Tin Tức Cập Nhật

https://baotiepthi.com


Cậu bé Lào Cai bụi đời trở thành chủ tiệm bánh ở Hà Nội, doanh thu 100 triệu/tháng

Cậu bé Lào Cai bụi đời trở thành chủ tiệm bánh ở Hà Nội, doanh thu 100 triệu/tháng
“Cuộc đời ai cũng có bước ngoặt, bước ngoặt của tôi là bỏ nhà đi bụi đời lang thang từ năm 9 tuổi và được làm bố, có một gia đình nhỏ hạnh phúc như hiện nay”.

Video anh Mão làm bánh Trung thu.

Đó là những chia sẻ của anh Bùi Văn Mão (31 tuổi, Lào Cai) về cuộc đời mình đã trải qua suốt 22 năm qua kể từ khi quyết định bỏ nhà ra đi chỉ mới 9 tuổi để trở thành bụi đời.

Những tưởng, cuộc đời cậu bé Mão của 22 năm về trước khi quyết định vượt gần 300km, trải qua 10h đồng hồ trên chuyến tàu định mệnh sẽ vất vưởng, cầu bơ cầu bất ở mảnh đất Hà Nội xô bồ, xa lạ nhưng không, cậu bé ấy đã vươn lên, vượt qua tất cả để làm chủ cuộc sống của mình, trở thành chủ một tiệm bánh doanh thu 100 triệu/tháng và có gia đình nhỏ hạnh phúc.

Anh Mão bên mẫu bánh mình làm. 

Anh Mão 31 tuổi, dáng người nhỏ, luôn khiến cho mọi người cảm nhận chút gì đó mạnh mẽ, hùng hổ của những người “xăm trổ” thế nhưng khi tiếp xúc, anh lại mang đến một cảm nhận vô cùng gần gũi, thân thiện với giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười thường trực trên môi, đặc biệt những suy nghĩ của anh khiến cho mọi người phải gật gù dù mới chỉ học đến lớp 7.

Có lẽ, nếu chỉ nhìn cuộc sống của anh Mão hôm nay, ít người biết được quá khứ từng là bụi đời, lang thang của anh. Thế nhưng, không để cuộc đời mình trở thành viên đá phủ đầy rong rêu, anh đã vượt qua, tìm con đường đi cho mình để là một viên ngọc sáng.

Anh Mão kể, mẹ anh bỏ đi khi anh mới chỉ có 3 tháng 8 ngày. Anh lớn lên trong tình yêu thương, sự vất vả của bố. Mặc dù bố không có nghề, thậm chí không biết chữ nhưng bố vẫn nuôi anh khôn lớn bằng những chuyến đi rừng đốn củi về đổi gạo, những ngày địu con trên lưng đi cuốc vườn, làm rẫy thuê hay những buổi tối lang thang dường ray bắt cóc, rắn về cho con ăn. Tuổi thơ của anh cứ lớn lên cùng những khoảnh khắc, kỉ niệm đẹp như thế và bỗng thay đổi khi bố lấy vợ mới.

Dẫu biết rằng vợ mới của bố luôn muốn anh tốt, nghiêm khắc dạy anh học hành để nên người nhưng vì tính trẻ con mà anh đã có một quyết định táo bạo cho cuộc đời mình khi chỉ mới 9 tuổi, đó là bỏ nhà ra đi.

“Bố sinh ra cũng phải sống trong cảnh mẹ ghẻ con chồng, hồi nhỏ bị xuất huyết não co giật bị tàn tật, không được ăn, phải làm những việc nặng nhọc nhất, không được đi học trong khi con của mẹ ghẻ được học hành đầy đủ. Vì thế mình hiểu hơn bao giờ hết. Sau khi đi xem nhờ hàng xóm phim “Dì ghẻ con chồng”, mình cứ nghĩ đến những điều tiêu cực nên trong một lần đi làm rẫy cùng bố đã chạy lên tàu đi”, anh Mão tâm sự.

Năm 9 tuổi anh bỏ nhà ra Hà Nội làm đủ thứ nghề bốc vác, cửu vạn, đánh giầy để mưu sinh.

10 tiếng trên chuyến tàu định mệnh, anh dừng lại ở ga Hàng Cỏ, đến cuộc sống mới ở mảnh đất Hà Nội xa lạ với muôn vàn chướng ngại và thử thách. Mặc dù không có bố mẹ ở bên nhưng anh luôn lấy bố ra để làm nghị lực cho mình thay đổi.

“Mình xuống đây trong đầu có chữ bố đầu tiên để phải thay đổi, để bố mình cảm thấy vui. Bố là người mình tôn sùng nhiều nhất, là người cao nhất trong đầu và mắt mình. Mình luôn luôn nghĩ ra ngoài làm thế nào để bố không phải bận tâm”, anh Mão trầm ngâm.

Những ngày tháng đầu tiên lên Hà Nội, anh Mão gia nhập bang cửu vạn ga tàu để kiếm đôi ba chục sinh sống mỗi ngày. Sau đó anh đi đánh giầy, ngủ ngoài công viên, làm những công việc người ta thuê để kiếm vài đồng bạc.

Đã có lúc tủi thân khi bị ốm, nằm rét co ro ở ghế đá dưới cái giá lạnh của mùa đông, rồi nhìn thấy các gia đình vui vẻ bên nhau và cũng đã có lúc nghĩ đến việc quay trở về nhà nhưng vì sự quyết tâm “nghề nghiệp không có, công việc không ổn định sẽ không bao giờ về”, anh lại tiếp tục những chuỗi ngày lang thang ở Hà Nội, trú mưa, trú nắng dưới gầm cầu, mái hiên bệnh viện,...

Những tháng ngày lang thang đó mọi cạm bẫy anh đều đã nếm đủ và anh may mắn khi không dính vào thứ hàng trắng để có thể được làm Mão của ngày hôm nay.

Hiện anh đang là chủ một xưởng bánh.

Anh Mão kể, cuộc đời anh thay đổi từ khi được đưa lên Trung tâm Bảo trợ Xã hội IV ở Ba Vì. Ở đây anh được đi học và có một cậu bạn thân cùng đặt ra chung mục tiêu “Chúng ta phải cố gắng thay đổi và tốt đẹp hơn”.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, anh Mão cười bảo, thời đó anh nghịch như quỷ và được bạn bè gọi là Hải quỷ. Anh cũng đã từng bị đuổi học vì sự nghịch của mình vào năm 2006 khi học lớp 7. Và đó cũng là lúc anh lên xin thầy hiệu trưởng được đi học nghề bếp ở trường Hoa Sữa để đến với hành trình trở thành ông chủ tiệm bánh ngày hôm nay.

“Trải qua 6 lớp nghề, mình được chọn nghề mình thích nhất. Đầu tiên mình đăng ký nấu ăn nhưng sau lại chọn bánh mì, bánh ngọt. Đúng như câu nói nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Cũng vì nghịch quá mà thầy cô hiệu trưởng hoài nghi hỏi rằng “Em có đủ tự tin để đi làm không?”, anh Mão cười nhớ lại.

Ngoài làm bánh, anh còn đi dạy.

Ra trường, anh Mão làm ở một cửa hàng kem Hà Nội, sau chuyển sang cửa hàng bánh Hồng Kông. Được một thời gian, anh xuống Hải Phòng làm cho một khu resort rồi làm tiệm bánh ở đó.

Khi tay nghề đã lên cao, anh quay về Hà Nội làm cho các nhà hàng lớn: Movenpick, Top Chef. Từ mức lương chỉ 1 triệu rồi 1,5 triệu, anh đã đạt mức lương 6-7 triệu sau đó không lâu. Thậm chí, một ngày anh còn làm 3 ca, thời gian ngủ chỉ 4h mỗi ngày để có thể nâng cao tay nghề và thu nhập lên đến chục triệu.

Quãng thời gian đi làm thuê, anh tích góp được 80 triệu và quyết định từ “ong thợ” để trở thành “ong chúa” làm nên thương hiệu bánh ngọt của riêng mình vào năm 2014.

“Mình học làm bánh Pháp vẫn giữ truyền thống nhưng mô li phê đi phù hợp với nguyên liệu Việt cho giá thành, chi phí giảm xuống. Hồi đó, mình đầu tư 80 triệu nhưng chỉ thu về 8 triệu mỗi tháng thôi. Sau này mình mở rộng đầu tư khoảng 200 - 300 triệu thì hiện nay, mỗi tháng doanh thu khoảng 100 triệu đồng, vài nghìn đơn/ngày là bình thường”, anh Mão chia sẻ.

Vì tiệm bánh là tất cả sức lực, tâm huyết anh bỏ ra nên khi bị tai nạn chấn thương não, bất tỉnh 10 ngày, nằm viện hơn 1 tháng và mất trí nhớ 2 tháng cách đây vài năm, điều đầu tiên khi anh nhớ lại vẫn chính là xưởng bánh.

Anh Mão bảo, khi mở tiệm bánh anh đã nghĩ về bố rất nhiều bởi anh muốn bố sẽ được an nhàn khi công việc của mình ổn định. Chính vì thế, anh luôn đặt ra tiêu chí cho tiệm bánh là phải làm đến khi đạt được mới thôi, thậm chí làm quên ăn. Tất cả từng loại bánh anh đều dồn hết sự kiên trì vào đó và lấy chữ tín lên hàng đầu.

Trong hành trình thành công của mình, anh Mão luôn nhắc về người vợ bởi vợ anh đã không ngại khó, ngại khổ, mặc sự phản đối của gia đình để lấy anh vào cuối năm 2011. Và đó cũng là bước ngoặt thứ 2 của cuộc đời anh. 

“Đến bây giờ vợ mình vẫn khổ, sáng sớm phải chạy hàng gần như toàn thành phố Hà Nội, từ Mỹ Đình về phố cổ, ban ngày lại phục vụ con cái, làm kế toán, đầu bếp cho gia đình cho cả nhân viên, ngày nào cũng vậy.

Sinh bé đầu thì mình còn đi làm thuê nên 2 vợ chồng chăm còn đỡ vất vả. Đến khi sinh bé thứ 2, vợ mình vất vả nhất vì mình mở xưởng. Hai tháng sau sinh, vợ đã phải đi giao hàng.

Mình làm ngày đêm chỉ ngủ 3h/ngày, khi làm xong, 5h sáng vợ đi giao, lúc đó con khát sữa, mình phải bế một đứa trên tay cho bú còn một đứa đặt ở chân. Nhiều lúc ăn cơm vừa ăn vừa ngủ gật nhưng vẫn vui vì có công việc nuôi cả gia đình”, anh Mão nở nụ cười.  

Anh Mão tâm sự, kể từ khi có gia đình, một người mạnh mẽ, lang bạt như anh cũng phải trở nên yếu đuối, rơi nước mắt vì các con và anh vẫn tự trách mình không có nhiều thời gian cho con hơn.  

“Con gái hay hỏi han, an ủi mình. Nhiều lúc buồn phiền ngồi trầm ngâm hút thuốc, con ra ôm hỏi “Sao ba buồn thế? Ba nghĩ ít thôi” rồi ôm mình sau lưng khóc. Mình hỏi, con trả lời đúng một câu “Con thấy ba buồn, con thương ba”, làm mình rơi nước mắt. Con được bà kể về quá khứ của ba nên thương ba lắm”, anh Mão rưng rưng.

Nói về bố mẹ, anh Mão im lặng một lúc lâu rồi nói, anh đã ngỏ ý mời bố mẹ lên Hà Nội sống cùng mình nhưng bố mẹ muốn sống ở quê thoải mái. Anh rất biết ơn người bố nghèo khó dù không biết gì nhưng vẫn chăm sóc, nuôi dưỡng mình lớn khôn và biết ơn cả người dì đã ở bên chăm sóc cho bố, dạy bảo mình khi còn nhỏ. Chỉ vì trước đó, suy nghĩ còn trẻ con đã có quyết định khiến cả gia đình phải lo lắng, khiến bố nghe tin con ở đâu là lại đi tìm.

Còn về người mẹ đẻ, anh không biết bà có vui không khi bỏ đi và có 4 đời chồng nhưng dù thế nào anh vẫn thỉnh thoảng hỏi thăm, cố gắng lo lắng khi bà nằm xuống.

Vợ chịu khổ lắm nhưng không bao giờ kham chê công việc dù có vất vả thế nào. Đó là điều anh hạnh phúc.

Từng là bụi đời, thiếu hơi ấm bố mẹ, anh hiểu và trân quý giá trị của 2 chữ gia đình. Bởi vậy, khi làm cha rồi, anh luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho các con, cho mái ấm gia đình của mình.

Anh bảo, mỗi người đều có một xuất phát điểm khác nhau nhưng xuất phát điểm không định vị bạn là ai, mà đó phải là con đường bạn đi và cách bạn vượt qua thử thách. Anh đã vượt qua thử thách của bản thân mình, không ngại mưa gió, bể khổ để có ngày hôm nay. Chính vì vậy, mọi gia đình hãy luôn cố gắng gìn giữ, tạo dựng một gia đình để cảm thấy bản thân mình hạnh phúc, dù đó là hạnh phúc nhỏ bé nhất. 

Một số mẫu bánh anh Mão làm. 

8x bỏ nghề kiến trúc nhiều người mơ ước để đi làm bánh bán và cái kết thật bất ngờ
Từ bỏ công việc kiến trúc sư mà nhiều người mơ ước về trong căn bếp làm bánh, thế nhưng chị Nguyễn Thủy (SN 1986) vẫn chưa bao giờ hối hận. Công việc...
Bấm xem >>
Theo Hồng Nhung (Ảnh: NVCC) (Khám phá)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây