Cập nhật 28/4: 6 quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới
- Thứ năm - 28/04/2022 09:11
- In ra
- Đóng cửa sổ này
6 diễn biến
6 quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 604.000 ca mắc COVID-19 và 2.395 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 511 triệu ca, trong đó trên 6,25 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (124.863 ca), Italy (87.940 ca) và Hàn Quốc (76.761 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (304 ca), Đức (245 ca) và Mỹ (216 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 82,8 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,01 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 522.000 ca tử vong. Thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 663.000 ca tử vong
Ngày 26/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia duy trì giám sát các ca mắc COVID-19, cho rằng thế giới đang "xem nhẹ" cách thức virus lây lan do tỷ lệ xét nghiệm giảm.
Phát biểu họp báo tại trụ sở WHO ở Geneva, người đứng đầu WHO nêu rõ trong tuần qua, WHO nhận được báo cáo về hơn 15.000 ca bệnh không qua khỏi do COVID-19, mức theo tuần thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Dù đây là xu hướng đáng hoan nghênh, song khi mà nhiều nước giảm xét nghiệm, WHO sẽ ngày càng nhận được ít thông tin về cách thức lây lan và giải trình tự. Điều này khiến thế giới ngày càng khó nắm bắt được các mô hình lây truyền và tiến hóa của virus.
Dịch bệnh còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước, trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận số mắc cộng đồng 7.500 ca mỗi ngày và 8 ca tử vong mỗi ngày. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn.
Bộ Y tế nhấn mạnh vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; Bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; Tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất.
Nguồn: https://tienphong.vn/6-quoc-gia-co-so-ca-mac-va-tu-vong-do-covid-19-cao-nhat-the-gioi-t...
Pfizer/BioNTech xin cấp phép mũi vắc-xin phòng COVID-19 tăng cường cho trẻ 5-11 tuổi
Theo TTXVN, ngày 26/4, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer và công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech thông báo đã trình lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Comirnaty ngừa COVID-19 do hai hãng này đồng phát triển làm mũi tăng cường cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Đơn xin cấp phép được trình lên sau khi một nghiên cứu mới đây cho thấy, việc tiêm mũi tăng cường bằng vắc-xin Comirnaty tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở những trẻ khỏe mạnh trong độ tuổi trên.
Nếu được chấp thuận, Comirnaty sẽ được sử dụng để tiêm nhắc lại cho trẻ em từ 5-11 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản và 6 tháng sau mũi vắc-xin gần nhất. Liều tiêm là 10 microgram, bằng 1/3 liều lượng dành cho người lớn.
Pfizer và BioNTech khẳng định, mũi thứ 3 vắc-xin Comirnaty có thể cung cấp sự bảo vệ đáng kể chống lại biến thể Omicron ở trẻ em khỏe mạnh từ 5-11 tuổi.
Theo Pfizer và BioNTech, kết quả xét nghiệm huyết thanh của 30 trẻ em đã tiêm mũi tăng cường vắc-xin ngừa COVID-19 cho thấy, nồng độ kháng thể trung hòa chống lại Omicron tăng gấp 36 lần. Kháng thể trung hòa chống lại chủng gốc virus SARS-CoV-2, mục tiêu vắc-xin được phát triển nhắm đến, tăng gấp 6 lần sau khi tiêm mũi tăng cường.
Nghiên cứu được thực hiện để kiểm tra độ an toàn và khả năng sinh miễn dịch ở 140 trẻ em khỏe mạnh trong độ tuổi 5-11 sau khi tiêm mũi tăng cường với liều lượng 10 microgram.
Đầu năm nay, FDA đã cấp phép sử dụng vắc-xin của Pfizer và BioNTech làm mũi tăng cường cho trẻ em 12-15 tuổi và trẻ em 5-11 tuổi bị suy giảm miễn dịch.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, mới có 28% số trẻ em từ 5-11 tuổi ở Mỹ - tương đương hơn 8 triệu trẻ - đã hoàn thành các liều cơ bản vắc-xin ngừa COVID-19.
Trong khi đó, cuộc khảo sát máu quốc gia của Mỹ công bố ngày 26/4 cho thấy, kể từ đầu đại dịch đến nay, khoảng 58% dân số Mỹ nói chung và hơn 75% trẻ em nhỏ ở nước này đã bị mắc COVID-19.
Theo Reuters, nghiên cứu nói trên - do CDC Mỹ công bố - đánh dấu lần đầu tiên hơn một nửa dân số Mỹ đã bị nhiễm SARS-CoV-2 ít nhất một lần. CDC nhấn mạnh, chính làn sóng do biến chủng Omicron gây ra đã góp phần đưa tỉ lệ người dân mắc COVID-19 ở nước này gia tăng trong thời gian ngắn.
Theo dữ liệu mới, Omicron đã làm gia tăng số ca nhiễm ở mọi nhóm tuổi, nhưng trẻ em và thanh thiếu niên (nhiều người trong số đó vẫn chưa được tiêm vắc-xin) có tỉ lệ nhiễm bệnh cao nhất. Trong khi những người từ 65 tuổi trở lên - nhóm dân số được tiêm chủng nhiều hơn - có tỉ lệ nhiễm bệnh thấp nhất.
Từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022 (khi biến thể Omicron đang hoành hành ở Mỹ), 75,2% trẻ em từ 11 tuổi trở xuống có kháng thể liên quan đến COVID-19, tăng từ mức 44,2% trong giai đoạn 3 tháng trước đó. Trong số những người từ 12-17 tuổi, 74,2% mang kháng thể, tăng từ mức 45,6%.
Các nhà khoa học đã tìm kiếm những kháng thể cụ thể được tạo ra để phản ứng với SARS-CoV-2. Các kháng thể này chỉ xuất hiện sau khi cơ thể người bị nhiễm bệnh và không được tạo ra bởi vắc-xin phòng COVID-19. Dấu vết của những kháng thể này có thể tồn tại trong máu đến 2 năm.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/pfizerbiontech-xin-cap-phep-mui-vac-xin-tang-cuong-cho-tre-5...
Cả nước có 8.004 F0 mới, ca tử vong do COVID-19 thấp nhất trong gần 10 tháng qua
Nguồn: https://tienphong.vn/ca-nuoc-co-8-004-f0-moi-ca-tu-vong-do-covid-19-thap-nhat-trong-gan...
Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM khám sàng lọc và điều trị miễn phí cho 1.000 trẻ em chịu ảnh hưởng bởi COVID-19
Chương trình Yêu thương Nâng bước được Thành Đoàn TP.HCM tổ chức triển khai từ tháng 11/2021. Tới nay, chương trình đã hỗ trợ, bảo vệ và tiếp sức cho hơn 2.345 trẻ mồ côi do đại dịch COVID-19 tại TP.HCM. Chương trình được lập ra với mục đích đảm bảo sức khỏe và sự thành công của trẻ em trong tương lai.PGS.TS.BS Trương Quang Định - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM chia sẻ tại lễ khai mạc, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới rất nhiều trẻ em ở TP.HCM. Để xoa dịu nỗi đau, chuẩn bị hành trang và đồng hành cùng các em bước vào đời, chúng tôi đã tổ chức chương trình khám và điều trị tổng quát cho trẻ. Chúng tôi hy vọng với chương trình ngày hôm nay sẽ góp phần mang lại cho các em sức khỏe tốt hơn và tạo được động lực cho các em cũng như quý phụ huynh".
Trẻ được kiểm tra sức khỏe qua nhiều khoa khác nhau từ tổng quát tới chuyên sâu.
Chương trình khám sàng lọc và điều trị cho các em nhỏ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 lần này có sự hỗ trợ của 40 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế tại Bệnh viên Nhi đồng TP.HCM. Cùng với đó là sự hỗ trợ của hơn 80 tình nguyện viên của Thành Đoàn cùng Trường Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam.
Theo kế hoạch, chương trình khám sàng lọc và điều trị cho trẻ sẽ diễn ra trong vòng 2 ngày 27 và 28/4. Sẽ có khoảng 1.000 em được khám sức khỏe tổng quát và chuyên sâu thông qua chương trình này.
Các chuyên khoa khám được chọn lọc cẩn thận, quy trình khám được tiến hành bài bản phù hợp với trẻ em. Các em sẽ được đánh giá sức khỏe tinh thần và khám Dinh dưỡng, khám Nội tổng quát, khám Tai mũi họng... Bên cạnh đó, nếu như trẻ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, bác sĩ sẽ tiến hành kê toa thuốc và bệnh viện sẽ cung cấp thuốc miễn phí cho trẻ điều trị.Chị Trinh mẹ bé Đ.L.T.Trúc (9 tuổi) học sinh Trường tiểu học Hy Vọng Quận 8, chia sẻ, " tôi đã được nhà trường thông báo về chương trình thăm khám và điều trị cho trẻ ngày hôm nay. Tôi rất vui khi con mình cũng như những trẻ bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khác nhận được sự quan tâm từ mọi người và các tổ chức. Ngày hôm nay thì tôi và cháu đã đi xe cùng trường tới Bệnh viện Nhi đồng để tiến hành khám cho cháu. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn những chương trình ý nghĩa như này cho các con".
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/benh-vien-nhi-dong-tphcm-kham-sang-loc-va-dieu-tri-mien-phi-c...
Việt Nam đã tiêm hơn 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đến chiều ngày 27/4 là 1.008.414 liều (mũi 1). Đây là số liệu báo cáo của 57 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm và báo cáo về Bộ Y tế hàng ngày.
Như vậy sau gần 2 tuần triển khai tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi này, tính từ ngày 14/4 khi Quảng Ninh tiến hành tiêm cho gần 200 trẻ đầu tiên học lớp 6 trường THCS Trần Quốc Toản ( TP Hạ Long), đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai tiêm và có báo cáo kết quả hàng ngày về Bộ Y tế.Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, tại hội nghị trực tuyến quán triệt việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 do liên Bộ Y tế - Bộ Công an tổ chức kết nối đến hơn 11.000 điểm cầu trên toàn quốc đã diễn ra sáng 26/4, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Hiện nay tốc độ tiêm đang chậm.
Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, trong đó 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 thuộc đối tượng trì hoãn tiêm sau 3 tháng kể từ ngày mắc (dự kiến sẽ tiêm khoảng tháng 7 - 8/2022), 8,2 triệu trẻ còn lại bắt đầu tiêm từ ngày 14/4 và trong quý 2/2022 sẽ tiêm xong 2 mũi cho trẻ.
Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế trong năm 2022.Đến nay, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em 5 - 12 tuổi đang được triển khai tại nhiều địa phương trên toàn quốc với các điểm tiêm được đặt tại ngay trường học và trạm y tế, riêng một số một số trẻ thuộc diện đặc biệt sẽ tiêm tại bệnh viện.
Việc tiêm chủng sẽ triển khai trước từ lứa tuổi lớn nhất trong nhóm này, đó là học sinh lớp 6, sau đó sẽ hạ dần độ tuổi.
Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia có hướng dẫn cụ thể trong mỗi lần cấp vaccine, lô vaccine nào sẽ tiêm cho nhóm tuổi trẻ em.
Việt Nam đã tiếp nhận hơn 4,6 triệu liều vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đã phân bổ hơn 2,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-da-tiem-hon-1-trieu-lieu-vaccine-phong-covid-19-cho-...
Gần 60% dân số Mỹ đã nhiễm COVID-19
Nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 26/4 (giờ địa phương), đánh dấu cột mốc lần đầu tiên hơn một nửa dân số nước này đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ít nhất một lần, cũng như cho thấy ảnh hưởng của biến chủng Omicron.
Trước khi ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/2021, một phần ba dân số Mỹ được cho là đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo dữ liệu mới, Omicron làm gia tăng các ca nhiễm ở mọi lứa tuổi. Nhóm trẻ em và thanh thiếu niên có tỷ lệ nhiễm cao nhất, tỷ lệ tiêm chủng trong nhóm này còn thấp. Trong khi đó, nhóm tuổi trên 65, phần lớn đã được tiêm ngừa, có tỷ lệ nhiễm thấp nhất.
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022 khi số ca nhiễm Omicron tăng đột biến ở Mỹ, 75,2% trẻ em từ 11 tuổi trở xuống có kháng thể liên quan đến SARS-CoV-2 trong máu, tăng so với 44,2% trong giai đoạn 3 tháng trước đó. Ở nhóm tuổi 12-17, 74,2% mang kháng thể, tăng từ 45,6% so với giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12/2021.
Các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm các kháng thể được cơ thể tạo ra nhằm chống lại virus SARS-CoV-2 chỉ xuất hiện sau khi bị nhiễm bệnh và không được tạo ra bởi vaccine COVID-19. Dấu vết có liên quan đến kháng thể này có thể tồn tại trong máu đến 2 năm.
Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky cho biết số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ tăng 22,7% trong tuần qua lên 44.000 ca mỗi ngày. Số ca nhập viện đã tăng tuần thứ hai liên tiếp, tăng 6,6%, phần lớn là do các biến thể phụ của Omicron.
Trong khi số ca tử vong giảm 13,2% so với tuần trước, thì Mỹ đang tiến nhanh đến cột mốc nghiệt ngã 1 triệu ca tử vong liên quan đến COVID.
Đến nay, hơn 66% dân số Mỹ được tiêm chủng đầy đủ và gần 46% đã được tiêm mũi nhắc lại.
Nguồn: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/gan-60-dan-so-my-da-nhiem-covid-19-i651693/
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/cap-nhat-284-6-quoc-gia-co-so-ca-mac-va-tu-vong-do...
Tin tức 24h