Cập nhật 24/4: Số ca tử vong vì COVID-19 ở Thượng Hải tăng mạnh, Bắc Kinh báo động
- Chủ nhật - 24/04/2022 08:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
5 diễn biến
Số ca tử vong vì COVID-19 ở Thượng Hải tăng mạnh, Bắc Kinh báo động
"Tổng cộng có 39 trường hợp tử vong trong số các bệnh nhân COVID-19 ở Thượng Hải vào ngày 23-4, tăng 12 ca so với ngày trước đó" - hãng Reuters dẫn lời giới chức địa phương hôm nay (24-4) cho biết.
Trung tâm tài chính của Trung Quốc cũng ghi nhận 23.370 trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2 hôm 23-4, nâng tổng số bệnh nhân từ ngày 1-3 tới nay lên con số 466.000 người.
Cảnh phố phường vắng lặng ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters
Thành phố 26 triệu dân này đang chống chọi với đợt bùng phát COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc, theo Reuters.
Trung Quốc vốn theo đuổi chính sách "không COVID-19" nên hồi đầu tháng 4 đã điều động quân đội và hàng ngàn nhân viên y tế tham gia làm các xét nghiệm COVID-19 cho tất cả 26 triệu dân Thượng Hải.
Chính quyền Thượng Hải cũng vừa gia hạn các biện pháp hạn chế COVID-19 đến ngày 26-4 để kiểm soát dịch. Các hạn chế đang áp đặt khiến nhân viên y tế, quan chức y tế, người giao hàng và tình nguyện viên cộng đồng ở những khu vực bị giới hạn gặp khó khăn khi đi lại.
Một người trong bộ đồ bảo hộ tới giao hàng tại một khu cách ly COVID-19 ở Thượng Hải hôm 23-4. Ảnh: Reuters
Thủ đô Bắc Kinh cũng đang báo động cao và dự kiến xét nghiệm một số khu vực dân cư sau khi phát hiện 15 ca mắc mới trong cộng đồng hôm 23-4. Theo South China Morning Post, đây là số ca có triệu chứng và số ca không triệu chứng có thể cao hơn nhiều.
Bà Pang Xinghuo, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Bắc Kinh, cho hay các chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng bắt đầu khoảng một tuần trước, liên quan tới các trường học, nhóm du khách.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/so-ca-tu-vong-vi-covid-19-o-thuong-hai-tang-manh-202...
TP HCM xây dựng mô hình điều trị hậu COVID-19
Ngày 22-4, Sở Y tế TP HCM đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân giai đoạn hậu COVID-19.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập xây dựng mô hình điều trị các bệnh lý sau mắc COVID-19 phù hợp khả năng điều trị, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lý sau khi điều trị xong COVID-19; can thiệp chăm sóc và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong, nguy cơ ảnh hưởng đến các hoạt động chức năng, giảm chức năng và sức khỏe góp phần bảo đảm an sinh, bảo vệ lực lượng lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Cụ thể:
Cụ thể, các bệnh viện công lập và ngoài công lập xây dựng hướng dẫn tầm soát, phát hiện sớm, đánh giá nguy cơ, cách chăm sóc, điều trị cho người dân hậu COVID-19. Phát triển nền tảng số của thành phố về dữ liệu sức khỏe của người dân hậu COVID-19. Đây là một trong những dữ liệu quan trọng về sức khỏe ban đầu để tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân; quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân hậu COVID-19.
Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu bệnh hậu COVID-19. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về các chương trình phục hồi sức khỏe cho người dân sau đại dịch COVID-19.
Nhân viên y tế tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM) hướng dẫn một bệnh nhi tập thở do hậu COVID-19.
Song song đó, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện công lập và ngoài công lập xây dựng mô hình điều trị, thiết lập mô hình tháp 3 tầng chăm sóc sức khỏe cho người hậu COVID-19.
Tầng 1 gồm: Trung tâm Y tế quận, huyện, TP Thủ Đức, trạm y tế phường, xã, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 mức độ nhẹ.
Tầng 2 gồm: bệnh viện đa khoa quận, huyện thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 mức độ trung bình.
Tầng 3 gồm: bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người có nguy cơ mắc bệnh lý hậu COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch.
Ngoài ra, các bệnh viện tăng cường hội chẩn với bệnh viện tuyến trên, chuyển viện kịp thời trong trường hợp tình trạng người bệnh vượt quá khả năng điều trị.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị hoàn thành vào quý II/2022 và quý IV/2022 sẽ tổng kết, đánh giá.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-xay-dung-mo-hinh-dieu-tri-hau-covid-19-2022042218545...
Các khu cách ly tập trung tại TP HCM chỉ còn... 1 F0
Thông tin trên vừa được Sở Y tế TP HCM báo cáo với UBND TP HCM và Bộ Y tế về hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo đó, Sở Y tế cho biết ngày 21-4 TP có 94 ca mắc COVID-19, trong đó, gồm 81 ca phát hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh và 13 ca phát hiện tại cộng đồng. Bên cạnh đó, còn có 300 ca nghi ngờ do người dân tự test nhanh dương tính, chưa đủ điều kiện khẳng định ca bệnh. Đến nay, tổng số ca cộng dồn tại TP HCM được Bộ Y tế công bố là 608.698 ca.
Ngoài ra, theo báo cáo, số ca nhập viện trong ngày là 48. Số ca đang điều trị tại bệnh viện là 544 ca, trong đó có 468 ca điều trị ở tầng 2, 76 ca điều trị ở tầng 3. Đáng chú ý, số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện, phường, xã chỉ còn 1 ca và không có ca F0 đang cách ly tại khu chế xuất, khu công nghiệp.
Theo Sở Y tế đây là thời điểm có số ca cách ly tập trung thấp nhất kể từ đầu mùa dịch, đặc biệt trong bối cảnh ngành y tế triển khai cách ly F0 tại nhà. Báo cáo này cũng cho thấy TP không còn ghi nhận số ca nào tử vong trong ngày.
Trước đó, tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng, chống COVID-19 trên địa bàn TP HCM, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh văn phòng Sở Y tế cũng cho biết hiện dịch COVID-19 trên địa bàn đã giảm sâu. Nhiều tuần gần đây, TP không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt của các chiến dịch bảo vệ nhóm người nguy cơ, tiêm vắc-xin…
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/cac-khu-cach-ly-tap-trung-tai-tp-hcm-chi-con-1-f0-202204221...
30 ngày qua, dịch COVID-19 ở Việt Nam giảm cả 4 tiêu chí
Hiện nay số ca mắc mới chỉ còn dưới 15.000 ca/ngày, tương đương thời điểm tuần cuối tháng 11/2021 là lúc biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng ở nước ta (riêng TP. Hà Nội hiện đang ghi nhận khoảng 1.000 ca mỗi ngày, thấp nhất từ giữa tháng 12/2021 đến nay). Cả nước, số ca tử vong chỉ còn trên dưới 10 ca tử vong ghi nhận mỗi ngày, thấp nhất từ tháng 7/2021 đến nay.
Tuy nhiên, dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường và quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, vận động người dân tham gia tiêm chúng kịp thời và đầy đủ để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Về triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, rà soát, lập danh sách, xây dựng kế hoạch và khẩn trương triển khai tiêm chủng cho trẻ ngay sau khi được phân bổ vắc xin. Tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học theo các hướng dẫn dã ban hành của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện báo cáo kết quả tiêm chủng và phản ứng sau tiêm chủng theo quy định. Tăng cường chỉ đạo, truyền thông về lợi ích của tiêm vắc xin phòng COVID-19 và tính an toàn của vắc xin; vận động cha mẹ, người giám hộ đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.
Nguồn: https://tienphong.vn/30-ngay-qua-dich-covid-19-o-viet-nam-giam-ca-4-tieu-chi-post143310...
11 chiến sĩ công an hiến 3.500ml máu cứu bệnh nhân hậu COVID-19 bị suy tim nặng
Nắm được thông tin 1 bệnh nhân hậu COVID-19 bị suy tim nặng phải phẫu thuật gấp, cần lượng máu lớn để truyền, 11 cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An đã hiến 3.500 ml máu để cứu sống bệnh nhân.
Trước đó, sáng 20/4, Câu lạc bộ ngân hàng máu sống Công an tỉnh Nghệ An nhận được thông tin bệnh nhân Nguyễn Đức Thanh (SN 1981, trú xã Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An) đang điều trị tại Khoa hồi sức nội tích cực, Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An cần gấp 1 lượng máu lớn để truyền trong phẫu thuật.
Các thầy thuốc Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết, bệnh nhân Thanh được phát hiện viêm cơ tim sau thời gian mắc COVID-19. Bệnh chuyển biến nặng, suy tim, dẫn tới ngưng tim, cần phải phẫu thuật gấp nên cần một lượng máu rất lớn.
Gia đình đã kêu gọi hơn 50 người thân, họ hàng tới để hiến máu nhưng không đủ vì lượng máu cần truyền rất lớn. Nắm được thông tin, Câu lạc bộ ngân hàng máu sống Công an tỉnh Nghệ An đã huy động 11 cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Phòng Kỹ thuật hình sự và Trại tạm giam Công an tỉnh tham gia hiến 3.500 ml máu để cứu bệnh nhân Thanh.
Nhờ có lượng máu lớn để truyền, cuộc phẫu thuật cho bệnh Thanh đã diễn ra thuận lợi. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi, chăm sóc đặc biệt.
Trước đó, ngày 16/4, sau khi nghe tin bệnh nhân Nguyễn Doãn V. (sinh năm 1960, trú tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên) đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 4 tỉnh Nghệ An cần truyền máu khẩn cấp (nhóm máu B) trong khi nguồn máu dự trữ khan hiếm, cần hỗ trợ máu để điều trị, Thượng úy Lô Sinh Cơ, cán bộ Công an xã Nam Sơn, huyện Quỳ Hợp, đang đi công tác tại thành phố Vinh đã nhanh chóng đăng ký và trực tiếp đến Trung tâm Huyết học truyền máu tỉnh Nghệ An hiến đủ số lượng máu cần thiết cho bệnh nhân. Nhờ đó, sức khỏe của ông V. đã ổn định.
Có thể nói, hành động hiến máu cứu người của những cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Nghệ An thể hiện tinh thần xung kích tuổi trẻ và truyền thống nhân văn "vì nước quên thân, vì dân phục vụ" của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/11-chien-si-cong-an-hien-3500ml-mau-cuu-benh-nhan-hau-covid-1...
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/cap-nhat-244-so-ca-tu-vong-vi-covid-19-o-thuong-ha...
Dịch COVID-19