Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Có một “trạm cơm 0 đồng” chan chứa nghĩa tình ở Sài Gòn khiến ai cũng thấy ấm lòng

Có một “trạm cơm 0 đồng” chan chứa nghĩa tình ở Sài Gòn khiến ai cũng thấy ấm lòng
Sau một thời gian hoạt động, “Trạm cơm 0 đồng” ở phía trước cổng Bệnh viện Phục hồi chức năng (quận 8, TP.HCM) đã mang đến nhiều bữa ăn chất lượng, giàu dinh dưỡng cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo khó, lang thang cơ nhỡ.

Từ một điểm phát cơm miễn phí...

Là tiểu thương kinh doanh các món ăn vặt ở khu vực quận 5, hàng ngày chị Đỗ Thị Tưởng (ngụ quận 5, TP. HCM) cùng những người em phải làm việc từ 18 giờ tối đến tận 3 giờ sáng hôm sau. Công việc vất vả về mặt giờ giấc là vậy, nhưng hàng tuần, cứ vào sáng thứ 6 và thứ 7, chị Tưởng lại tất bật cùng các em chuẩn bị món ăn, món tráng miệng để phát cho người có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực phía trước cổng Bệnh viện Phục hồi chức năng (quận 8).

"Trạm cơm 0 đồng" ở phía trước cổng Bệnh viện Phục hồi chức năng (quận 8, TP. HCM).

Chị Tưởng kể: “Thời gian ban đầu, tôi có nấu bánh canh tôm cua và thịt để phát miễn phí vào buổi sáng ở khu vực đường An Dương Vương, quận 5. Về sau, tôi cùng các em có làm món ăn, nấu cơm, làm món tráng miệng để mang qua Bệnh viện Phục hồi chức năng phát miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn”.

Chị Duyên – Người làm việc cùng với chị Tưởng chia sẻ, ban đầu nhóm của chị dự định chỉ tổ chức phát cơm 1-2 buổi rồi dừng. Nhưng khi bắt tay vào phát cơm và nhìn thấy những ánh mắt vui mừng khi được phần cơm có thịt miễn phí, mọi người trong nhóm quyết định làm tiếp khi nào hết khả năng mới thôi.

Nhiều người xếp hàng đến nhận cơm và thức ăn.

“Vậy là các thành viên chia nhau ra làm việc. Phần nấu cơm có một ông cụ ở huyện Bình Chánh đảm trách, canh thì do một vài công nhân, người bán vé số đứng ra lo. Hôm nào có nhiều tiền thì nấu thịt kho trứng, canh hầm xương. Ít tiền thì chuyển sang làm các món gà kho và chi phí mỗi người góp một ít và có sự hỗ trợ của một số cô chú mạnh thường quân”, chị Duyên chia sẻ.

Chị Tưởng trong một lần phát cơm miễn phí.

Anh Lê Phong – em của chị Duyên cho biết, tất cả thành viên trong nhóm đều là người lao động, nhờ một phần hỗ trợ của mạnh thường quân và một phần đóng góp của các thành viên, người không tiền thì góp công, góp sức nên “trạm cơm 0 đồng” đã duy trì được hơn nửa năm qua.

Anh Phong kể: “Đều khiến tôi cảm mến nhất là các chú chạy xe ôm ở gần khu vực bệnh viện. Thời gian đầu khi đến đây phát cơm, do chưa có kinh nghiệm nên người đến nhận cứ xô đẩy nhau rất mất trật tự và không đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh. Các chú ấy đã bỏ dở dang công việc mà đến hỗ trợ nhóm trong việc phát phiếu, sắp xếp hàng lối cho người đến nhận được trật tự hơn”.

Thức ăn ở "bữa cơm 0 đồng" được chuẩn bị tươm tất với nhiều món ăn đảm bảo dinh dưỡng.

... Đến “trạm cơm 0 đồng” cùng sự chung sức của cộng đồng

Từ một vài điểm phát cơm, cháo độc lập ở trước cổng Bệnh viện Phục hồi chức năng. Về sau, một số người đã mang thêm nhiều món ăn, trái cây, tráng miệng để phát miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Thấy việc phát lẻ tẻ sẽ khiến nhiều người đến nhận không có trật tự.

Vậy là họ cùng ngồi lại với nhau, cùng làm phiếu để phát, cho mọi người nhận phiếu, xếp hàng nhận thức ăn trong trật tự, an toàn. Họ đặt tên cho hoạt động phát cơm miễn phí của mình là “Trạm cơm 0 đồng”, thời gian hoạt động vào sáng thứ sáu và thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.

Nhờ sự chung tay của cộng đồng, bữa ăn của "Trạm cơm 0 đồng" hiện nay đã có nhiều món ăn, cùng với đa dạng món tráng miệng như trái cây, rau câu...

Anh Phong cho biết, ngoài nguồn vận động từ mạnh thường quân, trạm cơm hiện nay còn tiếp nhận nhiều nguồn thực phẩm đến từ nhiều tiểu thương ở chợ Cầu Muối (quận 1), chợ Hòa Bình (quận 5). Họ đi gom góp thực phẩm rau, củ miễn phí về sơ chế, rửa sạch rồi góp với nhóm làm món ăn.

“Ngoài một số thành viên thường xuyên. Lúc chúng tôi phát cơm, còn có một số người vô gia cư ngủ quanh bệnh viện, đến giờ phát cơm thì chạy tới dìu người bệnh, hướng dẫn người đi đường vào hàng lấy cơm”, anh Phong nói.

Để "đổi món" tráng miệng, chị Tưởng cùng các thành viên từng làm bắp nướng, bắp luộc để phục vụ miễn phí.

Có mặt ở “Trạm cơm 0 đồng” vào ngày thứ 6, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục người đang đứng xếp hàng ngay ngắn. Lúc này có 2 bác tài xế xe ôm lớn tuổi đến phát phiếu, nhắc nhở từng người đến nhận cơm đeo khẩu trang phòng dịch bệnh và mở sẵn nắp hộp sẵn để việc phát cơm thuận lợi.

Chị Trần Nguyệt – thành viên của “Trạm cơm 0 đồng” cho biết, trong một lần tình cờ đến điểm phát cơm, thấy mọi người chuẩn bị đồ ăn tươm tất, nấu rất ngon, chị chạy về nhà chở bao gạo 50 kg, mua 200 trái chuối chở đến điểm phát cơm và xin tham gia nhóm. Khoảng nửa năm nay, cứ đến ngày cuối tuần, chị lại đảm nhận nhiệm vụ nấu canh hoặc nước sâm. Hôm nào làm việc mệt mỏi, không nấu được nước sâm, chị lại bỏ tiền trái cây để mọi người tráng miệng.

"Nhóm chúng tôi tâm niệm phải mang đến phần cơm có thịt vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho mọi người", anh Phong - thành viên nhóm cơm 0 đồng chia sẻ.

Từ một người nhận cơm từ thiện thường xuyên, ông Lê Thành Trí (Tài xế xe ôm, ngụ tại quận 8) giờ đây đã tình nguyện trở thành thành viên của nhóm, đảm nhận nhiệm vụ phát phiếu và phát đồ ăn.

“Từ ngày các cô chú đến đây phát cơm, bữa ăn của người bệnh nghèo, người khó khăn, cơ nhỡ lang thang ở khu vực đã ngon hơn. Nhận cơm 0 đồng, thấy những người bán vé số cũng bỏ tiền làm từ thiện, tôi thấy áy náy nên xắn tay làm chung”, ông Trí tâm sự.

Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/co-mot-tram-com-0-dong-chan-chua-nghia-tinh-o-sai-gon...Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/co-mot-tram-com-0-dong-chan-chua-nghia-tinh-o-sai-gon-khien-ai-cung-thay-am-long-d274664.html

Chỉ với tấm biển treo trước tiệm cắt tóc, cô gái xinh đẹp khiến CĐM thốt: Sài Gòn dễ thương!
Vân Anh cho biết thêm, cô nàng từng ghé tiệm tóc này khoảng 5-6 lần. Tiệm chỉ có 2 người phụ nữ cùng cắt tóc, gội đầu và làm nails. Họ rất vui tính và...
Bấm xem >>
Theo Hữu Huy (thoidaiplus.giadinh.net.vn)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây