COVID-19: Trung Quốc dịch bùng phát mạnh, liên quan tới virus bám trên thực phẩm đông lạnh
- Thứ tư - 17/11/2021 13:58
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Số ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng từ 27/04
Tình hình tiêm chủng vaccine ở Việt Nam
Xem thêm số liệu vaccine COVID-19 >Số mũi đã tiêm toàn quốc
102.139.886
Số mũi tiêm hôm qua
1.168.017
6 diễn biến
Trung Quốc: Biến thể Delta lan nhanh, chuỗi cung ứng gặp nguy
Trung Quốc (TQ) nhiều ngày gần đây đang phải đối mặt với đợt tái bùng phát COVID-19 mới do biến thể Delta gây ra. Hãng tin Reuters dẫn số liệu mới nhất Ủy ban Y tế quốc gia TQ (NHS) công bố hôm 15-11 cho thấy số ca nhiễm mới đã lên tới hơn 1.300 tính từ ngày 17-10, cao hơn tổng số 1.280 ca bệnh ghi nhận trong đợt bùng phát nghiêm trọng hồi tháng 7.
Ngày 13-11, một quan chức Bộ Giáo dục TQ cho biết khoảng 50% trong số 160 triệu trẻ em TQ 3-11 tuổi đã bắt đầu được tiêm phòng, đồng thời khẳng định việc tiêm chủng cho trẻ em hoàn toàn dựa trên cơ sở tự nguyện.
21 tỉnh, thành báo động, chuỗi cung ứng thực phẩm gặp nguy
Theo tờ South China Morning Post, dịch đang lan ra ít nhất 21 tỉnh, thành ở TQ. Hầu hết các địa phương này ngay từ lúc phát hiện ca nhiễm đầu tiên đã lập tức tái kích hoạt các biện pháp hạn chế di chuyển và tiến hành truy vết, xét nghiệm nhiều vòng đối với người có nguy cơ, đóng cửa các khu vui chơi, giải trí và các địa điểm văn hóa, cấm tụ tập đông người nơi công cộng. TQ kỳ vọng phản ứng kịp thời này sẽ giúp các địa phương bị ảnh hưởng kiểm soát được dịch trong thời gian ngắn tới.
Dù vậy, hiện một số khu vực vẫn đang phải vật lộn chưa tìm ra lối thoát do đợt dịch mới, nóng nhất là TP cảng Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) đang có nguy cơ thành tâm dịch mới của TQ. Theo báo cáo của NHS, suốt tuần qua Đại Liên trung bình mỗi ngày ghi nhận tới 24 ca nhiễm mới - nhiều hơn bất kỳ địa phương nào ở TQ. Số ca nhiễm ở Đại Liên ghi nhận trong ngày 14-11 chiếm phần lớn trong 32 ca cộng đồng được ghi nhận trên cả nước trong ngày này.
Hơn 10.000 sinh viên của hai trường ĐH tại Đại Liên đã bị chuyển đến gần 80 khách sạn để cách ly tập trung sau khi phát hiện các ca nhiễm trong ký túc xá. Chính quyền địa phương phải huy động hàng ngàn tình nguyện viên cung cấp nhu yếu phẩm cho những sinh viên này.
Chính quyền Đại Liên khuyến cáo người dân không rời khỏi nhà và tạm dừng hoạt động không cần thiết tại các địa điểm công cộng. Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, trường học cũng buộc phải đóng cửa. Một số quận, huyện của Đại Liên đã tiến hành xét nghiệm diện rộng lần ba sau hai đợt xét nghiệm toàn TP.
Giới chức Đại Liên vẫn đang ra sức truy tìm nguồn lây dẫn đến đợt bùng phát hiện nay. Cơ quan y tế địa phương cho rằng đợt bùng phát này nhiều khả năng liên quan đến các đơn vị nhập khẩu thực phẩm, đưa virus từ bên ngoài vào TP. Ca bệnh đầu tiên tại Đại Liên trong đợt dịch lần này được xác định là một người đàn ông 52 tuổi làm việc tại một kho hàng đông lạnh.
Người dân TP Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) xét nghiệm COVID-19 hôm 14-11. Ảnh: CGTN
Tờ Hoàn Cầu thời báo cho biết các TP khác ở TQ đã bắt đầu tăng cường điều tra chuỗi cung ứng thực phẩm đông lạnh từ Đại Liên. Các trung tâm mua sắm và công ty thực phẩm trên khắp TQ đã được yêu cầu ngừng bán hàng và xét nghiệm sản phẩm ngay lập tức. Với vị thế là trung tâm cung ứng chính cho khoảng 70% tổng sản phẩm đông lạnh nhập khẩu của TQ, các biện pháp như vậy nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe kinh tế của Đại Liên.
Bên cạnh đó, các TP lân cận như Đan Đông, An Sơn, Thẩm Dương yêu cầu toàn bộ người đến từ Đại Liên phải cách ly tập trung 14 ngày.
Trung Quốc vẫn không từ bỏ “zero COVID”
Đối với nhiều quốc gia đã chấp nhận sống chung với virus SARS-CoV-2 hiện nay, con số hơn 1.000 ca nhiễm mới có thể không quá đáng ngại, song với nước vẫn duy trì chiến lược “zero COVID” (quét sạch F0 trong cộng đồng) như TQ thì đây là kết quả khó chấp nhận, theo hãng tin Bloomberg.
Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng một trong những điểm yếu lớn nhất của chiến lược này là đòi hỏi khả năng huy động và tập trung nguồn lực lớn của tập thể trong thời gian ngắn để đuổi theo và bắt kịp tốc độ lây lan của virus một khi dịch bùng phát lại. Hiếm khi nào các thiết chế xã hội đủ khả năng được làm vậy và hậu quả có thể thấy là TQ cứ kiểm soát rồi lại bùng phát dịch nhiều lần như thời gian qua.
Bên cạnh đó, chiến lược quét sạch F0 cũng phụ thuộc rất lớn vào năng lực xét nghiệm của địa phương có dịch. Ngay cả khi xét nghiệm nhanh và hiệu quả thì chắc chắn cũng sẽ để bỏ sót rất nhiều ca nhiễm không có triệu chứng với khả năng lây lan virus như các ca có triệu chứng thông thường. Thậm chí, một nghiên cứu do một số nhà khoa học Mỹ, Anh và Israel đăng tải trên chuyên san y khoa JAMA còn cho rằng nếu truy vết ngược thì khoảng 59% số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là do bị lây từ người nhiễm không có triệu chứng.
Dù vậy, bất chấp các bằng chứng và số liệu từ các chuyên gia y tế quốc tế, TQ đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì sẽ thay đổi chiến lược chống dịch. Đầu tháng 11, South China Morning Post từng dẫn lời Phó Cục trưởng Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh thuộc NHS Wu Liangyou khẳng định các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đang áp dụng ở TQ là “phù hợp với khoa học”.
“Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 chặt chẽ, xây dựng một rào chắn vững chắc ngăn chặn những ca bệnh nhập cảnh và lây nhiễm trong nước” - ông Wu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia hàng đầu về các bệnh hô hấp tại TQ Zhong Nanshan còn cho rằng sở dĩ dịch thời gian gần đây bắt đầu tái bùng phát nhiều hơn là do TQ gần bước vào mùa đông, người dân có xu hướng tụ tập nhiều hơn, đặc biệt là ở khu vực phía bắc nên làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
“Đã có nhiều đợt bùng phát ở vùng tây bắc của đất nước. Miễn là TQ thực hiện các biện pháp chặt chẽ hơn - truy vết chuỗi lây nhiễm, đẩy mạnh xét nghiệm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân và xét nghiệm diện rộng khi cần thiết, tôi nghĩ tình hình có thể được kiểm soát trong một thời gian khá ngắn” - ông Zhong cho hay.
Nguồn: https://plo.vn/quoc-te/trung-quoc-bien-the-delta-lan-nhanh-chuoi-cung-ung-gap-nguy-1028...
Áo ban bố lệnh phong tỏa Covid-19 chưa từng có trên thế giới
Lệnh phong toả bắt đầu từ ngày 15-11 trên toàn nước Áo. Đài RT cho biết những người chưa tiêm phòng vắc-xin Covid-19 từ 12 tuổi trở lên sẽ bị ảnh hưởng bởi biện pháp này. Những người chưa tiêm phòng chỉ được ra khỏi nhà nếu có các lý do đặc biệt như mua thực phẩm hay có vấn đề sức khỏe.
Thủ tướng Alexander Schallenberg thừa nhận đây là bước đi "không dễ thực hiện nhưng cần thiết". "Nguy cơ đối với những người chưa được tiêm chủng cao hơn nhiều. Vì vậy, chúng tôi buộc phải thực hiện điều đó nhằm giảm số lượng người tiếp xúc gần Covid-19" - ông Schallenberg giải thích.
Ngoài việc cho biết Áo đang hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ tư, ông Schallenberg một lần nữa thúc giục người dân tiêm phòng vắc-xin Covid-19, nếu không sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn này.
Một người đi bộ tại Vienna - Áo. Ảnh: Reuters
Hai vùng bị Covid-19 tấn công mạnh ở Áo là Upper Austria và Salzburg tuyên bố áp đặt lệnh phong toả đối với những người chưa tiêm phòng vắc-xin Covid-19 đầu tiên, bắt đầu từ ngày 15-11.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Karl Nehammer trước đó cảnh báo những người vi phạm lệnh phong toả sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 573 USD trong khi doanh nghiệp vi phạm có thể bị phạt tới 34.354 USD.
Hồi tháng 9, Áo nhen nhóm ý định thực hiện biện pháp kể trên vì 30% số giường chăm sóc đặc biệt (ICU) phải dành cho bệnh nhân Covid-19. Con số này đang ở mức 20% và vẫn còn tăng lên. Giới chức y tế Áo lo ngại các bệnh viện sẽ quá tải bởi những người chưa tiêm phòng vắc-xin Covid-19.
Tổng thống Alexander van der Bellen ngày 13-11 cho hay tình hình có thể tồi tệ hơn nếu Áo không tiến hành các biện pháp kiềm chế Covid-19 quyết liệt.
Hiện khoảng 65% dân số của Áo đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ. Áo là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng Covid-19 thấp nhất châu Âu, theo Reuters. Kể từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, ít nhất 83% ca mắc Covid-19 liên quan đến những người chưa được tiêm chủng.
Tính đến ngày 15-11, Áo ghi nhận tổng cộng 959.652 ca mắc Covid-19, 11.706 ca tử vong và 836.053 trường hợp phục hồi.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/ao-ban-bo-lenh-phong-toa-covid-19-chua-tung-co-tren-...
Biến thể phụ của Delta làm tăng số ca COVID-19 ở nhiều thành phố Indonesia
Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Sadikin, biến thể mới AY.23 có nhiều điểm tương đồng với biến thể AY.4.2 được phát hiện trước đó vài tháng ở Anh.
Biến thể AY.23 chiếm tới 70% trong số 4.732 mẫu dương tính được thu thập từ 12 phòng thí nghiệm giải trình tự gien của Indonesia.
Tuy nhiên, ông Sadikin nhận định AY.23 sẽ không gây ra một đợt bùng phát nghiêm trọng tương tự hồi tháng 7. “May mắn là chúng ta đã vượt qua thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng Delta, do đó người dân vẫn còn khả năng miễn dịch”, bộ trưởng nói.
Biến thể phụ AY.23 của chủng Delta đang lây lan ở Indonesia. Ảnh: EPA-EFE
Tám thành phố của Indonesia hiện đang ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại là Lebak (tỉnh Banten), Sumedang (Tây Java), Purbalingga và Kendal (Trung Java), Tuban (Đông Java), Teluk Wondama và Fak Fak (Tây Papua), và Kendari (Sulawesi).
Trong khi đó, nhiều vùng khác của Indonesia đã dần chuyển sang trạng thái bình thường mới sau khi quốc gia này trải qua làn sóng dịch hồi tháng 5. Số ca mắc mới trung bình trong một tuần đã lên đến đỉnh điểm vào giữa tháng 7 với 50.000 ca/ngày. Con số này đã giảm xuống còn 1.700 ca/ngày vào đầu tháng 10.
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và đến Indonesia vào khoảng tháng 3. Tới tháng 6, biến thể này chiếm hơn 90% tổng số ca bệnh ở Indonesia.
“Thời điểm đó, chúng tôi đã thắt chặt quy định tại các sân bay, nhưng biến thể Delta đã vào Indonesia thông qua một cảng biển. Rút kinh nghiệm, chúng tôi hiện đang tăng cường kiểm tra tại 5 sân bay, 9 cảng biển và 4 điểm nhập cảnh”, Bộ trưởng Sadikin cho biết.
Chính phủ Indonesia đang nỗ lực hết sức để hạn chế khả năng xảy ra thêm đợt bùng phát nghiêm trọng, vì Jakarta sẽ giữ chức Chủ tịch nhóm G20 vào năm 2022 và tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Bali vào quý 4 năm sau.
Nguồn: https://tienphong.vn/bien-the-phu-cua-delta-lam-tang-so-ca-covid-19-o-nhieu-thanh-pho-i...
Bồ Đào Nha, đất nước nhỏ bé miễn dịch với Covid-19
Những chuyến tàu và nhà hàng một lần nữa đông đúc trở lại.
Những người tổ chức hội nghị công nghệ Web Summit tại thủ đô Lisbon cho biết nhiều công ty đã đổi ý về việc tham dự hội nghị. "Hồi đầu tháng 9, Amazon nói với chúng tôi: 'Được rồi, chúng tôi sẽ tham gia' và sau đó tới Facebook, Google, Apple và Microsoft" - giám đốc điều hành Paddy Cosgrave của Web Summit tiết lộ.
Theo lời ông Cosgrave, tỉ lệ tiêm chủng của Bồ Đào Nha là "sự cân nhắc lớn nhất" khi họ làm việc với cơ quan chức năng để tăng số lượng người tham dự lên khoảng 40.000 người. "Chương trình tiêm chủng do quân đội dẫn đầu. Một quan chức hàng đầu của hải quân đã phát biểu tại Web Summit và tôi nghĩ điều này đã có tác động sâu sắc, xua tan lo ngại về việc tiêm phòng của một bộ phận người dân" - trích lời ông Cosgrave.
Một khu ăn uống ở thủ đô Lisbon. Ảnh: CBS
Hồi tháng 2, cựu chỉ huy tàu ngầm, Phó Đô đốc Henrique Gouveia e Melo, đã được giao phụ trách chương trình tiêm chủng của Bồ Đào Nha khi đất nước này đang vật lộn với đợt bùng phát dịch thứ 3.
Trả lời phỏng vấn đài CBS News, ông Gouveia cho rằng cuộc chiến với Covid-19 không có phe trung lập. "Chỉ có 2 phe thôi. Anh không tiêm vắc-xin, vậy là anh đứng về phía virus đúng không? Hay anh sẽ về phe của cộng đồng, của người dân?" - ông Gouveia nói.
Phó Đô đốc Gouveia nhận định thành công của Bồ Đào Nha nằm ở khâu tổ chức, giao tiếp, khả năng lãnh đạo và một yếu tố khác. "Tôi không phải chính trị gia và tôi chỉ đạo quá trình tiêm chủng mà không liên quan đến các vấn đề chính trị. Việc phi chính trị hóa chương trình tiêm chủng là điều rất quan trọng" - ông Gouveia cho hay.
Hội nghị công nghệ Web Summit tại Lisbon. Ảnh: CBS
Theo lời ông Guilherme Romana, người điều hành 1 trung tâm tiêm chủng đông đúc, người dân Bồ Đào Nha rất quan tâm tới việc tiêm vắc-xin. Được biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia của Bồ Đào Nha đã có chương trình tiêm chủng mạnh mẽ kể từ cuộc chiến chống lại bệnh bại liệt vào những năm 1960. "Người dân đã quen với việc tiêm vắc-xin nên với họ, đây chỉ là quy trình y tế bình thường" - ông Romana nói.
Trên khắp châu Âu, các ổ dịch Covid-19 đang tái xuất hiện. Các ca nhiễm và ca tử vong đang tăng đột biến ở Bulgaria, nơi chỉ có khoảng 22% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nửa triệu người có thể chết trên khắp châu Âu trước tháng 2.
Phó Đô đốc Henrique Gouveia e Melo, người phụ trách chương trình tiêm chủng của Bồ Đào Nha. Ảnh: CBS
"Dĩ nhiên là chúng tôi có lo lắng. Nhưng hiện tại, số ca nhiễm tại Bồ Đào Nha vẫn thấp so với các nước khác. Và chúng tôi còn có vắc-xin bảo vệ" - ông Romana tự tin nói. Tuy nhiên, bà Maria Mota, người nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Viện Y học Phân tử, cho rằng có thể còn quá sớm để ăn mừng tỉ lệ tiêm chủng của Bồ Đào Nha.
"Tôi nghĩ thành công của chúng tôi không có nghĩa lý gì nếu nó không phải là thành công của tất cả mọi người. Đại dịch liên tục nhắc nhở rằng chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu. Vì vậy, chúng ta có thể ăn mừng khi toàn thế giới nhân rộng thành công chương trình tiêm chủng của đất nước nhỏ bé này" - trích lời bà Mota.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bo-dao-nha-dat-nuoc-nho-be-mien-dich-voi-covid-19-20...
Bệnh viện Hà Lan quá tải vì bệnh nhân COVID-19, Anh để ngỏ khả năng phong tỏa dịp Giáng sinh
Theo Reuters, số bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại các bệnh viện ở Hà Lan đã tăng lên khoảng 2.000 bệnh nhân vào ngày 15/11, bao gồm gần 400 người được chăm sóc đặc biệt, mức cao nhất kể từ tháng 5.
Với gần 250 ca nhập viện mới mỗi ngày, các bệnh viện Hà Lan được cho là sắp vượt qua mức đỉnh của mùa đông năm ngoái là khoảng 2.800 bệnh nhân COVID-19 nhập viện trong hơn một tuần, người đứng đầu hiệp hội LNAZ - Ernst Kuipers nhận định.
“Chúng ta vẫn chưa đến đỉnh, con số sẽ còn tiếp tục tăng”, ông Kuipers cảnh báo.
Các bác sĩ chăm sóc cho một bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện Maastricht (Hà Lan). Ảnh: Reuters
Các bệnh viện trên khắp Hà Lan đã mở rộng quy mô để đủ chỗ điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tại tỉnh miền Nam Limburg, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều bệnh viện tuần trước thông báo không còn đủ cơ sở vật chất và nhân lực để tiếp nhận thêm bệnh nhân COVID-19.
Hà Lan đã áp dụng trở lại lệnh phong tỏa một phần vào ngày 13/11 để hạn chế tốc độ lây lan của COVID-19. Các nhà hàng và cửa hiệu được yêu cầu đóng cửa sớm, khán giả bị cấm tham gia các sự kiện thể thao lớn…
Trong vòng một tuần đến trước ngày 15/11, Hà Lan ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Trong tuần qua, trung bình có khoảng 14.500 trường hợp mắc mới được xác nhận mỗi ngày tại quốc gia 17,5 triệu dân, vượt qua kỷ lục trước đó là dưới 13.000 trường hợp/ngày được ghi nhận vào tháng 12 năm ngoái.
Khoảng 85% dân số trưởng thành của Hà Lan đã được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, và quốc gia này sẽ bắt đầu triển khai mũi tiêm nhắc lại cho nhân viên y tế, người cao tuổi vào cuối tuần này.
Cộng hòa Séc ngày 15/11 báo cáo 11.514 ca mắc mới COVID-19, ngày thứ năm liên tiếp số ca mắc mới hàng ngày vượt mốc 10.000 ca.
Số ca nhập viện đã tăng lên 4.296 ca, trong đó có 635 ca nặng.
Chính phủ Thủ tướng Andrej Babis đã thảo luận về các lệnh hạn chế cứng rắn hơn, bao gồm một số hình thức phong tỏa đối với những người chưa tiêm chủng.
Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cho biết không loại trừ khả năng sẽ có một đợt phong tỏa khác vào Giáng sinh, vì làn sóng COVID-19 đang lan rộng trở lại trên khắp châu Âu. “Lịch sử cho thấy chúng ta không đủ khả năng để tự mãn. Chúng ta không thể loại trừ bất cứ khả năng nào”, ông Johnson nói. Tháng trước, ông Johnson từng khẳng định chắc nịch sẽ không có bất cứ lệnh hạn chế nào được áp dụng trong kỳ nghỉ lễ.
Ngày 15/11, Chính phủ Anh cho biết chương trình tiêm mũi tăng cường ngừa COVID-19 sẽ được mở rộng đối tượng áp dụng đến những người trên 40 tuổi.
Nguồn: https://tienphong.vn/benh-vien-ha-lan-qua-tai-vi-benh-nhan-covid-19-anh-de-ngo-kha-nang...
Vì sao số ca mắc Covid-19 tăng ở nhiều bang phủ vắc-xin cao ở Mỹ?
Làn sóng Covid-19 mới ở Mỹ hiện nay bùng phát một năm sau làn sóng dịch quy mô lớn vào mùa đông năm ngoái và dường như là sự khởi đầu của một đợt tăng ca nhiễm đột biến theo mùa mới.
Số ca mắc mới đang gia tăng ở các bang có tỉ lệ tiêm chủng trên mức trung bình như New Hampshire, Minnesota, Vermont, Illinois, New Mexico, Rhode Island và Colorado. Đó là 7 bang có số ca mắc tăng nhiều nhất trong hai tuần qua.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu tiêm chủng kết hợp với các biện pháp phòng dịch có thể kiềm chế làn sóng nhập viện và tử vong kéo theo sau số ca mắc gia tăng hay không.
Số ca mắc Covid-19 đang gia tăng ở một số bang của Mỹ có tỉ lệ tiêm chủng tương đối cao. Ảnh: Reuters
Ở Vermont, số ca mắc mới mỗi ngày tăng 49% trong hai tuần qua. Hơn 72% dân ở Vermont đã được tiêm chủng đầy đủ, so với tỉ lệ trung bình 59% trên toàn quốc.
Ở bang New Hampshire, số ca mắc mới mỗi ngày tăng 84% trong hai tuần qua (so với mức tăng 7% cùng kỳ trên toàn quốc) dù 63% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tại bang New Mexico, số ca mắc mới hằng ngày tăng 46% trong cùng thời kỳ dù 63% cư dân tại đây đã được tiêm phòng đầy đủ. Trong khi đó, ở Colorado, tỉ lệ này lần lượt là 42% và 62%. Số ca mắc cũng tăng đáng kể ở Minnesota (50%), Illinois (49%), Rhode Island (43%), New York (27%) và Massachusetts (24%) - những bang có hơn 6/10 cư dân được tiêm chủng đầy đủ.
Ở Massachusetts và Rhode Island, hơn 70% dân số đã tiêm đủ liều vắc-xin cần thiết. Bang California cũng đang bắt đầu chứng kiến sự gia tăng số ca mắc Covid-19.
Các đợt tăng ca mắc đột biến bắt đầu vào đầu mùa thu năm nay ở các nước châu Âu, vốn có tỉ lệ tiêm chủng tương tự, càng khiến Mỹ lo ngại.
Giới chức y tế cho biết một số yếu tố thúc đẩy sự gia tăng mạnh mẽ của số ca mắc mới gồm thời tiết lạnh hơn buộc người dân phải ở trong nhà, không đeo khẩu trang, sự xuất hiện của biến thể Delta và kháng thể trước Covid-19 giảm ở những người được chủng ngừa từ sớm, đặc biệt là những người cao tuổi.
TS David Scrase, lãnh đạo y tế ở bang New Mexico, nói với New York Times: "Những người đầu tiên tiêm vắc-xin sẽ là những người đầu tiên gặp phải vấn đề khả năng miễn dịch suy yếu". Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc-xin Covid-19 sẽ kém hiệu quả theo thời gian và với sự xuất hiện của biến thể Delta, người cao tuổi có xu hướng mất đi khả năng được bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vi-sao-so-ca-mac-covid-19-tang-o-nhieu-bang-phu-vac-...
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/covid-19-trung-quoc-dich-bung-phat-manh-lien-quan-...
Tin tức 24h