Chi tiết từng bước cô dâu “bom” 150 mâm: Trước đám cưới còn mua quà cho con chủ nhà
- Thứ sáu - 02/10/2020 10:26
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 2/10, lãnh đạo công an TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) cho biết đã tìm thấy cô dâu bị tố “bom” 150 mâm cỗ của nhà hàng Tâm Phúc. Danh tính cô dâu được xác định là C.T.U, SN 1996, ở TP Điện Biên Phủ. “Hiện chúng tôi cơ bản đã lấy được lời khai các bên liên quan, đang báo cáo lên lãnh đạo công an tỉnh, dự kiến chiều nay (2/10) sẽ có thông tin cụ thể với công luận”, vị lãnh đạo công an TP Điện Biên Phủ cho hay.
Lịch trình đặt cỗ từng bước rồi “bom” 150 mâm cỗ cưới
Liên hệ với nhà hàng Tâm Phúc, chị Tuyết (chủ nhà hàng) cho biết hiện gia đình đã nhận được thông tin tìm thấy cô dâu lừa làm 150 cỗ cưới rồi bùng. “Sáng nay chồng tôi và nhân viên nhà hàng đang đến cơ quan công an để làm việc, hiện chưa có thông tin về với gia đình”, chị Tuyết nói.
Chị Tuyết buồn rầu chia sẻ lại câu chuyện xảy ra với gia đình.
Nghĩ lại sự việc đã xảy ra với gia đình, chị Tuyết vẫn không tin đó là sự thật bởi hơn 10 năm kinh doanh nhà hàng chưa bao giờ vợ chồng chị gặp phải trường hợp này. Nói về cô dâu đã “bom” 150 mâm cỗ cưới, chị Tuyết khẳng định gia đình không có mâu thuẫn gì với người này, thậm chí đây còn là khách hàng quen của nhà hàng nên có chút tin tưởng. Cụ thể:
- Ngày 24/9: U. gọi điện đến nhà hàng và nói rằng sắp lấy chồng, muốn đặt 150 mâm cỗ. Ban đầu U. nói sẽ đặt cọc 30 triệu, nhưng sau đó lại bảo đến 30/9 cùng chồng mang tiền ra đặt cọc.
- Ngày 29/9: U. tiếp tục gọi điện cho nhà hàng nói rằng lên nhà chú rể lấy tiền cọc. Đang chuẩn bị đi thì U. tiếp tục gọi điện nói bố đẻ sắp ra nhà hàng, không cần đi nữa.
- Cùng ngày 29/9, liên tiếp có 2 số điện thoại gọi đến, nhắn tin nói rằng cứ yên tâm làm cỗ, sẽ không thiếu tiền và thanh toán đầy đủ.
- Tối 29/9: U. trực tiếp đến nhà hàng, mua quà cho con gái chủ nhà hàng, ăn cơm tại nhà hàng và hỏi thăm tình hình cỗ bàn.
- Sáng 30/9: U. điện đặt thêm 5 mâm cỗ dự phòng. Yêu cầu trang trí nhiều bóng bay ở hội trường.
- 11h trưa ngày 30/9: U. báo lùi cỗ lại 1 tiếng đến 12h sẽ tổ chức. Xong có số điện thoại gọi đến xưng là bố cô dâu báo lùi lại đến 15h.
Hiện nhà hàng Tâm Phúc đang tạm đóng cửa để giải quyết một số việc liên quan.
- 12h ngày 30/9: Liên lạc cho cô dâu không được. Tất cả các số điện thoại trước đó kể cả chú rể cũng đều không gọi được. Nhà hàng đi tìm nhà chú rể, khi đó mới biết mình bị lừa.
Chị Tuyết cũng cho biết, ngoài số cỗ bị “bom”, nhà hàng còn bị lừa một số thực phẩm khác, cụ thể là: 156kg gà, 180 đĩa mía, 40kg giò đã chuyển đến nhà gái ngày 24/9 nhưng chưa lấy tiền. Tổng giá trị thiệt hại là 32 triệu đồng.
"Đến giờ chúng tôi vẫn không hiểu vì sao U. làm như vậy. Sự việc xảy ra nếu U. không có thiện chí giải quyết tình cảm, gia đình tôi sẽ làm đơn yêu cầu khởi tố”, chị Tuyết nói.
Việc bùng 150 mâm cỗ khiến nhà hàng thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Hàng loạt tin nhắn trao đổi đặt cỗ vẫn được giữ lại
Trao đổi với số điện thoại được cho là gia đình cô dâu thì nhận được câu trả lời: “Nói thật sự là việc này có người làm đằng sau, còn gia đình không biết gì cả. Gia đình chúng tôi ở trên thôn bản không biết gì đâu”.
Hiện phía chủ nhà hàng Tâm Phúc vẫn còn giữ lại những tin nhắn trao đổi về việc đặt cỗ, làm cỗ và cả thời gian lùi giờ tổ chức đám cưới. Cụ thể, người xưng là bố cô dâu trao đổi qua tin nhắn với nội dung: "Anh là bố cái U. Anh gọi cho chú nhưng máy không có tín hiệu. Anh chỉ muốn hỏi chú về vấn đề em nó nhờ chú đặt hộ gà với giò như thế nào rồi. Đáng ra anh xuống tận nơi để nhờ chú nhưng do gấp quá nên anh bảo cháu nó nhờ chú thôi. Có gì chú thông cảm cho anh nha".
Một số nội dung trao đổi giữa người xưng là bố đẻ và chồng cô dâu.
Còn người xưng là chồng của cô dâu cũng nhắn tin với chủ nhà hàng rằng: "Em là M. - chồng của U. đây ạ. Em định hôm nay về để nói chuyện với anh nhưng giờ em mới chuẩn bị từ cơ quan về. Không biết tầm 10h anh có ở quán không để em qua”.
Liên quan đến sự việc này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết đây là vụ việc hy hữu xảy ra trong giao dịch dân sự. Đây cũng là bài học cảnh báo trong việc giao kết hợp đồng dân sự phải tìm hiểu kỹ đối tác, lập văn bản và phải có biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng (đặt cọc) đối với giao dịch có giá trị lớn,…
Về phương diện pháp lý, luật sư Thơm cho biết Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quy định về thì hình thức của giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do vậy, hợp đồng đặt cỗ cưới vẫn có giá trị pháp lý, hai bên phải thực hiện đúng các nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng.
Điều 357. Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền 1. Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. 2. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này. |
Nguồn: http://thoidaiplus.giadinh.net.vn/chi-tiet-tung-buoc-co-dau-bom-150-mam-truoc-dam-cuoi-...