập nhật các chiến lược và thủ đoạn tinh vi đối với những phụ nữ dễ bị tổn thương. Nhưng một số mô hình cũ hơn như lời mời làm việc giả, các cuộc tình hoặc hôn nhân vẫn không đổi".
Ấn Độ tiếp tục là điểm đến hoặc điểm trung chuyển chính của phụ nữ Bangladesh bị buôn bán. Ít nhất 500.000 phụ nữ và trẻ em gái Bangladesh, từ 12 đến 30 tuổi, đã bị bán cho các nhà thổ ở Ấn Độ.
Ông Islam cho biết thêm: "Những kẻ buôn người lợi dụng khoảng cách phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật Ấn Độ, Bangladesh và các cơ quan đặc biệt. Nếu tất cả hợp lực với nhau thì nhiều sinh mạng sẽ được cứu".
Trong khi đó, cô Asiya và con gái Marium đang lo sợ bị trả thù từ đường dây buôn người mà họ đã vạch trần. Tuy nhiên, cô Asiya nói rằng thử thách mà cô phải trải qua là xứng đáng vì cô cũng từng chứng kiến những cô gái trẻ khác từ khu ổ chuột của mình biến mất giống như con gái Marium.
"Chúng tôi vẫn đang sống trong sự lo lắng và tổn thương", cô Asiya nói.
.content .btn-cv19-link *{box-sizing:border-box}.content .btn-cv19-link{max-width:700px;margin:20px auto}.btn-cv19-link{border-top:1px solid #dfdfdf;margin:20px 0}.btn-cv19-link p{display:flex;padding:15px 0 0;margin:0 -5px !important}.btn-cv19-link p a{flex:0 0 33.33%;max-width:33.33%;padding:0 5px;position:relative}.btn-cv19-link p a img{vertical-align:middle;height:36px !important}.btn-cv19-link p a:before{content:"";position:absolute;top:-16px;left:0;width:100%;height:2px;background:#e28aa5;transition:all ease .5s;transform:scale(0)}.btn-cv19-link p a:hover:before{transform:scale(1)}
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/con-gai-bi-ban-sang-bien-gioi-me-tu-ban-than-de-cu...
An ninh hình sự